Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng: Hội Nhà báo Việt Nam cần trở thành "ngôi nhà" ấm tình đồng nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sáng 31-12, tại Cung Văn hóa lao động hữu nghị Việt-Xô (Hà Nội), Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI Hội Nhà báo Việt Nam (nhiệm kỳ 2020-2025) chính thức khai mạc với sự tham dự của gần 500 đại biểu. Các đồng chí Võ Văn Thưởng-Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng; Nguyễn Trọng Nghĩa-Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đã đến dự. 
Theo Báo cáo chính trị tại Đại hội, những năm qua, báo chí nước ta phát triển mạnh cả về quy mô, loại hình, công nghệ, số lượng, chất lượng, hiệu quả xã hội. Tính đến cuối năm 2021, cả nước có trên 830 cơ quan báo chí thuộc 4 loại hình: báo in, phát thanh, truyền hình và báo điện tử. So với năm 1986-thời điểm đất nước ta bắt đầu tiến hành công cuộc đổi mới-đội ngũ những người làm báo đến nay tăng gần gấp 5 lần với hơn 45.000 lao động làm việc tại các cơ quan báo chí, trong đó hơn 20.000 nhà báo được cấp thẻ hành nghề. Đội ngũ phóng viên, biên tập viên ngày càng trẻ hóa, được đào tạo cơ bản, trong đó gần 80% có trình độ đại học trở lên; số nhà báo có 2 bằng đại học trở lên, sử dụng 1-2 ngoại ngữ ngày càng tăng, nhiều người có trình độ cao cấp về lý luận chính trị, trình độ quản lý báo chí.
Nghiêm túc thực hiện sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, báo chí đã trở thành diễn đàn tin cậy của hân dân, là kênh thông tin đại chúng thiết yếu đối với đời sống xã hội; tích cực, chủ động, kịp thời phản ánh, tuyên truyền, cổ vũ thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, góp phần tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Báo chí cũng vào cuộc mạnh mẽ đấu tranh chống các thông tin xấu, độc; tuyên truyền nâng cao cảnh giác, chủ động đấu tranh chống âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, các quan điểm sai trái của các phần tử cơ hội chính trị; phản ánh chân thực đời sống chính trị, kinh tế-xã hội của đất nước và quốc tế; đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; thực hiện ngày càng có hiệu quả chức năng giám sát, phản biện xã hội; là lực lượng chủ lực, đi đầu trong tuyên truyền phòng-chống, đẩy lùi đại dịch Covid-19. Đặc biệt, báo chí đã chứng tỏ vai trò tiên phong và hiệu quả trong cuộc đấu tranh phòng-chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, khẳng định quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, trong đấu tranh phòng-chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, góp phần củng cố và tăng cường niềm tin của các tầng lớp nhân dân. 
Quang cảnh đại hội sáng 31-12
Quang cảnh đại hội sáng 31-12. Ảnh: Phương Duyên
Nhiệm kỳ qua, Đảng đoàn, Ban Chấp hành, Ban Thường vụ đã chỉ đạo các cấp Hội tăng cường công tác tuyên truyền triển khai thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, cũng như Nghị quyết Đại hội X của Hội Nhà báo Việt Nam. Tiếp tục thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, pháp luật, chính sách của Nhà nước về công tác thông tin, báo chí; đẩy mạnh tuyên truyền học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Mặt khác, Hội đã thực hiện tốt đề án báo chí chất lượng cao giai đoạn 2016-2020, tổ chức tốt Giải Báo chí quốc gia và các giải báo chí chuyên ngành. 
Giải Báo chí quốc gia tiếp tục đi vào nền nếp và có sức thu hút ngày càng cao đối với giới báo chí cũng như sự quan tâm của công chúng cả nước, qua đó khích lệ, cổ vũ hội viên, nhà báo tích cực tìm tòi, phát hiện nhiều đề tài mới, có giá trị. Nhiều tác phẩm đoạt giải có phương thức thể hiện mới và sử dụng có hiệu quả các công nghệ làm báo hiện đại. Trong 5 năm qua, Giải Báo chí quốc gia đã tiếp nhận hơn 8.500 tác phẩm tiêu biểu của các cấp Hội trong cả nước tham dự, đã trao tổng cộng 38 giải A, 124 giải B, 218 giải C và 136 giải khuyến khích cho hơn 1.000 tác giả và nhóm tác giả. 
