"Truyền lửa" cồng chiêng cho thế hệ trẻ

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Với mong muốn tiếng cồng, tiếng chiêng mãi vang vọng trong các ngôi làng Jrai, huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) đầu tư kinh phí và mở nhiều lớp truyền dạy cồng chiêng, múa xoang thu hút đông đảo người dân tham gia, nhất là thanh thiếu nhi.
Ngân vang tiếng cồng chiêng
Trong 15 ngày diễn ra lớp truyền dạy cồng chiêng và múa xoang truyền thống, khuôn viên nhà văn hóa làng Klăh (xã Ia Mơr) rất nhộn nhịp, đông vui. Người đến để học, người đến để cổ vũ, động viên con em mình. Khi tiếng cồng chiêng vang lên thì tất thảy đều hòa cùng nhịp chiêng, lắc lư theo điệu xoang mời gọi. Anh Rơ Lan Chung (làng Hnáp) vui vẻ nói: “Ban đầu chỉ có hơn 30 người đăng ký tham gia lớp học nhưng rồi số lượng cứ tăng dần lên đến 65 người. Thầy giáo chỉ dạy chu đáo, nhiệt tình và hiểu tâm lý của học viên nên lớp học rất vui vẻ, không ai nghỉ giữa chừng. Qua lớp học này, chúng tôi càng thêm hiểu và trân trọng giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình”. 
Lần đầu tiên được đánh cồng chiêng, em Rơ Lan Hợp (12 tuổi, làng Klăh) phấn khởi: “Sau khi đi học về, em tranh thủ làm việc nhà, ăn cơm rồi đến thật sớm nghe thầy hướng dẫn. Em mong làng có một đội chiêng để thiếu nhi được luyện tập thường xuyên, tham gia biểu diễn dịp có lễ hội”.
Nghệ nhân Rơ Châm Lui hướng dẫn các học viên ở xã Ia Mơr cách đánh cồng chiêng. Ảnh: Phương Dung
Nghệ nhân Rơ Châm Lui hướng dẫn các học viên ở xã Ia Mơr cách đánh cồng chiêng. Ảnh: Phương Dung
Trước đó, một lớp truyền dạy cồng chiêng và múa xoang được tổ chức tại xã Ia Drăng cũng đã thu hút hơn 60 học viên nhiều lứa tuổi tham gia, phần đông vẫn là thanh-thiếu niên. Lớp học tổ chức vào buổi tối nên mọi người có điều kiện sắp xếp thời gian theo học. Là dân tộc tài hoa, cồng chiêng ngấm sâu vào máu thịt nên chỉ trong thời gian ngắn, nhiều học viên người Jrai đã nắm bắt và chơi được nhiều bài chiêng: Đón xuân, Mừng lúa mới, Mừng nhà rông mới, cũng như những điệu xoang truyền thống.
Trực tiếp đảm nhận việc truyền dạy các lớp cồng chiêng và múa xoang, nghệ nhân Rơ Châm Lui (xã Ia Tôr, huyện Chư Prông) chia sẻ: “Nhiều học viên do lần đầu làm quen với cồng chiêng nên bỡ ngỡ, mình phải trao đổi trước để các em nắm kỹ về lý thuyết. Sau đó, chỉ cho các em thực hành đánh chiêng, chỉnh nhịp, hòa âm. Nhiều học viên có năng khiếu nên tiếp thu nhanh, nhớ bài tốt”. Nghệ nhân Rơ Châm Lui đề xuất kéo dài thời gian lớp học, thay vì 15 ngày thì tăng lên 20 ngày để học viên có thể chơi thuần thục hơn các bài chiêng cũng như múa xoang. Hơn nữa nên lựa chọn những học viên đồng đều lứa tuổi, vì bài chiêng khá dài sẽ khiến các thành viên lớn tuổi dễ bị đuối, dẫn đến lạc nhịp.
Tiếp nối, lưu giữ từng ngày
Ông Võ Văn Lương-Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên huyện Chư Prông-cho biết: Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại từ năm 2005. Tuy nhiên, dưới nhiều tác động, công tác bảo tồn, phát huy còn hạn chế nên cồng chiêng có nguy cơ bị mai một, nhiều ngôi làng gần như vắng hẳn tiếng cồng chiêng.
Quan tâm đến vấn đề này, năm 2021, huyện Chư Prông dành kinh phí 200 triệu đồng để mở 6 lớp truyền dạy cồng chiêng và múa xoang tại các địa phương: Ia Mơr, Ia Drăng, Ia Bang, Ia Púch, Ia Boòng và thị trấn Chư Prông. Mục đích tạo cơ hội cho người dân, nhất là thế hệ thanh-thiếu niên tìm hiểu về cồng chiêng, qua đó, khơi gợi niềm đam mê và tạo ra các sân chơi lành mạnh giúp các em tiếp nối, lưu giữ di sản mỗi ngày. Để việc truyền dạy đảm bảo mục đích, hiệu quả, thời gian học không ảnh hưởng đến quá trình lao động, học tập của học viên, Trung tâm phối hợp với địa phương lên danh sách, bố trí thời gian, địa điểm phù hợp. Ông Lương thông tin: “Thành công lớn nhất của các lớp học trước hết là thu hút đông đảo người dân đăng ký tham gia, bà con cũng đến động viên, cổ vũ. Kết thúc khóa học, hầu hết học viên đều đã biết chơi các bài chiêng cơ bản và múa các điệu xoang”.
Các học viên ở xã Ia Drăng biểu diễn múa xoang. Ảnh: Phương Dung
Các học viên ở xã Chư Drăng biểu diễn múa xoang (ảnh chụp tháng 3-2021). Ảnh: Phương Dung
Huyện Chư Prông hiện có 371 bộ cồng chiêng (6.747 chiếc), trong đó có 213 bộ do người dân tự mua, số còn lại do gia đình, dòng họ truyền lại. Phần lớn các bộ cồng chiêng đều được sử dụng, nhất là trong các lễ hội, phong tục truyền thống.
Theo Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên huyện, thời gian tới, Trung tâm tiếp tục mở thêm các lớp truyền dạy cồng chiêng và múa xoang để góp phần bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc Jrai nói chung và người Jrai ở huyện biên giới Chư Prông nói riêng. Hy vọng sau khi khóa học kết thúc, âm nhạc cồng chiêng được duy trì và phát huy, các địa phương tạo điều kiện để các đội cồng chiêng giao lưu, trình diễn, tham gia các hội thi, liên hoan.         
Chứng kiến học viên biểu diễn một số bài chiêng sau khi kết thúc khóa học, ông Nông Văn Hoàng-Phó Bí thư Đảng ủy xã Ia Mơr-nhìn nhận: “Tôi thật sự bất ngờ vì chỉ trong thời gian ngắn các em đã có thể đánh những bài chiêng rất hay. Thời gian tới, địa phương tiếp tục khuyến khích, tạo điều kiện để các em luyện tập, nuôi dưỡng niềm đam mê biểu diễn cồng chiêng, đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của người dân”.
Tương tự, ông Trịnh Quốc Thanh-Chủ tịch UBND xã Ia Drăng cũng cho rằng, việc truyền dạy cồng chiêng không chỉ góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc mà còn làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần, tạo động lực giúp người dân vượt qua những khó khăn, vươn lên trong cuộc sống. “Các sự kiện văn hóa do xã tổ chức đều có tiết mục biểu diễn cồng chiêng làm thêm phần long trọng và sinh động, cũng là cách động viên, cổ vũ người dân gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Gần đây, do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, các hoạt động hạn chế tập trung đông người, việc biểu diễn cồng chiêng cũng không thường xuyên. Khi dịch bệnh được khống chế, các hoạt động được khôi phục thì sinh hoạt cồng chiêng sẽ trở lại bình thường. Để khuyến khích các làng bảo tồn cồng chiêng, xã đã xuất kinh phí ủng hộ 4 làng mua thêm cồng chiêng phục vụ luyện tập và biểu diễn”-ông Thanh cho biết.
PHƯƠNG DUNG

Có thể bạn quan tâm

Tài năng “nhí” làng Bok Ayơl

Tài năng “nhí” làng Bok Ayơl

(GLO)- Hình ảnh cậu bé Husy (11 tuổi, làng Bok Ayơl, xã Hra, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) đứng trên sân khấu say sưa diễn tấu tiết mục “Độc tấu t’rưng-Buôn làng ấm no” tại Liên hoan tuyên truyền lưu động toàn tỉnh lần thứ III diễn ra hồi tháng 10 vừa qua đã để lại ấn tượng thật khó phai.

Đoàn xã Chư Răng khánh thành và bàn giao công trình thanh niên "Thắp sáng đường quê", chung tay xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Ảnh: Vũ Chi

Tuổi trẻ Ia Pa chung tay xây dựng nông thôn mới

(GLO)- Hưởng ứng phong trào “Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới”, đoàn viên, thanh niên huyện Ia Pa (tỉnh Gia Lai) đã huy động các nguồn lực, triển khai nhiều công trình, phần việc, chung tay xây dựng nông thôn mới và thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội địa phương.

Đường vào Harvard của nữ sinh 18 tuổi

Đường vào Harvard của nữ sinh 18 tuổi

Từng chỉ nói tiếng Anh bập bẹ khi sang Mỹ, nhưng Lê Nguyễn Nhật Hạ đã có sự thay đổi ngoạn mục. Cô bạn tốt nghiệp thủ khoa Trường THPT North Dallas ở bang Texas và hiện tại đang là tân sinh viên ĐH Harvard (Mỹ).

Nữ sinh chinh phục học bổng trị giá 6 tỉ đồng

Nữ sinh chinh phục học bổng trị giá 6 tỉ đồng

Phạm Ngọc Trúc Linh (18 tuổi, quê Hà Tĩnh) đã thành công chinh phục học bổng toàn phần trị giá 360.000 AUD (tương đương 6 tỉ đồng) từ Trường ĐH Monash (Úc). Được biết, Linh là một trong số ít ứng viên nhận được suất học bổng của trường đại học này dành cho thí sinh quốc tế.

Lắng nghe trẻ em nói

Lắng nghe trẻ em nói

Phiên họp giả định Quốc hội trẻ em lần thứ 2 - năm 2024 là một sự kiện quan trọng, có ý nghĩa to lớn đối với thiếu nhi VN; khẳng định sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em.

Chuyện tình của cặp đôi mê... yoyo

Chuyện tình của cặp đôi mê... yoyo

"Đây là mùa giải yoyo cuối cùng mà Dũng tổ chức với tư cách là người độc thân". Nói đến đây, anh Lê Minh Dũng (34 tuổi), ngụ ở đường Trần Bình Trọng, P.1, Q.10, TP.HCM quỳ xuống cầu hôn bạn gái mình, trong sự vỗ tay reo hò của hàng trăm anh em yêu mến yoyo.
Chắp cánh “tài năng nhí”

Chắp cánh “tài năng nhí”

(GLO)- Chung kết tìm kiếm tài năng nhí năm 2024 diễn ra tối 31-8 tại TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) đã tìm ra những gương mặt có triển vọng trong lĩnh vực nghệ thuật. Khởi đi từ sân chơi này “đánh thức” tài năng bên trong mỗi đứa trẻ, ươm mầm và chắp cánh cho ước mơ của các con được bay xa hơn.