Bộ Nông nghiệp và PTNT không còn 4 tổng cục

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Theo quy định mới của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và PTNT không còn 4 Tổng Cục: Phòng-chống thiên tai; Thủy lợi; Lâm nghiệp và Thủy sản như trước đây.

Ngày 22-12, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh vừa ký Nghị định 105/2022/NĐ-CP  quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và PTNT. Nghị định có hiệu lực từ ngày 15-1-2023.

Theo đó, Bộ Nông nghiệp và PTNT là cơ quan của Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về các ngành, lĩnh vực: nông nghiệp, lâm nghiệp, diêm nghiệp, thủy sản, thủy lợi, phòng-chống thiên tai, phát triển nông thôn; quản lý nhà nước đối với các dịch vụ công trong các ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của bộ theo quy định của pháp luật.

Bộ Nông nghiệp và PTNT thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Nghị định số 123/2016/NĐ-CP  của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang bộ, Nghị định số 101/2020/NĐ-CP ngày 28-8-2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 123/2016/NĐ-CP.

  Bộ Nông nghiệp và PTNT sẽ không còn 4 tổng cục trực thuộc bộ. Ảnh nguồn internet
Bộ Nông nghiệp và PTNT sẽ không còn 4 tổng cục trực thuộc bộ. Ảnh nguồn internet


Trong đó, về trồng trọt và bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra thực hiện hoạt động trồng trọt; phát triển vùng cây trồng, sản xuất nông sản thực phẩm an toàn; kế hoạch sử dụng, bảo vệ và cải tạo nâng cao độ phì đất nông nghiệp; chống xói mòn, sa mạc hóa và sạt lở đất; xây dựng lộ trình và hướng dẫn cấp mã số vùng trồng trên phạm vi toàn quốc theo quy định của pháp luật.

Chỉ đạo, hướng dẫn việc sử dụng ngân sách cho các chương trình phòng-chống, khắc phục hậu quả dịch bệnh trên thực vật. Chỉ đạo thực hiện về cơ cấu cây trồng; canh tác, kỹ thuật trồng trọt, thu hoạch, bảo quản; tổng kết, đánh giá thực hiện kế hoạch sản xuất trồng trọt hàng năm; ban hành kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa phạm vi toàn quốc;...

Về chăn nuôi và thú y, Bộ Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra thực hiện chiến lược phát triển chăn nuôi; thu thập, bảo tồn, khai thác và phát triển nguồn gen vật nuôi; xây dựng và trình Chính phủ ban hành danh mục giống vật nuôi cần bảo tồn và cấm xuất khẩu; quy định tiêu chí và công nhận vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh; chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện công tác phòng bệnh, chữa bệnh, chống dịch bệnh động vật; kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật; kiểm soát giết mổ động vật, sơ chế, chế biến động vật, sản phẩm động vật; kiểm tra vệ sinh thú y; quản lý thuốc thú y; hành nghề thú y. Chỉ đạo, hướng dẫn việc sử dụng ngân sách cho các chương trình, kế hoạch quốc gia phòng-chống, khắc phục hậu quả dịch bệnh động vật;...

Về thủy sản, Bộ Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra thực hiện các quy định về quản lý các khu bảo tồn biển, quản lý các loài thủy sản nguy cấp, quý hiếm, khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản, quản lý nguồn lợi thủy sản trong khu bảo tồn đất ngập nước theo quy định của pháp luật.

Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện quy định pháp luật về cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá; quy định quản lý về an toàn tàu cá, thông tin phòng tránh thiên tai cho ngư dân và tàu cá trên biển; xác định, giao hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản, sản lượng cho phép khai thác theo loài tại vùng khơi cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo quy định.

Cùng đó, Bộ chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra thực hiện nuôi trồng thủy sản; quan trắc cảnh báo môi trường trong nuôi trồng thủy sản; quy trình, kỹ thuật, mùa vụ nuôi trồng thủy sản; tổ chức thực hiện lưu giữ giống gốc, loài thủy sản bản địa có giá trị kinh tế;...

Cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và PTNT gồm: (1) Vụ Kế hoạch; (2) Vụ Tài chính; (3) Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường; (4) Vụ Hợp tác quốc tế; (5) Vụ Pháp chế; (6) Vụ Tổ chức cán bộ; (7) Văn phòng Bộ; (8) Thanh tra Bộ; (9) Cục Trồng trọt; (10) Cục Bảo vệ thực vật; (11) Cục Chăn nuôi; (12) Cục Thú y; (13) Cục Quản lý xây dựng công trình; (14) Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn; (15) Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường; (16) Cục Thủy lợi; (17) Cục Quản lý đê điều và Phòng-chống thiên tai; (18) Cục Lâm nghiệp; (19) Cục Kiểm lâm; (20) Cục Thủy sản; (21) Cục Kiểm ngư; (22) Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn; (23) Trường Cán bộ quản lý nông nghiệp và Phát triển nông thôn; (24) Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn; (25) Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp; (26) Trung tâm Khuyến nông quốc gia; (27) Báo Nông nghiệp Việt Nam và (28) Tạp chí Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Trong đó: Các tổ chức quy định từ (1) đến (21) nêu trên là các tổ chức giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước; các tổ chức quy định từ (22) đến (28) nêu trên là các đơn vị sự nghiệp công lập phục vụ chức năng quản lý nhà nước của Bộ.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các đơn vị trực thuộc bộ; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành danh sách các đơn vị sự nghiệp công lập khác trực thuộc bộ.

Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Tổng cục Thủy lợi, Tổng cục Phòng-chống thiên tai, Tổng cục Lâm nghiệp, Tổng cục Thủy sản, Trường Cán bộ quản lý nông nghiệp và PTNTI, Trường Cán bộ quản lý nông nghiệp và PTNT II, Trung tâm Tin học và Thống kê, Trung tâm khuyến nông quốc gia tiếp tục duy trì hoạt động theo quy định hiện hành cho đến khi Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các đơn vị quy định tại: 15, 16, 17, 18, 19, 20, 21, 23, 24, 25 và 26 nêu trên được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành có hiệu lực thi hành.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Chất lượng, chế biến và Phát triển thị trường bảo đảm kế thừa nhiệm vụ quyền hạn của Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản; Cục Thủy lợi bảo đảm kế thừa nhiệm vụ quyền hạn của Tổng cục Thủy lợi; Cục Quản lý đê điều và Phòng-chống thiên tai bảo đảm kế thừa nhiệm vụ quyền hạn của Tổng cục Phòng, chống thiên tai; Cục Thủy sản, Cục Kiểm ngư bảo đảm kế thừa nhiệm vụ quyền hạn của Tổng cục Thủy sản; Cục Lâm nghiệp, Cục Kiểm lâm bảo đảm kế thừa nhiệm vụ quyền hạn của Tổng cục Lâm nghiệp theo quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên cho đến khi cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật liên quan.

Theo quy định mới của Chính phủ, các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Tổng cục Thủy lợi, Tổng cục Phòng-chống thiên tai, Tổng cục Lâm nghiệp, Tổng cục Thủy sản tiếp tục duy trì hoạt động theo quy định hiện hành cho đến khi có quyết định kiện toàn, sắp xếp lại của cấp có thẩm quyền.

 

G.B

Có thể bạn quan tâm

Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Trần Quốc Cường giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên

Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Trần Quốc Cường giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên

(GLO)- Sáng 16-11, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai trao quyết định của Bộ Chính trị cho ông Trần Quốc Cường-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, thôi giữ chức Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương, tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên nhiệm kỳ 2020-2025. Quyết định có hiệu lực từ 15-11.
Ông Đoàn Anh Dũng giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận

Ông Đoàn Anh Dũng giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận

Ban Tổ chức Trung ương công bố quyết định của Ban Bí thư về việc luân chuyển, chỉ định cán bộ tham gia Ban chấp hành, Ban Thường vụ và giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đối với ông Đoàn Anh Dũng, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XIII.