Trong số những thiên tai dị thường, lũ quét và sạt lở đất là những loại hình thiên tai đặc biệt nguy hiểm. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+) |
Nhấn mạnh năm 2024 sẽ tiếp tục là một năm được dự báo sẽ xảy ra nhiều hiện tượng thiên tai cực đoan, dị thường (đặc biệt là các loại thiên tai nguy hiểm như lũ quét và sạt lở đất), giới chuyên gia khí tượng thủy văn khuyến nghị người dân cần theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, khí hậu thông qua các bản tin dự báo thời tiết để kịp thời có phương án ứng phó.
Thông tin dự báo cần tới từng vị trí cụ thể
Nhận định xu thế khí tượng, thủy văn trong các tháng còn lại của năm 2024, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia Hoàng Phúc Lâm cho biết trong năm nay, khả năng bão và áp thấp nhiệt đới sẽ xuất hiện trên Biển Đông tương đương với trung bình nhiều năm. Thời điểm xảy ra bão, áp thấp nhiệt đới tập trung khả năng từ nửa cuối tháng Sáu.
Trong 6 tháng cuối năm, lượng mưa ở mức xấp xỉ đến cao hơn trung bình nhiều năm, đặc biệt ở khu vực Trung Bộ và các tỉnh phía Nam. Xu thế nắng nóng cũng tiếp tục có khả năng xuất hiện nhiều đợt hơn và gay gắt hơn so với trung bình nhiều năm.
Về thủy văn, trong mùa khô năm 2024, khả năng xảy ra khô hạn cục bộ tại các tỉnh Trung, Nam Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên; lũ trên các lưu vực có hồ chứa lớn như sông Đà, sông Gâm - Chảy ít có khả năng xuất hiện sớm…
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Hoàng Đức Cường cũng nhấn mạnh từ đầu năm 2024, thiên tai phức tạp, dị thường đã xuất hiện tại nhiều nơi trên cả nước. Dự báo các hiện tượng thiên tai nguy hiểm còn xuất hiện trong thời gian tới.
Theo ông Cường, trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp, nhiệm vụ đặt ra là cần phải tăng sự chủ động trong ứng phó với các tình huống thiên tai có thể xảy ra, để giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản, môi trường, các hoạt động kinh tế xã hội.
“Với tinh thần trách nhiệm cao, các cơ quan khí tượng thủy văn đang tiếp tục theo dõi chặt chẽ mọi diễn biến thời tiết, thủy văn, hải văn; cảnh báo và dự báo kịp thời các hiện tượng thời tiết, thủy văn, hải văn nguy hiểm trên phạm vi cả nước; cung cấp kịp thời, đầy đủ các bản tin cảnh báo, dự báo thời tiết, thủy văn, hải văn nguy hiểm cho các cơ quan liên quan,” ông Cường nói.
Chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, bà Bùi Thị Phượng (Mạng lưới đối tác khí nhà kính Việt Nam) cũng nhấn mạnh biến đổi khí hậu diễn biến bất thường đã và đang làm gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan như lũ lụt, hạn hán, sương muối, rét đậm, gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế và đời sống của người dân.
Vì vậy thời gian tới, ngoài các thông tin dự báo dưới dạng bản tin thời tiết, khí hậu thuần túy, cơ quan khí tượng thủy văn cần cần cụ thể hóa, chi tiết hóa thông tin dưới dạng cảnh báo tại địa điểm, vị trí cụ thể, đặc biệt là thông tin dự báo, cảnh báo sớm thiên tai, mưa lớn dưới dạng dự báo tác động.
Cùng với đó, cơ quan khí tượng thủy văn cần huy động các nguồn hỗ trợ để đầu tư trang thiết bị hiện đại đáp ứng Chuyển đổi Số; cải thiện hệ thống thu thập dữ liệu để tăng cường khả năng dự báo thời tiết và cảnh báo sớm.
