Hiếm nhà văn có nhiều tác phẩm được chuyển thể thành phim, tạo sức hút nhất định với khán giả như Nguyễn Nhật Ánh.
Tác phẩm mới nhất của Nguyễn Nhật Ánh được nhà sản xuất phim chọn chuyển thể thành kịch bản điện ảnh là "Ngồi khóc trên cây" - từng gây sốt văn đàn năm 2013, với trên 100.000 ấn bản. Dự án phim này đang trong quá trình chuẩn bị tiền kỳ, dự kiến bấm máy vào tháng 9 và công chiếu vào hè năm 2019. Đây là tác phẩm thứ 4 của Nguyễn Nhật Ánh được chuyển thể sang phim điện ảnh. Ba tác phẩm trước đó là: "Áo trắng sân trường", "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh", "Cô gái đến từ hôm qua", hầu hết đều thành công về mặt doanh thu, tạo sự chú ý của công chúng.
Hấp dẫn từ truyện
Nhiều độc giả cho rằng truyện của Nguyễn Nhật Ánh có sức hút kỳ lạ, dễ thương và trong trẻo, với những câu chuyện kể về tuổi thơ, thanh xuân, mỗi người đều trải qua. Qua ngòi bút giàu tính tượng hình, các tác phẩm của ông được kể với các yếu tố bi hài đan xen, hòa hợp dưới góc nhìn đặc biệt của nhà văn khiến nhiều người yêu thích bởi họ thấy được bản thân mình trong đó. Với trẻ em, đó là thế giới sinh động, hồn nhiên, chân thật, còn người lớn như được trở về tuổi thơ, hồi ức thời niên thiếu đã xa.
Có sẵn sức hút từ tác phẩm văn học nên đa phần tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh khi được chuyển thể thành phim đều thành công nhất định. Những tác phẩm phim truyền hình gồm: "Thằng quỷ nhỏ", "Chú bé rắc rối", "Bong bóng lên trời", "Nữ sinh", "Kính vạn hoa", đều được khán giả yêu thích. Trong đó, "Kính vạn hoa" được sự yêu thích đặc biệt, thường được chiếu lại trên nhiều đài truyền hình vào dịp hè để phục vụ khán giả nhí. Trong các tác phẩm được chuyển thể sang phim điện ảnh, "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh", "Cô gái đến từ hôm qua" được đánh giá thành công về mặt thương mại và chất lượng chuyển thể.
Cảnh phim "Cô gái đến từ hôm qua" (trên) và " Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" - chuyển thể thành công từ truyện của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh (Ảnh do nhà phát hành cung cấp) |
Nhiều người trong giới nhận định phim chuyển thể từ tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh có lợi thế lớn về cốt truyện và danh tiếng. Nếu kết hợp cùng một đạo diễn giỏi nghề sẽ dễ dàng gặt hái thành công. "Phim chuyển thể từ truyện của Nguyễn Nhật Ánh thời gian qua thành công theo tôi vì nội dung tác phẩm gốc hay, cảm xúc, được độc giả nhiều thế hệ đón nhận. Thêm vào đó, các đạo diễn chuyển thể đều có nghề như Victor Vũ, Phan Gia Nhật Linh khiến khán giả thêm tin tưởng. Sau chuyển thể, phim giữ được hồn của truyện gốc, dùng ngôn ngữ hình ảnh thay thế ngôn ngữ văn học kể chuyện nhưng vẫn mượt mà, cuốn hút, tạo hiệu ứng tốt trên công luận" - đạo diễn Huy Cường nhận xét. Nhà sản xuất Vũ Quỳnh Hà - đại diện Công ty CJ Entertainment Việt Nam - cũng thừa nhận tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh có sức hút rất lớn đối với người đọc. Đấy là một lợi thế nhưng cũng đồng thời là một thách thức của các nhà làm phim khi chuyển thể. Hai tác phẩm vừa qua chuyển thể thành công cũng nhờ câu chuyện gốc có sức hấp dẫn, kịch bản chuyển thể tốt, kỹ thuật làm phim của đạo diễn cùng ê-kíp và công tác quảng bá phim hiệu quả.
Truyện hay chưa chắc phim hay
Ngay khi thông tin tác phẩm "Ngồi khóc trên cây" của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh được lên màn ảnh rộng, các ý kiến trái chiều xuất hiện. Khán giả tỏ ý mong chờ, háo hức trong khi một số người lo ngại tình trạng đua nhau chuyển thể tác phẩm của nhà văn này sẽ tạo sự nhàm chán, ảnh hưởng ngược đến tác phẩm gốc nếu không thành công. Ngoài "Ngồi khóc trên cây", những tác phẩm khác như: "Thiên thần nhỏ của tôi", "Mắt biếc" cũng được thông tin sẽ sớm lên màn ảnh rộng. Tuy nhiên, người trong giới cho rằng sự nhàm chán chắc chắn không xảy ra nhưng thành công hay không khó nói trước. "Tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh được chuyển thể thành phim thực tế vẫn chưa nhiều so với kho truyện đồ sộ của ông. Mỗi câu chuyện lại khác nhau hoàn toàn, không bị nhầm lẫn dù cùng đề tài về tuổi học trò, thanh xuân. Vì thế, tôi nghĩ việc chuyển thể tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh lên phim càng nhiều càng tốt, nó đậm chất Việt hơn các kịch bản Việt hóa từ phim ăn khách của nước ngoài. Nhưng việc chuyển thể như thế nào, đạo diễn kể lại câu chuyện ra sao, thuyết phục được khán giả hay không lại là chuyện chờ sản phẩm ra đời mới biết được" - nhà báo Cát Vũ nói.
Áp lực cho cả ê-kíp "Phim chuyển thể từ truyện Nguyễn Nhật Ánh hay tác phẩm văn học nào cũng rất áp lực cho biên kịch và đạo diễn. Theo quan điểm của tôi, phim điện ảnh là tác phẩm của đạo diễn, cách kể, đường dây cốt truyện đều thuộc quyết định của đạo diễn" - đạo diễn kiêm biên kịch Hoàng Anh khẳng định. Nhà sản xuất Vũ Quỳnh Hà cho rằng để thực hiện tác phẩm chuyển thể tốt, trước hết nhà làm phim phải xác định mục tiêu của mình là làm ra bộ phim hay chứ không phải tìm cách làm cho khác tác phẩm gốc. Thứ hai, nhà làm phim phải hiểu rõ tác phẩm văn học, điểm mạnh, điểm yếu của câu chuyện và dũng cảm thêm cái mới, bỏ cái cũ để tạo nên một kịch bản tốt. Thứ ba, nhà làm phim cần tìm phong cách kể chuyện riêng của mình để đưa câu chuyện lên màn ảnh một cách hấp dẫn nhất đối với khán giả. |
Minh Khuê (NLĐO)