(GLO)- Đường dây 500kV Vũng Áng-Dốc Sỏi-Pleiku 2 là dự án lưới điện cấp bách đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý điều chỉnh, bổ sung quy hoạch và yêu cầu sớm đẩy nhanh tiến độ. Dự án dự kiến khởi công tháng 9-2017 và đưa vào vận hành trong quý I-2019. Hiện nay, chủ đầu tư và chính quyền các địa phương đang tích cực triển khai giải phóng mặt bằng để dự án được thi công đúng tiến độ.
Là một trong 3 dự án thành phần, dự án đường dây 500kV Dốc Sỏi-Pleiku 2 dài 209 km, đi qua địa bàn 3 tỉnh Quảng Ngãi, Kon Tum và Gia Lai, với tổng mức đầu tư gần 3.667 tỷ đồng. Tuyến đi trên địa bàn tỉnh Gia Lai dài 41,44 km gồm huyện Chư Pah 19,59 km, Ia Grai 15,79 km và TP. Pleiku 6,06 km. Theo dự kiến, tổng vị trí trụ điện là 96; diện tích đất thu hồi móng trụ là 3,91 ha; diện tích ảnh hưởng trong hành lang tuyến là 132,61 ha.
Chủ tịch UBND tỉnh làm việc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam về dự án. Ảnh: H.D |
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành: “Thủ tướng đã chỉ đạo không được xâm phạm rừng, nhất là rừng phòng hộ. Do vậy, khi triển khai dự án có liên quan tới đất rừng nên có sự cho phép của Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT để tỉnh có cơ sở thực hiện”. |
Đối với đoạn tuyến đi qua địa bàn huyện Chư Pah, ông Đặng Công Lâm-Chủ tịch UBND huyện nhận định: Lâu nay, Chư Pah là địa bàn thường xuyên diễn ra việc xây dựng các công trình liên quan tới điện nên ảnh hưởng nhiều đến đời sống, sản xuất nông nghiệp của bà con do thu hồi đất... Trước đó, với dự án thủy điện Xê ka mản, huyện cũng đã rất khó khăn mới thực hiện được việc giải phóng mặt bằng. Với dự án đường dây 500kV, huyện cũng đã triển khai phần việc của mình. “Bên cạnh một số hộ dân tự giác thì cũng có sự móc nối, thông đồng, cấu kết giữa đơn vị tư vấn với người dân và chúng tôi đã chuyển cho Công an điều tra, xử lý. Huyện vẫn đang thực hiện cưỡng chế, tháo dỡ một số nhà và tiếp tục thực hiện giải tỏa đền bù đoạn đường tránh. Chúng tôi cũng đề nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam phối hợp với địa phương khẩn trương cử người về cùng với xã ký biên bản về việc bàn giao quản lý các cột mốc, hành lang lưới điện”.
“Đối với công trình 500kV, TP. Pleiku đáp ứng kịp thời tiến độ. Tuy vậy, đường liên thôn, liên xã tải trọng thấp, trong khi đó việc thực hiện đường dây 500kV chắc chắn dùng xe tải trọng lớn, chủ đầu tư cần thông báo rõ công trình qua tuyến đường nào và phải có cam kết với người dân... để thuận lợi cho việc hoàn trả sau khi nghiệm thu công trình. Chúng tôi cũng đề nghị nên bàn giao tuyến sớm để còn giao nhiệm vụ quản lý cho xã”-Chủ tịch UBND TP. Pleiku Trần Xuân Quang nêu ý kiến.
Lắp đặt máy biến áp. Ảnh: Trần Sanh |
Khi triển khai dự án 500kV, diện tích ảnh hưởng trong hành lang tuyến là 132,6 ha, trong đó có 3,5 ha rừng phòng hộ, gần 5 ha rừng sản xuất. Đề cập vấn đề này, ông Nguyễn Nhĩ-Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm nêu ý kiến: “Đối với việc chuyển đổi mục đích từ đất rừng sang mục đích khác cần thận trọng, phải có ý kiến của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc chuyển đổi thì chúng tôi mới thực hiện. Bởi lẽ, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, không được xâm phạm bất cứ cây rừng nào, nhất là rừng phòng hộ. Đối với diện tích cây lâu năm (cà phê, cao su...) cần giải tỏa, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng nên phối hợp thật tốt để đảm bảo quyền lợi của các bên”.
Tại buổi làm việc với UBND tỉnh sáng 15-3, ông Dương Quang Thành-Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam đề nghị tỉnh tạo điều kiện để dự án triển khai thuận lợi, tập trung vào các nội dung như: tỉnh cho phép chủ đầu tư giải quyết những thủ tục song song như sử dụng đất, công bố thu hồi đất, lập phương án bồi thường... để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng; đảm bảo đủ quỹ đất cho thực hiện dự án; chỉ đạo chính quyền các địa phương quản lý chặt chẽ, tránh lấn chiếm gây khó khăn cho việc giải phóng mặt bằng sau này; cho phép thực hiện một số cơ chế về các thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, đất trồng lúa và các thủ tục liên quan đến rừng phòng hộ, rừng đặc dụng nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.
Trước những đề nghị đó, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành chỉ đạo: Lãnh đạo các địa phương có đường dây đi qua cần tuyên truyền cho người dân về chủ trương của Đảng, Nhà nước; tích cực phối hợp với chủ đầu tư; xử lý nghiêm và có thể truy tố trước pháp luật các đối tượng vi phạm. Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam phối hợp chặt chẽ với địa phương kịp thời xử lý khi có vấn đề xảy ra, sớm bàn giao tuyến cho các địa phương.
Hà Duy