Nhiều sân chơi bổ ích dịp hè cho trẻ mầm non

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Bên cạnh hoạt động chuyên môn, một số trường mầm non trên địa bàn tỉnh Gia Lai còn chú trọng tổ chức nhiều sân chơi bổ ích cho trẻ trong dịp hè. Những trò chơi dân gian vui nhộn hay những chuyến dã ngoại, rèn luyện kỹ năng sống lý thú luôn nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của các bé và phụ huynh.
“Mùa hè vui vẻ 2022” là chủ đề chương trình ngoại khóa vừa được Trường Mầm non Hoa Hồng (phường Hội Thương, TP. Pleiku) tổ chức vào ngày 28-7. Sự kiện này bao gồm các hoạt động thú vị như: biểu diễn ảo thuật, văn nghệ; thi tài năng nhí (vẽ, nặn, lắp ráp, đàn, nhảy) và trò chơi dân gian (kéo co, đạp bóng, chuyển ly, xâu dây hoa, bật ô, đi cà kheo…). Cô Vũ Thị Ngọc Diệu-giáo viên chủ nhiệm lớp trẻ 3 tuổi-chia sẻ: “Tại ngày hội, các bé lớp của tôi phụ trách cùng nhau tham gia 2 trò chơi gồm: kéo cưa lừa xẻ và xâu hoa. Trước đó, trong các buổi học, chúng tôi đã lồng ghép tổ chức và hướng dẫn trẻ làm quen với trò chơi. Được tham gia, các bé rất vui và hứng thú; tự tin, hòa đồng và thích đến trường hơn”. 
Theo Hiệu trưởng Trần Thị Thủy, trong kế hoạch giáo dục hè, ngoài đảm bảo chế độ chăm sóc, nhà trường còn xây dựng chương trình sinh hoạt theo hướng trải nghiệm, vận động và tăng cường giáo dục kỹ năng sống cho trẻ. “Mùa hè vui vẻ 2022” cũng không nằm ngoài mục đích đó. Cô Thủy cho hay: “Dù chỉ diễn ra trong 1 buổi nhưng chương trình đã thực sự tạo được không khí vui tươi và ý nghĩa cho các bé khi đến trường học tập trong dịp hè. Mỗi hoạt động, trò chơi đều được nhà trường lựa chọn phù hợp với từng độ tuổi, mang tính tập thể và đảm bảo vui nhộn, an toàn cho trẻ. Thời gian tới, Ban Giám hiệu tiếp tục chỉ đạo giáo viên tổ chức các hoạt động tham quan, trải nghiệm để các bé có được một mùa hè bổ ích trước khi bước vào năm học mới”.
Học sinh Trường Mầm non Sắc Màu (phường Tây Sơn, thị xã An Khê) được hướng dẫn một số động tác đơn giản trong quy trình chữa cháy. Ảnh: Mộc Trà
Học sinh Trường Mầm non Sắc Màu (phường Tây Sơn, thị xã An Khê) được hướng dẫn một số động tác đơn giản trong quy trình chữa cháy. Ảnh: Mộc Trà
Tương tự, trong 2 ngày 28 và 29-7, Trường Mầm non Sắc Màu (phường Tây Sơn, thị xã An Khê) đã phối hợp với Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (Công an tỉnh) tổ chức tham quan, ngoại khóa về kỹ năng phòng cháy chữa cháy cho trẻ tại Đội Chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ khu vực An Khê. Tại đây, các bé đã được cán bộ, chiến sĩ giới thiệu và hướng dẫn cách thoát nạn khi có sự cố cháy nổ xảy ra, kỹ năng thông báo cho cô giáo biết khi phát hiện ra cháy; đồng thời, thực hiện một số động tác đơn giản trong quy trình chữa cháy. Theo cô Nguyễn Thị Thùy Trang-Hiệu trưởng nhà trường, lần đầu được tiếp cận trực tiếp với các phương tiện chữa cháy, hầu hết các bé đều hăng hái, hào hứng tham gia suốt quá trình trải nghiệm. Đây là dịp để trẻ có thêm nhận thức về nguy hiểm cháy nổ và biết đến công việc của người chiến sĩ Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ.
Cô Trang thông tin thêm: “Theo nhu cầu của phụ huynh, nhà trường tổ chức dạy hè cho 11 nhóm, lớp với 245 trẻ từ ngày 1-6 đến 28-8. Song song với giáo dục, chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ, chúng tôi còn thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoại khóa, tham quan trải nghiệm nhằm phát triển tư duy, kỹ năng cho các bé. Cùng với đó, tổ chức cho trẻ học tập theo dự án, Steam; học một vài môn năng khiếu (aerobic, yoga) và làm quen với tiếng Anh. Mục đích là tạo cho trẻ một mùa hè vừa học vừa chơi bổ ích và thú vị”.
Trường Mầm non Sao Việt (TP. Pleiku) tổ chức cho trẻ ham quan, dã ngoại tại Công viên Diên Hồng. Ảnh: Mộc Trà
Trường Mầm non Sao Việt (TP. Pleiku) tổ chức cho trẻ ham quan, dã ngoại tại Công viên Diên Hồng. Ảnh: Mộc Trà
Trường Mầm non Sao Việt (phường Tây Sơn, TP. Pleiku) cũng tổ chức dạy hè cho trẻ từ ngày 16-6 với 130 học sinh/5 lớp. Cô Lý Thị Hồng Hạnh-Phó Hiệu trưởng nhà trường-cho biết: Căn cứ tình hình thực tế, nhà trường đã xây dựng kế hoạch giáo dục kỹ năng sống cho trẻ. Trong đó, chú trọng vào một số kỹ năng như: giao tiếp, chăm sóc bản thân, giữ an toàn cá nhân, kiềm chế cảm xúc và thể hiện cảm xúc, tự tin và tự trọng, hợp tác với người khác, tôn trọng người khác, sử dụng ngôn ngữ, nhận thức về môi trường tự nhiên và xã hội... với những hoạt động cụ thể kèm theo. “Mới đây, học sinh của trường đã có chuyến dã ngoại đầy thú vị tại Công viên Diên Hồng. Bên cạnh tham quan, khám phá thiên nhiên, các bé còn được cô giáo hướng dẫn kỹ năng phòng tránh nạn bắt cóc trẻ em, cách xử lý tình huống nếu không may bị đi lạc... Hoạt động này do nhà trường linh hoạt tổ chức và nhận được sự đồng tình ủng hộ của phụ huynh”-cô Hạnh nói.
Nhận thấy thay đổi tích cực từ con trai sau khi tham gia các hoạt động bổ ích do trường mầm non tổ chức vào dịp hè, chị Lê Thị Tố Diễm (tổ 5, phường Hoa Lư, TP. Pleiku) khá phấn khởi. “Vì công việc bận rộn nên gia đình cho bé tham gia học hè tại trường. Sau mỗi lần tham gia các chuyến dã ngoại, trò chơi hay hoạt động trải nghiệm cùng các bạn và cô giáo, con đều về kể cho ba mẹ nghe với giọng điệu đầy vui thích. Tôi vui khi thấy con mình tự tin hơn, hiểu biết nhiều hơn; đặc biệt, kỹ năng sống được nâng cao rõ rệt. Do vậy, tôi mong rằng thời gian tới, nhà trường sẽ tổ chức thêm nhiều hoạt động ý nghĩa hơn nữa cho các bé tham gia”-chị Diễm bày tỏ.
MỘC TRÀ

