R'Ô H'Luy-"Bông hoa" của núi rừng Chư Mố

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Chị R’Ô H’Luy-Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ buôn Apa Ơi H’Trông (xã Chư Mố, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai) không chỉ nhiệt tình trong công tác mà còn có nhiều đóng góp trong việc bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc.
Hết mình với công tác Hội
Gắn bó 8 năm qua với công tác Hội, chị H’Luy luôn làm tốt nhiệm vụ của mình. Để thu hút chị em tham gia vào Hội, chị thường xuyên tuyên truyền cho hội viên, phụ nữ hiểu được vai trò, quyền và lợi ích của mình khi tham gia sinh hoạt Hội.
Thông qua các cuộc họp, các buổi làm việc đổi công, chị lồng ghép tuyên truyền, vận động chị em trong Chi hội thực hiện phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”; cuộc vận động xây dựng “Gia đình 5 không, 3 sạch” gắn với xây dựng nông thôn mới; Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh… Nhờ vậy, số chị em phụ nữ tham gia vào Hội không ngừng tăng lên. Đến nay, Chi hội có trên 400 hội viên.
Trong phong trào “Hũ gạo tiết kiệm của Bác”, đến nay, số gạo Chi hội tiết kiệm được là 250 kg, hỗ trợ thường xuyên cho 25 hội viên nghèo. Trong 5 năm qua, bản thân chị đã vận động 5 chị có điều kiện kinh tế ổn định giúp 3 chị khó khăn với số tiền 15 triệu đồng, 5 chỉ vàng, 2 sào đất, 2 con bò và 40 ngày công. Nhờ vậy, đời sống của chị em vơi bớt khó khăn, từng bước vươn lên thoát nghèo.
Gia đình chị Ksor H’Ngui thuộc diện hộ nghèo, không có đất canh tác. Năm 2018, chị H’Ngui được chị em trong chi hội cho vay 10 triệu đồng nuôi heo và tặng 1 con bò làm sinh kế. Đàn heo lớn, chị bán mua ruộng rẫy canh tác, đàn bò cũng tăng lên 3 con. Thu nhập ổn định, chị thoát nghèo và quay lại giúp đỡ các chị em khác.
Chị R’Ô H’Luy (giữa) chia sẻ kinh nghiệm dệt thổ cẩm cho chị em trong chi hội. Ảnh: Vũ Chi
Chị R’Ô H’Luy (giữa) chia sẻ kinh nghiệm dệt thổ cẩm cho chị em trong Chi hội. Ảnh: Vũ Chi
Cùng với đó, để hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập, chị H’Luy còn làm Tổ trưởng Tổ vay vốn và Tiết kiệm tín chấp của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện với số tiền hơn 3,6 tỷ đồng cho 82 chị em vay; tận dụng nguồn vốn Quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển tỉnh với số tiền 140 triệu đồng cho 11 chị vay. Ngoài ra, chị vận động hội viên tham gia góp vốn xoay vòng được 9,5 triệu đồng. Những nguồn vốn này đã giúp hội viên, phụ nữ đầu tư phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng.
Ngoài ra, chị H’Luy còn tích cực tham gia tổ hòa giải tại địa phương để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của phụ nữ và trẻ em. Trong 5 năm qua, chị đã tham gia hòa giải thành công 3 vụ mâu thuẫn vợ chồng, 2 vụ tranh chấp đất đai. Ngoài ra, chị còn vận động chị em hội viên thành lập mô hình “Nói không với nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống” với 30 thành viên; thành lập 2 tổ không sinh con thứ 3 với 30 thành viên. Năm 2020, chị vận động được 47 hộ làm nhà tiêu, nhà tắm hợp vệ sinh; xây dựng một con đường hoa có chiều dài 700 m với 68 hộ tham gia, góp phần xây dựng cảnh quan môi trường xanh-sạch-đẹp.
Với tấm lòng đôn hậu, chị H’Luy nhận đỡ đầu một trẻ mồ côi là em Ksor H’Lôi. Cha mẹ mất sớm, em H’Lôi ở với ông ngoại đã già yếu. Định kỳ hàng tháng, chị đều đến thăm hỏi, hỗ trợ gạo và các nhu yếu phẩm cần thiết cho sinh hoạt hàng ngày. Gặp H’Lôi trong căn nhà nhỏ, cô học sinh lớp 7 này xúc động: “Nhờ có mẹ H’Luy mà 2 ông cháu có cái ăn, cái mặc, con được tiếp tục đến trường. Con cảm ơn mẹ nhiều lắm”.
Bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc
Sinh ra và lớn lên trong âm vang của tiếng cồng, tiếng chiêng, khoác trên mình trang phục thổ cẩm truyền thống của dân tộc Jrai, chị H’Luy luôn thấy tự hào. Vì vậy, chị dành tâm huyết của mình để lưu giữ nét đẹp truyền thống ấy. Trong mỗi dịp Hội tổ chức kỷ niệm ngày 8-3, 20-10 hay xã tổ chức lễ hội, chị đều tập hợp đội cồng chiêng, múa xoang của buôn tham gia giao lưu văn hóa, văn nghệ, múa xoang để khơi dậy truyền thống dân tộc.
Đội nhảy xoang của buôn Plơi Apa ơi H'Trông. Ảnh: Vũ Chi
Đội xoang của buôn Apa Ơi H'Trông. Ảnh: Vũ Chi
Được sự hỗ trợ của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã, chị H’Luy đứng ra thành lập Câu lạc bộ “Dệt thổ cẩm” với 20 thành viên nhằm lưu giữ nghề truyền thống của dân tộc, đồng thời giúp chị em có thêm thu nhập. Các chị trong Câu lạc bộ thường xuyên tập hợp lại, cùng chia sẻ kinh nghiệm, cách trang trí cho những bộ đồ thổ cẩm bắt mắt hơn.
Chị R’ô H’Mluin cho biết: “Trước đây, mình chỉ biết dệt những bộ đồ thổ cẩm đơn giản. Từ khi tham gia Câu lạc bộ, được chị em hướng dẫn, mình đã biết cách tạo hoa văn trang trí. Những bộ đồ mình dệt ngày càng sắc sảo hơn, chồng con mặc vào được nhiều người khen đẹp. Mình cũng thấy tự hào. Những lúc rảnh rỗi, mình dệt bán kiếm thêm thu nhập”.
Nhận xét về chị R’ô H’Luy, bà Ksor H’Che-Chủ tịch Hội LHPN huyện Ia Pa-cho biết: Bằng sự tận tâm, nhiệt tình với công tác Hội, chị H’Luy là gương điển hình tiêu biểu trong các phong trào của Hội LHPN huyện. Chị có nhiều cách làm hay, sáng tạo, vừa góp phần giúp chị em phát triển kinh tế, vừa lưu giữ được nét truyền thống của dân tộc, qua đó góp phần thúc đẩy phong trào phụ nữ xã Chư Mố ngày càng phát triển. Chị H’Luy vinh dự được Hội LHPN tỉnh tặng bằng khen trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2015-2020.
VŨ CHI