Đối với các giải báo chí chuyên ngành, Hội Nhà báo Việt Nam thực hiện tốt vai trò là cơ quan thẩm định chuyên môn và phối hợp tổ chức các giải như: Giải Báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (Giải Búa liềm vàng); Giải Báo chí toàn quốc về phòng-chống tham nhũng, lãng phí; Giải Báo chí toàn quốc về Đại đoàn kết toàn dân tộc; Giải Báo chí viết về Dân vận khéo; Giải Báo chí toàn quốc về Xây dựng nông thôn mới; Giải Báo chí toàn quốc về giảm nghèo bền vững; Giải Báo chí toàn quốc Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam; Giải báo chí về Đồng bằng Sông Cửu Long… 
Hội cũng luôn quan tâm sát sao công tác bồi dưỡng chính trị, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp cho hội viên, người làm báo cũng như công tác chỉ đạo, quản lý báo chí, kiểm tra, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên… Hoạt động xã hội, từ thiện của các cấp Hội và các cơ quan báo chí tiếp tục được thực hiện với những việc làm thiết thực, hiệu quả. Nhiệm kỳ qua, tổng số tiền các cấp Hội huy động trong các hoạt động từ thiện mỗi năm lên đến hàng trăm tỷ đồng. 
Bên cạnh những ưu điểm, trong nhiệm kỳ qua, hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam vẫn còn tồn tại một số khuyết điểm, hạn chế như: Một số tổ chức hội vẫn chưa thực sự chú trọng công tác giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức nghề nghiệp nên một số cơ quan báo chí, một bộ phận những người làm báo xa rời tôn chỉ, mục đích, thiếu tinh thần trách nhiệm, dẫn đến những vi phạm pháp luật và đạo đức nghề nghiệp, làm suy giảm vai trò, uy tín của báo chí. Một số tổ chức hội thiếu năng động, sáng tạo, chưa tập hợp và thu hút được hội viên, không kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm. Trình độ, năng lực của một bộ phận người làm công tác hội còn hạn chế. Một bộ phận hội viên thiếu tinh thần tự học, tự bồi dưỡng, chưa đáp ứng được yêu cầu tác nghiệp báo chí trong môi trường truyền thông kỹ thuật số…
Phát biểu chỉ đạo tại đại hội, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng Võ Văn Thưởng đã ghi nhận nỗ lực của đội ngũ những người làm báo khi không quản khó khăn gian khổ, dũng cảm xông pha ở các điểm nóng, thực hiện tốt sứ mệnh người làm báo cách mạng. Báo chí đã không ngừng bảo vệ nền tảng của Đảng, chủ nghĩa Mác-Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; cổ vũ, động viên gương người tốt, việc tốt; bảo vệ chủ quyền biển đảo; kịp thời đưa tin những sự kiện nóng, thiên tai, bão lũ. Nhiều bài báo mang tính phát hiện, kiến nghị giải pháp thiết thực, nhiều nhà báo tích cực phản ánh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phòng-chống tham nhũng… Đặc biệt, trong đại dịch Covid-19, hàng trăm nhà báo đã không ngại hiểm nguy để kịp thời phản ánh, cổ vũ tấm gương cao đẹp của lực lượng tuyến đầu. 
Nhiệm kỳ qua, hoạt động của Hội cũng có nhiều chuyển biến tích cực như: quan tâm công tác giáo dục, bồi dưỡng đạo đức nghề nghiệp của người làm báo; phát huy tài năng, trí tuệ, năng lực sáng tạo, góp phần làm tốt vai trò, sứ mệnh của báo chí cách mạng Việt Nam; kiện toàn bộ máy; kịp thời phát hiện, ngăn chặn hội viên vi phạm pháp luật; kiến nghị với Đảng và Nhà nước về cơ chế chính sách cho lực lượng báo chí. Công tác đào tạo nghiệp vụ, đạo đức báo chí cũng được đổi mới, đa dạng hóa, nâng cao chất lượng, nhất là tổ chức các chuyên đề làm báo đa phương tiện.
Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam khóa XI (nhiệm kỳ 2020-2025) ra mắt với 52 ủy viên. Ảnh: Phương Duyên
Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam khóa XI (nhiệm kỳ 2020-2025) ra mắt với 52 ủy viên. Ảnh: Phương Duyên
