(GLO)- Chỉ còn 2 tháng nữa (tức là đến 31-12) sẽ hết hiệu lực áp trần giá sữa đối với trẻ em dưới 6 tuổi. Tuy nhiên, việc quyết định có tiếp tục áp trần giá sữa nữa hay không vẫn chưa có câu trả lời, điều này khiến người tiêu dùng lo lắng.
Thông tin về việc sắp hết thời hạn áp trần giá sữa khiến chị Phạm Thị Thu Thảo (1/4 Út Tịch, phường Hội Phú, TP. Pleiku, Gia Lai) không khỏi lo lắng. Con chị Thảo hiện chỉ mới 13 tháng tuổi, do mẹ ít sữa nên từ nhỏ bé hoàn toàn phụ thuộc vào sữa công thức, trung bình mỗi tháng cháu dùng hết 4 lon sữa Optimum Gold 900gr của Vinamilk, trị giá khoảng 1,5 triệu đồng. “Với thu nhập hiện tại của gia đình, để chi chừng đó tiền sữa cho con đã là một vấn đề lớn. Nếu không còn áp giá trần, tôi sợ giá sữa có thể tăng cao trong khi bé ngày càng lớn, nhu cầu càng nhiều, đây sẽ là áp lực không nhỏ đối với các khoản chi tiêu trong nhà”-chị Thảo cho biết.
Người tiêu dùng lo lắng khi thời hạn bình ổn giá sữa sắp hết. Ảnh: D.Q |
Cũng với tâm lý bất an, chị Lê Thị Hiền (41/7 An Dương Vương, xã Chư Á, TP. Pleiku) than thở: “Mặc dù đã chọn loại sữa có giá mềm nhất, nhưng mỗi tháng tiền sữa cho một bé 2 tuổi nhà mình vẫn hết khoảng 1 triệu đồng. Mình sinh đôi nhân lên thành 2 triệu đồng/tháng, chưa kể tiền sữa tươi, sữa chua bổ sung thêm cho bé. Trường hợp không còn áp trần giá sữa, giá sữa mà quay lại “làm loạn” như cách đây vài năm thì mình khủng hoảng mất”.
Không chỉ người tiêu dùng, ngay cả các đại lý kinh doanh sữa cũng lo lắng không kém. Anh Phú-chủ tiệm Bách hóa tổng hợp Que To (21 Hoàng Văn Thụ, TP. Pleiku) cho biết: “Nếu không còn bình ổn, giá sữa không ổn định thì sẽ rất khó bán vì lúc đó khách sẽ cân nhắc kỹ hơn, doanh số đương nhiên sẽ giảm đi. Bên cạnh đó, sự cạnh tranh với các cửa hàng khác sẽ càng khốc liệt hơn, do giá bán lẻ công ty đưa ra cũng chỉ là khuyến nghị nên giữa cửa hàng và khách hàng vẫn có thể thỏa thuận giá”.
Bộ Tài chính vừa có Công văn số 14557/BTC-QLG yêu cầu Sở Tài chính các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương báo cáo về việc tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện bình ổn giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi trên địa bàn. Trong đó, ngoài những nội dung về tình hình giá sữa, kết quả thanh-kiểm tra; tác động của biện pháp bình ổn… Bộ Tài chính cũng yêu cầu các sở nhận định thị trường, đề xuất giải pháp và kiến nghị quản lý giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi khi thời hạn bình ổn giá hết hiệu lực. |
Sau hơn 2 năm (từ 1-6-2014) thực hiện chủ trương bình ổn giá sữa bằng biện pháp áp trần giá đối với 25 mặt hàng sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi, giá sữa trên thị trường đã giảm và ổn định. Cụ thể, giá sữa giảm 0,1- 34% (tùy từng chủng loại) so với thời điểm trước khi áp dụng biện pháp bình ổn giá. Hầu hết những mặt hàng sữa thông dụng, chiếm thị phần lớn trên thị trường như: Dielac Alpha, Friso Gold, Frisolac Gold, Enfamil, Enfagrow A+, Similac, Lactogen, Abott Grow 3… đều nằm trong danh sách chịu khống chế về giá trần. Chủ trương này được người tiêu dùng ủng hộ cao, nhất là đối với hàng triệu trẻ em dưới 6 tuổi trên toàn quốc thì đây thực sự là một sự “thụ hưởng” đầy ý nghĩa, góp phần cải thiện chất lượng dinh dưỡng và nâng cao sức khỏe cho trẻ em.
Chính vì vậy, các phụ huynh có con nhỏ đều mong muốn Bộ Tài chính tiếp tục gia hạn đối với việc bình ổn giá sữa. “Đây không chỉ vì vấn đề giá cả mà kéo thêm nhiều vấn đề khác như nguồn sữa, chất lượng sữa. Bởi trong suy nghĩ của tôi thì những sản phẩm đã nằm trong danh sách áp giá trần sẽ chuẩn hơn, đảm bảo hơn. Thế nên nếu vẫn tiếp tục bình ổn thì mỗi khi quyết định chọn sữa cho con tôi có thể yên tâm rà theo danh sách những mặt hàng bình ổn để mua sản phẩm phù hợp, tránh mua phải sữa kém chất lượng”-chị Thu Thảo chia sẻ.
Còn với chị Nguyễn Thị Thảo Nguyên (89/1 Nguyễn Đình Chiểu , TP. Pleiku): “Sữa là thực phẩm bổ sung rất cần thiết đối với trẻ em. Vì vậy, việc tiếp tục bình ổn giá sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi là chủ trương đúng đắn, có ý nghĩa rất lớn để nuôi dưỡng và phát triển thế hệ tương lai”.
Dã Quỳ