Có thể bạn quan tâm

Hành trình từ kình ngư Ánh Viên trở thành hot TikToker

Hành trình từ kình ngư Ánh Viên trở thành hot TikToker

Tại 'TikTok Awards Việt Nam 2024', kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên có tên trong danh sách đề cử hạng mục Nhà sáng tạo nội dung thể thao của năm. Cựu vận động viên có những chia sẻ thú vị về hành trình trở thành TikToker để lan tỏa niềm đam mê bơi lội đến mọi người.

Tài năng “nhí” làng Bok Ayơl

Tài năng “nhí” làng Bok Ayơl

(GLO)- Hình ảnh cậu bé Husy (11 tuổi, làng Bok Ayơl, xã Hra, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) đứng trên sân khấu say sưa diễn tấu tiết mục “Độc tấu t’rưng-Buôn làng ấm no” tại Liên hoan tuyên truyền lưu động toàn tỉnh lần thứ III diễn ra hồi tháng 10 vừa qua đã để lại ấn tượng thật khó phai.

Những đứa trẻ… không tuổi thơ

Những đứa trẻ… không tuổi thơ

Không được đến trường, những đứa trẻ từ 5-10 tuổi ăn mặc lem luốc lượn lờ khắp nơi xin tiền người đi đường, bất kể trời mưa nắng. Không có tuổi thơ, giờ chúng là “phương tiện” để người lớn kiếm tiền trên lòng thương cảm của người khác.