Sử dụng trí tuệ nhân tạo để giải quyết tình trạng quá tải giao thông ở các đô thị lớn, hay để tìm diệt sâu bệnh, để làm trợ lý ảo… là những điều mà bạn trẻ Việt đã và đang làm mỗi ngày.
|
Các mô hình ứng dụng trí tuệ nhân tạo được trưng bày trong khuôn khổ cuộc thi HOA NỮ |
Trong vòng chung kết cuộc thi AI Hack 2020 do Vườn ươm Doanh nghiệp công nghệ cao, trực thuộc Ban Quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM tổ chức, rất nhiều những dự án mà bạn trẻ ứng dụng trí tuệ nhân tạo để giải quyết nhiều bài toán khó của cuộc sống hiện nay khiến nhiều người phải ngỡ ngàng về khả năng ứng dụng trí tuệ nhân tạo của bạn trẻ Việt.
Giải bài toán khó về giao thông
Xuất sắc giành giải Nhất tại cuộc thi, ứng dụng bSmart giải pháp sử dụng trí tuệ nhân tạo để giải quyết các bài toán về giao thông công cộng của nhóm bạn trẻ tại TP.HCM là một minh chứng cho khả năng sử dụng trí tuệ nhân tạo vô cùng hữu hiệu của người trẻ Việt.
Đại diện nhóm dự án, Lê Yên Thanh (trưởng nhóm) cho biết sản phẩm bSmart được tạo ra với mục đích cung cấp các giải pháp sử dụng trí tuệ nhân tạo để giải quyết các bài toán về giao thông công cộng và giao thông nói chung, được phát triển dựa trên nền tảng về bản đồ, dữ liệu và thuật toán về giao thông công cộng của hệ thống BusMap mà đơn vị đang triển khai. Bao gồm các giải pháp đơn giản nhưng có tính thực tiễn cao như bSmartETA giúp tính toán chính xác thời gian chờ xe buýt đến trạm, bSmartNavigation giúp đưa ra các đường đi tối ưu cho người đi xe buýt.
|
Dự án ứng dụng trí tuệ nhân tạo để giải quyết các bài toán về giao thông của nhóm Lê Yên Thanh đã xuất sắc giành giải Nhất tại cuộc thi HOA NỮ |
'“Với các giải pháp này nhóm bSmart đã triển khai nhanh chóng được cho hơn 400.000 người dùng thường xuyên trên ứng dụng BusMap. Ngoài ra bSmart còn giới thiệu giải pháp bSmartTrip là tính năng đưa ra đường đi tối ưu cho bài toán đưa rước học sinh mà công ty đang triển khai cho các trường học trong cả nước, sử dụng các dữ liệu về giao thông và thuật toán AI mà bSmart phát triển”, Lê Yên Thanh tự hào chia sẻ.
Lê Yên Thanh cũng cho biết đối tượng người dùng mà bSmart hướng tới là người dân, doanh nghiệp và các cơ quan quản lý của thành phố. Đối với người dân bSmart đưa ra các giải pháp giao thông đánh đúng vào nhu cầu đi lại thực tế của người dân, điển hình là bSmartETA và bSmartNavigation cho người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Đối với doanh nghiệp, bSmart đưa ra giải pháp bSmartTrip giúp tối ưu hóa về logistic cho các bài toán cụ thể như đưa rước học sinh, đưa đón công nhân viên, giao hàng,... Đối với các cơ quan quản lý, bSmart đặt mục tiêu sẽ đồng hành cùng các đơn vị để nghiên cứu các giải pháp tổng thể về giao thông thông minh, góp phần tối ưu hóa về giao thông và quy hoạch đô thị, để hướng đến mục tiêu phát triển đô thị thông minh và bền vững.
Nhiều ứng dụng độc đáo
Tại cuộc thi còn có rất nhiều dự án ứng dụng trí tuệ nhân tạo rất sáng tạo của người trẻ. Như ứng dụng Farmext một trợ lý ảo trong ngành thủy sản. Với ứng dụng này thì nhằm giảm rủi ro trong nông nghiệp và hạn chế các thao tác chân tay trong canh tác, Farmext sử dụng machine learning để tự động hóa, cảnh báo dịch bệnh và giảm rủi ro trong ngành nuôi trồng thuỷ sản.
|
Bạn trẻ thuyết trình về dự án tại vòng chung kết cuộc thi HOA NỮ |
Với MiSmart, một ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tìm diệt sâu bệnh. Ứng dụng này sử dụng công nghệ máy bay không người lái (drone) bay trên những cánh đồng cây trồng để phát hiện những điểm sâu bệnh và phun thuốc, giúp tiết kiệm đến 99% thuốc trừ sâu, đồng thời tạo ra sản phẩm nông nghiệp sạch 100% không có thuốc trừ sâu.
Cũng khá ấn tượng với Petkix là camera 360 độ dành cho thú cưng. Dự án này sẽ sử dụng trí tuệ nhân tạo để tracking và hổ trợ chủ vật nuôi chăm sóc và chơi với thú cưng. Sử dụng camera tự động bắn đồ ăn, quay video và chơi với thú cưng khi thú cưng ở nhà một mình.
|
Ngày càng nhiều bạn trẻ quan tâm đến trí tuệ nhân tạo HOA NỮ |
Các bạn trẻ rất sáng tạo khi ứng dụng trí tuệ nhân tạo ở rất nhiều các lĩnh vực khác nhau. Và dự án Kodimo mà các bạn trẻ mang đến cuộc thi là một giải pháp IoT trong giáo dục có tích hợp ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Giải pháp mang đến môi trường giáo dục với các sản phẩm trang bị IoT để các trẻ cùng học và chơi, đồng thời ứng dụng trí tuệ nhân tạo để xây dựng các bài học phù hợp với từng trẻ riêng biệt.
Cuộc thi AI Hack 2020 nhằm điều kiện cho các dự án khởi nghiệp IoT xây dựng những giải pháp trí tuệ nhân tạo dựa trên tối ưu hóa dữ liệu hiện có, khai thác các giá trị tăng thêm từ các dữ liệu thu thập được thông qua các thiết bị IoT, góp phần nâng cao chất lượng của sản phẩm và giá trị mang đến cho khách hàng. Đến với cuộc thi lần này, hầu hết các dự án đều đã có sản phẩm thương mại hóa trong các lĩnh vực công nghệ như IoT, Bigdata, điện tử - tự động hóa, công nghệ thông tin… với mong muốn ứng dụng và phát triển nền tảng trí tuệ nhận tạo, tích hợp và nâng cao giá trị tăng thêm cho sản phẩm của dự án.
Giải thưởng dành cho giải nhất quán quân năm nay là 50 triệu đồng và gói ươm tạo tại Vườn ươm Doanh nghiệp công nghệ cao trị giá 200 triệu hàng năm.
Theo Hoa Nữ (TNO)