 

Có thể bạn quan tâm

Hành trình từ kình ngư Ánh Viên trở thành hot TikToker

Hành trình từ kình ngư Ánh Viên trở thành hot TikToker

Tại 'TikTok Awards Việt Nam 2024', kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên có tên trong danh sách đề cử hạng mục Nhà sáng tạo nội dung thể thao của năm. Cựu vận động viên có những chia sẻ thú vị về hành trình trở thành TikToker để lan tỏa niềm đam mê bơi lội đến mọi người.

Tài năng “nhí” làng Bok Ayơl

Tài năng “nhí” làng Bok Ayơl

(GLO)- Hình ảnh cậu bé Husy (11 tuổi, làng Bok Ayơl, xã Hra, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) đứng trên sân khấu say sưa diễn tấu tiết mục “Độc tấu t’rưng-Buôn làng ấm no” tại Liên hoan tuyên truyền lưu động toàn tỉnh lần thứ III diễn ra hồi tháng 10 vừa qua đã để lại ấn tượng thật khó phai.

Những đứa trẻ… không tuổi thơ

Những đứa trẻ… không tuổi thơ

Không được đến trường, những đứa trẻ từ 5-10 tuổi ăn mặc lem luốc lượn lờ khắp nơi xin tiền người đi đường, bất kể trời mưa nắng. Không có tuổi thơ, giờ chúng là “phương tiện” để người lớn kiếm tiền trên lòng thương cảm của người khác.