Ngày 20/5, Quốc hội bắt đầu tiến hành công tác nhân sự

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Dự kiến cuối giờ sáng 20/5, Quốc hội bắt đầu tiến hành công tác nhân sự và sẽ hoàn thành vào sáng 22/5. Quốc hội bầu Chủ tịch Quốc hội trước, sau đó sẽ bầu Chủ tịch nước theo quy định.
Quang cảnh Kỳ họp bất thường lần thứ 7, Quốc hội khóa XV. (Ảnh: TTXVN phát)

Quang cảnh Kỳ họp bất thường lần thứ 7, Quốc hội khóa XV. (Ảnh: TTXVN phát)

Sáng 19/5, tại Nhà Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường chủ trì họp báo về dự kiến chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Minh Tuấn cho biết Kỳ họp thứ 7 sẽ họp phiên trù bị và khai mạc trọng thể vào ngày 20/5/2024, dự kiến bế mạc vào ngày 28/6/2024 theo hình thức họp tập trung tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.

Kỳ họp được tiến hành theo 2 đợt. Đợt 1 từ ngày 20/5 đến ngày 8/6/2024. Đợt 2 từ ngày 17/6 đến sáng 28/6/2024. Dự kiến tổng thời gian làm việc của Kỳ họp là 26,5 ngày.

Tại Kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 10 dự án luật, bao gồm: Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); Luật Lưu trữ (sửa đổi); Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Luật Đường bộ; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Thủ đô (sửa đổi); Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ (theo quy trình tại một kỳ họp); Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi) (theo quy trình tại một kỳ họp).

Quốc hội cũng xem xét thông qua 3 dự thảo nghị quyết, bao gồm: Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An; Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng; Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.

Đồng thời, Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến 11 dự án Luật, bao gồm: Luật Công chứng (sửa đổi); Luật Công đoàn (sửa đổi); Luật Di sản văn hóa (sửa đổi); Luật Địa chất và khoáng sản; Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi); Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Luật Phòng không nhân dân; Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn; Luật Tư pháp người chưa thành niên; Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.

Tại Kỳ họp, Quốc hội cũng xem xét các vấn đề kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác. Trong đó, Quốc hội xem xét, quyết định công tác nhân sự theo thẩm quyền.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trả lời câu hỏi của báo chí. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trả lời câu hỏi của báo chí. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, một trong phương thức lãnh đạo của Đảng là cử hoặc giới thiệu cán bộ để bầu cử, ứng cử, quyết định bổ nhiệm vào các vị trí của cơ quan Nhà nước và các đoàn thể chính trị xã hội. Ngày 18/5, Hội nghị Trung ương 9 đã thành công tốt đẹp, cơ quan báo chí đã thông tin kết quả Hội nghị. Theo đó, tại Kỳ họp thứ 7 sẽ bầu Chủ tịch nước và Chủ tịch Quốc hội.

Theo thiết kế chương trình, dự kiến cuối giờ sáng 20/5, Quốc hội bắt đầu tiến hành công tác nhân sự và sẽ hoàn thành vào sáng 22/5. Quốc hội bầu Chủ tịch Quốc hội trước, sau đó sẽ bầu Chủ tịch nước theo quy định.

Theo ông Bùi Văn Cường, hiện nay, cơ quan có thẩm quyền chưa giới thiệu nhân sự Bộ trưởng Bộ Công an, vì thế tại Kỳ họp này, Quốc hội chưa phê chuẩn, miễn nhiệm đối với chức danh này.

Trao đổi tại họp báo về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Lâm Văn Đoan cho biết, đây là dự án luật khó, phức tạp, tác động đến đông đảo người lao động. Ủy ban Xã hội đã tiến hành lấy ý kiến các đối tượng chịu tác động, đặc biệt là về vấn đề bảo hiểm xã hội một lần.

Về căn cứ đóng bảo hiểm xã hội và bình quân tiền lương đóng bảo hiểm xã hội, ông Lâm Văn Đoan nhấn mạnh, đây là vấn đề liên quan trực tiếp tới cải cách tiền lương. Hiện nay, Chính phủ đã có báo cáo gửi Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

“Chúng tôi đang căn cứ theo đề xuất của Chính phủ để tính toán mức điều chỉnh trong Luật làm sao đảm bảo quyền lợi tối ưu cho người lao động trước và sau cải cách tiền lương. Đây là vấn đề khó, đòi hỏi cần phải có sự nghiên cứu thận trọng, Ủy ban đang phối hợp với các cơ quan tiếp tục nghiên cứu để trình Quốc hội phương án tối ưu nhất,” Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho biết.

Về đề xuất mức tham chiếu tính bảo hiểm xã hội thay cho mức lương cơ sở đóng bảo hiểm xã hội, ông Lâm Văn Đoan nêu rõ theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW của Trung ương, khi thực hiện cải cách chính sách tiền lương sẽ bãi bỏ mức lương cơ sở - mức lương này đã được sử dụng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội, tính hưởng lương hưu, trợ cấp xã hội và nhiều chính sách khác. Đến ngày 1/7/2024, mức lương cơ sở sẽ được bãi bỏ và Chính phủ đề xuất sử dụng mức tham chiếu tính bảo hiểm xã hội.

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Lâm Văn Đoan, hiện nay, các cơ quan của Chính phủ đang tính toán phương án phù hợp để mức tham chiếu không thấp hơn mức lương cơ sở; các cơ quan của Quốc hội cũng tiến hành xem xét hoàn thiện vấn đề này. Do đây là vấn đề tác động lớn tới người lao động, người nghỉ hưu nên việc tính mức tham chiếu cần được tính toán chặt chẽ.

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng bổ nhiệm 2 Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, bổ nhiệm lại Thứ trưởng Bộ Tài nguyên

Thủ tướng bổ nhiệm 2 Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, bổ nhiệm lại Thứ trưởng Bộ Tài nguyên

Tuần qua (từ ngày 6 đến 12/1), Thủ tướng Chính phủ có các Quyết định bổ nhiệm hai Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam; bổ nhiệm lại Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; phê chuẩn kết quả bầu chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An và Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang.