Hiện nay, cả nước đang trong mùa khô hạn do ảnh hưởng của El Nino. Nhiệt độ từ tháng 2 đến tháng 4 cao hơn mức trung bình nhiều năm. Khắp nơi trong nước đều có những ngày nắng nóng như mùa hè, có thời điểm nhiệt độ lên tới 36-37oC. Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia và Trung tâm Phòng- chống thiên tai châu Á dự báo từ nay đến hết tháng 4-2010, tại Nam Bộ khả năng xâm nhập mặn sẽ sớm hơn và vào sâu hơn. Còn ở Bắc Bộ do El Nino hoạt động mạnh gây khô hạn kéo dài nghiêm trọng nên cần đề phòng tình trạng thiếu nước cho sinh hoạt và sản xuất tại cả hai miền.
Thực tế cho thấy, nhiều vùng trong nước xâm thực của biển diễn ra nhanh chóng và hạn hán kéo dài khiến không ít người dân lâm vào cảnh khốn đốn. Tính từ các tỉnh ở phía Bắc như: Điện Biên, Lai Châu kéo dài đến các tỉnh miền Trung và phía Nam mũi Cà Mau- nơi tận cùng của Tổ quốc, nơi nào ruộng đồng cũng khô hạn, “hoa màu không ra trái, trâu bò không còn cỏ ăn”. Riêng ở đồng bằng sông Cửu Long nước mặn đã lấn sâu vào đất liền hơn 40 km và đang tiến nhanh từng ngày.
Tây Nguyên sẽ đối mặt với hạn hán khốc liệt nhất so với nhiều năm trước. Ảnh: Tư liệu |
Khoảng 100.000 ha lúa Đông Xuân và Xuân Hè ở khu vực này đã và đang bị nước mặn xâm nhập, hơn 10.000 ha lúa đã chết trắng, hàng chục ngàn ha có nguy cơ mất mùa. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Nai cho biết: “Nhiều hồ lớn hiện chỉ còn một nửa lượng nước, không đủ tưới cho cây trồng, khiến hàng ngàn ha lúa Đông Xuân, cây công nghiệp và cây ăn trái không đủ nước tưới dẫn tới tình trạng giảm năng suất…”. Bình Đại, Ba Tri (Bến Tre), Tân Phú Đông (Tiền Giang)... “người dân phải đổi nước ngọt với giá trên dưới 100.000 đồng/bồn 2m3, tương đương một giạ lúa chất lượng cao”. Được biết, những tháng cao điểm nắng nóng như thế, trung bình mỗi hộ phải chi hàng triệu đồng để đổi nước ngọt, chưa kể tiền mua gạo, thức ăn và vô số khoản chi khác.
Theo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Tây Nguyên cho biết: Mùa khô năm nay khu vực Tây Nguyên sẽ đối mặt với hạn hán khốc liệt nhất so với nhiều năm trước. Mực nước các dòng sông, suối, ao hồ đã xuống đến mức thấp nhất, khiến hàng ngàn hộ dân trong khu vực thiếu nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt. Tại Gia Lai, hạn đã xảy ra trên diện rộng. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Gia Lai cho biết: Đến ngày 27-2, toàn tỉnh có hơn 2.000 ha cây trồng cạn bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi nắng hạn. Riêng huyện Krông Pa, hơn 3.000 ha cây trồng cạn đang có nguy cơ thiếu nước tưới. Còn ở Đak Lak hiện 500 ha lúa nước, gần 2.000 ha cà phê đã rơi vào cảnh thiếu nước nghiêm trọng… Bên cạnh đó, nạn cháy rừng cũng diễn ra hầu như khắp nơi. Hỏa hoạn có thể bùng phát bất cứ lúc nào.
Hạn hán không chỉ ảnh hưởng đến việc chăn nuôi, trồng trọt, mà còn ảnh hưởng đến nhu cầu sản xuất, đời sống sinh hoạt của người dân.
Sinh thời, Bác Hồ xem giai cấp nông dân là lực lượng đông đảo nhất của phong trào dân tộc. Bác luôn chỉ đạo các ban ngành phải tập trung, vận động bà con “lá lành đùm lá rách”, tăng gia sản xuất, cứu đói. Có lần Bác về Hải Hưng tham gia chống hạn với nông dân, nghe tin Bác về các đồng chí cán bộ tỉnh tổ chức đón Bác long trọng, Bác không hài lòng, Bác phê bình ngay: “Bác về là đi chống hạn chứ có phải đi chơi đâu mà đón tiếp”. Bác ăn mặc quần áo như một lão nông thực sự.
Người đi rất nhanh đến chỗ nhân dân đang đào mương, vội xắn quần xắn tay áo xuống cùng đào đất với bà con để lại phía sau các “quan cách mạng” trong những bộ quần áo bảnh bao đang lúng túng hổ thẹn trước dân chúng. Cuối cùng tất cả cùng ào xuống đào đất với bà con theo gương Bác. Người chỉ thị Tỉnh ủy phải trực tiếp chỉ đạo và dặn đi dặn lại “Trước hết phải lo cái ăn, nơi ở cho người bị nạn, tuyệt đối không để một người bị đói”. Bác nói “Dân dĩ thực vi thiên”, người xưa dạy “dân lấy cái ăn làm trời”, Đảng, Chính phủ phải lo cái ăn cho dân không được để dân đói.
Thực hiện di nguyện của Bác, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu bên cạnh việc tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị 2101/CT-TTg ngày 16-12-2009 của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp phòng- chống hạn, khắc phục tình trạng thiếu nước phục vụ sản xuất vụ Đông Xuân. Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần chỉ đạo rà soát và bổ sung phương án phòng- chống hạn, hướng dẫn các đơn vị chuyên môn lập kế hoạch vận hành của từng hệ thống thủy lợi, thực hiện các biện pháp tích nước, tiết kiệm nước, triệt để chống thất thoát và sử dụng lãng phí nguồn nước... Các bộ ngành, UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo lực lượng Kiểm lâm theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết phòng-chống cháy rừng, tổ chức cảnh báo nguy cơ cháy rừng… Đài Truyền hình Việt Nam, Tiếng nói Việt Nam phối hợp với cơ quan chuyên ngành đưa tin kịp thời về diễn biến của thời tiết hanh khô, thường xuyên cảnh báo và dự báo nguy cơ cháy rừng để chính quyền và nhân dân biết, phòng ngừa.
Nhật Minh