Biến đổi khí hậu diễn biến bất thường đã và đang làm gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+) |
"Ngoài ra, các cơ quan liên quan cần quan tâm đầu tư vào hệ thống thoát nước, đê điều và hồ chứa để ứng phó với lũ lụt và hạn hán; xây dựng kế hoạch ứng phó khẩn cấp cho các trường hợp thời tiết cực đoan, bao gồm việc di dời dân cư, cung cấp thực phẩm và nước uống, và bảo vệ tài sản; phát triển nông nghiệp thông minh," bà Phượng khuyến nghị.
Chủ động theo dõi liên tục thông tin
Trong số các thiên tai dị thường, lũ quét, sạt lở đất là những loại hình thiên tai đặc biệt nguy hiểm. Nhằm tăng cường hiệu quả thông tin cảnh báo lũ quét, sạt lở đất, Tổng cục Khí tượng Thủy văn đang ứng dụng Hệ thống thông tin cảnh báo lũ quét, sạt lở đất thời gian thực. Đây là công cụ tích hợp để giám sát, phân tích, xử lý dữ liệu, kết nối dữ liệu đa nguồn trên nền WebGIS.
Trên cơ sở đó, hệ thống cảnh báo sẽ hỗ trợ truyền thông tin cảnh báo theo thời gian thực trên cơ sở tự động cảnh báo nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất.
Về kết quả cập nhật tình hình sạt lở đất, ông Nguyễn Quốc Khánh - Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản cho biết công tác biên tập, cập nhật, chính xác hóa, tăng độ tin cậy của bộ cơ sở dữ liệu trượt lở đất đá hiện đã xác định được hơn 490 điểm trượt lở đất đá có đầy đủ về ngày, giờ, tọa độ trượt.
Trong số đó có khoảng 230 điểm trượt của đề án trượt lở quốc gia đã điều tra, cập nhật được chính xác hóa; khoảng hơn 260 điểm trượt lở đất - lũ quét được thu thập từ nguồn dữ liệu khác cập nhật thêm từ nguồn tài liệu khác. Đặc biệt công tác cập nhật, chính xác hóa cơ sở dữ liệu điểm trượt lở đất đá bằng công nghệ Viễn thám-GIS đã xác định ra được 34 điểm trượt lở mới.
Tuy nhiên theo Giáo sư - Tiến sỹ Trần Thục, Chủ tịch Hội Khí tượng Thủy văn Việt Nam, mặc dù các đơn vị dự báo đã tăng cường đầu tư khoa học công nghệ cho cảnh báo lũ quét, sạt lở đất, song với loại thiên tai này, thế giới không có nhiều kỳ vọng về tính dự báo. Hiện trạng dự báo với loại hình thiên tai này mới đạt mức từ kém đến thấp và kỳ vọng đến năm 2040, khoa học có thể nâng lên mức kém đến trung bình.
Vì vậy ông Thục lưu ý cùng với nhiệm vụ tăng cường quan trắc, giám sát, việc theo dõi liên tục thông tin qua các hệ thống dự báo trực tuyến cũng như sự phối hợp giữa chính quyền địa phương, người dân và cộng đồng trong việc rà soát các nguy cơ về lũ quét, sạt lở đất tại địa phương là rất quan trọng để có thể chủ động phòng ngừa, ứng phó trước khi thiên tai xảy ra.
Theo Tổng cục Khí tượng Thủy văn, năm 2023 ghi nhận là năm có mức nhiệt độ cao nhất toàn cầu và là năm thứ hai trong chuỗi số liệu quan trắc ở Việt Nam. Nhiệt độ cao nhất từ trước đến nay đã xuất hiện với trị số 44,2 độ ở Bắc Trung Bộ. Mặc dù các cơn bão và áp thấp nhiệt đới hầu như không đổ bộ trực tiếp vào trong đất liền nhưng các đợt mưa, lũ lớn diện rộng đã gây ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất ở Trung Bộ, Tây Nguyên, vùng núi phía Bắc...
Đáng chú ý, từ đầu năm 2024, thiên tai phức tạp, dị thường liên tiếp xuất hiện như đợt rét đậm, rét hại diện rộng kéo dài từ tháng Hai sang đến tháng Ba; nắng nóng xuất hiện dài ngày ở khu vực Nam Bộ, xâm nhập mặn tăng cao hơn ở Đồng bằng sông Cửu Long.