(GLO)- Thời gian qua, ngành Y tế huyện Chư Sê đã tập trung đẩy mạnh thực hiện các chương trình y tế quốc gia. Dự kiến đến hết năm 2017, huyện sẽ có 10 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế.
Chủ động phòng-chống dịch
Đã bước sang ngày thứ tư nằm viện, bà Bùi Thị Thắm (tổ dân phố 4, thị trấn Chư Sê) vẫn đang được các bác sĩ Khoa Nội-Nhi-Nhiễm (Trung tâm Y tế huyện Chư Sê) theo dõi và chăm sóc đặc biệt. Bà Thắm cho biết, mặc dù nhà bà nằm ngay bên quốc lộ, nhưng xung quanh có nhiều khu đất trống, cây cối rậm rạp nên rất nhiều muỗi. Đây chính là nguyên nhân khiến bà phải nhập viện vì mắc bệnh sốt xuất huyết (SXH). Bác sĩ Trương Minh Cẩn-Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Chư Sê xác nhận: Mặc dù đã tích cực trong công tác phòng-chống dịch SXH và xử lý môi trường nhưng bệnh vẫn chưa giảm triệt để mà còn xuất hiện rải rác một số nơi trên địa bàn.
Các bác sĩ thăm khám bệnh nhân mắc bệnh sốt xuất huyết đang nằm điều trị tại Trung tâm Y tế huyện. Ảnh: M.N |
Theo bác sĩ Cẩn, từ tháng 7-2016, dịch SXH trên địa bàn huyện Chư Sê bùng phát và lây lan với tốc độ chóng mặt. Cao điểm có ngày Trung tâm Y tế phải tiếp nhận đến 200 ca bệnh. Chỉ trong vòng 6 tháng sau đó, toàn huyện đã có đến 1.472 ca mắc bệnh SXH. Tại 13/15 xã, thị trấn ghi nhận có bệnh nhân mắc bệnh, trong đó thị trấn Chư Sê và các xã Ia Pal, Ia Blang có tỷ lệ người mắc bệnh cao nhất. Nguyên nhân, theo bác sĩ Cẩn nhận định: Nhiều gia đình khá giả có thú vui chơi cây cảnh, những bể cây cảnh thường chứa đầy nước tạo điều kiện cho muỗi phát triển.
Trước diễn biến phức tạp của dịch SXH, Trung tâm Y tế huyện đã khẩn trương triển khai các chiến dịch phòng-chống bệnh trên diện rộng, tăng cường cán bộ theo dõi, giám sát diễn biến dịch bệnh; khoanh vùng các địa bàn có nguy cơ bùng phát thành dịch để tập trung nguồn lực giải quyết triệt để, không để dịch bùng phát, lan rộng, kéo dài. “Chúng tôi liên tục tổ chức họp từng tổ dân phố, vận động người dân cùng tham gia giữ gìn vệ sinh môi trường, dọn dẹp chai lọ, chum vại diệt loăng quăng (bọ gậy) để muỗi không có điều kiện đẻ trứng, phát tán mầm bệnh”. Trung tâm Y tế huyện cũng đã có văn bản gửi các xã tập trung tuyên truyền người dân, đồng thời tổ chức phun hóa chất ở những vùng có dịch.
Hướng đến 10 xã đạt chuẩn năm 2017
Bác sĩ Trương Minh Cẩn cho biết, năm 2017, ngoài việc đẩy mạnh cải cách hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh mỗi khi đến khám-chữa bệnh; đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ ngành Y tế, đơn vị còn tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng các trạm y tế đạt chuẩn. Tính đến cuối năm 2016, toàn huyện có 6/15 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế giai đoạn II (2011-2020), chiếm 40%. Đó là Trạm Y tế các xã Ia Blang, Ia Hlốp, Al Bá, Ia Pal, Ia Glai, Dun. Đặc biệt, trong năm 2017, đơn vị sẽ tập trung xây dựng chuẩn y tế quốc gia cho các xã Ia Tiêm, Bờ Ngoong, Kông Htok; đồng thời tiếp tục xây dựng Trạm Y tế xã Chư Pơng chưa đủ và đạt các tiêu chí về y tế theo kế hoạch đặt ra. Nếu đạt được chỉ tiêu này, hết năm 2017, huyện Chư Sê sẽ có 10 trạm y tế xã đạt chuẩn. “Hầu hết các xã đạt chuẩn đều được đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang-thiết bị y tế, đội ngũ cán bộ được nâng cao trình độ, phục vụ tốt cho công tác khám-chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân địa phương”-bác sĩ Cẩn cho biết.
Theo Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Chư Sê, việc tăng cường bác sĩ tuyến huyện hỗ trợ cho tuyến xã được đơn vị thực hiện rất tốt, đảm bảo tất cả các xã đều có bác sĩ. Tuy nhiên hiện nay, cơ sở hạ tầng các trạm y tế đã xuống cấp, cơ sở vật chất, phòng ốc không đảm bảo; chất lượng đội ngũ cán bộ y tế và các trang-thiết bị còn hạn chế là những cản ngại lớn nhất để đạt được tiêu chí quốc gia về y tế xã. “Chúng tôi đã thành lập tổ hỗ trợ chuyên môn về việc xây dựng xã đạt chuẩn quốc gia về y tế. Cùng với đó, đơn vị đã kiến nghị Huyện ủy, UBND huyện chỉ đạo các ban ngành, UBND các xã phối hợp xây dựng các chương trình y tế quốc gia, đặc biệt là xây dựng các xã đạt chuẩn quốc gia về y tế”.
Minh Nguyễn