Bộ sưu tập gồm 18 mẫu thiết kế được thiết kế trên nền lụa nhuộm ombre (kỹ thuật nhuộm loang và chuyển màu thủ công để tạo nên chất liệu mới) và vẽ thủ công trên tà áo dài.
Các danh lam thắng cảnh của Việt Nam được nghệ nhân Trung Đinh đưa lên tà áo dài trải dài từ Nam ra Bắc như: Chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ), rừng tràm Trà Sư (An Giang), sông Sài Gòn (TP.HCM), cầu Vàng (Đà Nẵng), Chùa Cầu (Hội An), Hồ Gươm (Hà Nội), ruộng bậc thang (Tây Bắc)…
Bộ sưu tập Non nước Việt Nam nằm trong dự án Lụa hát được nghệ nhân Việt thực hiện xuyên suốt trong hơn 10 năm qua. Mục tiêu chính của dự án này mong muốn khôi phục mảng nhuộm lụa thủ công của Việt Nam.
Kỹ thuật nhuộm ombre là kỹ thuật nhuộm loang và chuyển màu thủ công để tạo nên chất liệu mới mang nét riêng trên lụa Việt Nam. Trung Đinh được xem là nhà thiết kế, nghệ nhân tiên phong sử dụng kỹ thuật nhuộm độc đáo này để thiết kế nên những bộ áo dài độc đáo, ấn tượng.
Anh tâm sự: “Tôi mong muốn lan tỏa thông điệp người Việt Nam dùng lụa Việt Nam, gìn giữ và bảo tồn các làng lụa truyền thống Việt Nam. Hơn hết, tôi muốn truyền nghề cho các nhà thiết kế trẻ, sinh viên ngành thời trang về mảng vẽ lên lụa và nhuộm lụa. Trong đó, tôi lấy áo dài làm điểm tựa bên cạnh khăn lụa và tranh lụa”.
Thông qua dự án này, nhà thiết kế còn muốn kết nối với các nhà thiết kế trẻ đam mê để hướng dẫn nhuộm lụa, tạo ra chất liệu mới không phụ thuộc vào thị trường bên ngoài hoặc phải nhập từ nước ngoài.
Nhà thiết kế Trung Đinh cùng Hoa hậu Ngọc Châu và Hoa khôi Diễm Trinh tại hậu trường Lễ hội áo dài. |
Trình diễn bộ sưu tập Non nước Việt Nam có Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam Ngọc Châu, người đẹp Nam Anh, Nam Em, Hoa khôi Sông Vàm 2022 Diễm Trinh cùng các người mẫu chuyên nghiệp.
Cái duyên để Hoa hậu Ngọc Châu nhận lời trình diễn bộ sưu tập mới của anh là vì trước đó anh từng thực hiện vẽ chiếc áo choàng cho Ngọc Châu đi thi quốc tế và đoạt giải thưởng. “Khi anh Trung Đinh ngỏ lời, Ngọc Châu nhận lời ngay vì mong muốn tham gia Lễ hội Áo dài lâu rồi mà chưa có dịp. Đây cũng là cơ hội để mình góp công sức quảng bá áo dài”, Ngọc Châu chia sẻ.
Nàng hậu nhớ lại thời còn đi học cấp ba phải thường xuyên mặc áo dài nên cảm thấy khó chịu và luôn tìm cách trốn việc mặc áo dài khi đến trường. Tuy nhiên khi không còn nhiều cơ hội mặc áo dài cô mới nhận ra lúc mình mặc áo dài là lúc mình đẹp và nữ tính nhất.
“Chính vì vậy khi hoạt động nghệ thuật tôi tâm niệm mỗi khi có cơ hội là sẽ mặc áo dài. Riêng các thiết kế của nhà thiết kế Trung Đinh đều mang câu chuyện riêng. Rồi từ đính kết, vẽ đến chọn chất liệu làm sao người mặc thoải mái và tôn lên thế mạnh hình thể người phụ nữ càng khiến tôi yêu thích mặc thiết kế của anh”, Ngọc Châu cho biết thêm.
Nam Anh, Nam Em cũng nhận thấy tâm huyết của nhà thiết kế Việt dành cho áo dài nên đều tham gia trình diễn.
“Khi trình diễn áo dài Nam Anh nhớ về ký ức thời học sinh, sinh viên được diện áo dài. Ngày xưa đi học mặc áo dài riết thấy sợ. Còn giờ đi làm nhiều nên thích mặc áo dài, nhất là dịp lễ Tết hoặc đi chùa. Khi mặc áo dài mình thấy đằm thắm, gợi cảm”, Nam Anh cho biết.
Người đẹp cũng tâm sự trước đây từng cảm thấy tự ti khi mặc áo dài vì cao quá nên cảm giác "như khúc gỗ máng vải lên" (cười). Còn giờ Nam Anh đã tự tin và có thể mặc áo dài cả tuần.
Còn với Hoa khôi Sông Vàm 2022 Diễm Trinh đây là lần thứ 2 cô tham gia Lễ hội Áo dài TP.HCM. Cô thích áo dài của nhà thiết kế Việt này vì chất liệu lụa được nhuộm, vẽ thủ công nhưng vẫn mềm mại, mặc lên ôm người và thoải mái.
Thông qua bộ sưu tập Non nước Việt Nam, nhà thiết kế, nghệ nhân Trung Đinh mong muốn cho khán giả Việt Nam hay khán giả quốc tế biết những danh thắng của Việt Nam.