Bên cạnh đó, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng Võ Văn Thưởng cũng yêu cầu Hội Nhà báo cần đánh giá đúng những hạn chế, khuyết điểm như: một số cấp hội, cơ quan báo chí chưa quan tâm công tác xây dựng Đảng, giáo dục chính trị tư tưởng, rèn luyện bản lĩnh, đạo đức cho hội viên. Một bộ phận người làm báo xa rời tôn chỉ, mục đích, làm suy giảm vai trò, uy tín của báo chí, làm tổn thương danh dự những người làm báo chân chính. Ngoài ra, một bộ phận nhà báo thiếu tính chuyên nghiệp, chữ nghĩa vụng về, chưa đáp ứng được yêu cầu tác nghiệp trong môi trường truyền thông số. Vẫn còn tình trạng cơ quan báo chí và người làm báo chạy theo thị hiếu tầm thường, thiếu nhân văn; công tác quản lý báo chí chưa theo kịp thực tiễn, nhiều cơ quan chủ quản buông lỏng quản lý, tôn chỉ mục đích bị xem nhẹ…
Trên cơ sở đó, đồng chí Võ Văn Thưởng đề nghị Hội Nhà báo Việt Nam cần nhận thức đầy đủ vai trò, vị trí của mình với nhiệm vụ hàng đầu là phục vụ sự nghiệp cách mạng của Nhân dân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các hội viên, biến Hội thành "ngôi nhà" ấm tình đồng nghiệp. Hội cần tiếp tục bảo vệ sự lớn mạnh của báo chí nước nhà, khắc phục tư tưởng tổ chức Hội là nơi hội hè, ai làm cũng được. Trong nỗ lực xây dựng nền báo chí cách mạng Việt Nam ngày càng nhân văn, hiện đại, Hội cần đổi mới nội dung, phương thức sáng tạo, phát huy dân chủ, tăng cường kỷ cương; kịp thời phản ánh với cơ quan chức năng, quan tâm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các hội viên và động viên người làm báo xuất sắc. 
Theo Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng, mỗi cấp bộ hội, mỗi người làm báo, cơ quan báo chí hãy học và phải thấm nhuần những lời dạy của Bác đối với mình: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”. Trên cơ sở đó thực hiện tốt sứ mệnh người làm báo cách mạng, tuyên truyền tốt chủ nghĩa Mác-Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; đề cao tính tư tưởng, văn hóa, giáo dục. Mỗi người làm báo cần không ngừng tự học, tự nghiên cứu để không ngừng phát triển…
Tiếp đó, Ban Chấp hành khóa XI đã ra mắt với 52 ủy viên (khuyết 5); Ban kiểm tra gồm 15 ủy viên. Ông Lê Quốc Minh-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương tiếp tục được bầu giữ chức Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam khóa XI; các ông Trần Ngọc Dũng, Nguyễn Đức Lợi được bầu là Phó Chủ tịch Hội khóa XI.
PHƯƠNG DUYÊN

Có thể bạn quan tâm

Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Trần Quốc Cường giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên

Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Trần Quốc Cường giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên

(GLO)- Sáng 16-11, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai trao quyết định của Bộ Chính trị cho ông Trần Quốc Cường-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, thôi giữ chức Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương, tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên nhiệm kỳ 2020-2025. Quyết định có hiệu lực từ 15-11.
Ông Đoàn Anh Dũng giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận

Ông Đoàn Anh Dũng giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận

Ban Tổ chức Trung ương công bố quyết định của Ban Bí thư về việc luân chuyển, chỉ định cán bộ tham gia Ban chấp hành, Ban Thường vụ và giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đối với ông Đoàn Anh Dũng, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XIII.
Đến năm 2026, các bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có 101.546 biên chế

Đến năm 2026, các bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có 101.546 biên chế

(GLO)- Đến năm 2026, các cơ quan, tổ chức hành chính thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập mà không phải là đơn vị sự nghiệp công lập có 101.546 biên chế. Tổng biên chế công chức, biên chế của các hội quần chúng được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở Trung ương bảo đảm đến hết năm 2026 là 103.300 biên chế.