Gia Lai hiện có khoảng 434 ngàn con bò, hơn 14,4 ngàn con trâu, 113 ngàn con dê, 462 ngàn con heo và 4 triệu con gia cầm. Tỷ trọng ngành chăn nuôi chiếm 15,6% trong cơ cấu ngành nông-lâm-thủy sản của tỉnh. Đến cuối năm 2021, toàn tỉnh có 132 trang trại chăn nuôi liên kết với các công ty theo hình thức nuôi gia công. Trong đó, Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam có 100 trại (76 trại heo/61.200 con, 22 trại gà/275.000 con, 2 trại vịt/30.000 con), Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam có 29 trại heo/578.104 con, Công ty TNHH một thành viên Chăn nuôi Bình Minh có 3 trại gà/35.000 con. Bên cạnh đó, toàn tỉnh có 5 hợp tác xã (HTX) liên kết với các hộ chăn nuôi dê, 1 HTX liên kết nuôi ong mật, 1 HTX liên kết nuôi heo. Ngành chăn nuôi đang dần chuyển dịch từ nhỏ lẻ, phân tán sang chăn nuôi tập trung, quy mô công nghiệp, áp dụng công nghệ cao, tổ chức sản xuất khép kín theo chuỗi liên kết.
Ông Trương Viết Thảo-Phó Giám đốc HTX Vinh Phát (xã Ia Le, huyện Chư Pưh) cho hay: Hiện nay, HTX liên kết với 30 hộ dân xã Ia Le nuôi hơn 1.000 con dê Bách Thảo. Hợp tác xã cung cấp giống đảm bảo chất lượng cho người dân và thu mua dê thịt, dê giống với giá cao hơn thị trường. Ngoài ra, HTX còn hướng dẫn người dân làm chuồng trại, cách chăm sóc, trồng cỏ và chế biến thức ăn cho dê.
Thời gian qua, các doanh nghiệp ngành chăn nuôi có xu hướng chuyển dịch từ vùng đô thị, vùng có mật độ chăn nuôi cao sang các tỉnh Tây Nguyên nói chung và Gia Lai nói riêng, nơi có diện tích đất nông nghiệp rộng lớn, mật độ chăn nuôi thấp với mức độ an toàn sinh học cao. Điều này thể hiện rõ qua việc hàng loạt dự án chăn nuôi với quy mô lớn được các nhà đầu tư quan tâm và đăng ký xin chủ trương thực hiện tại một số huyện như: Phú Thiện, Ia Pa, Chư Pưh, Chư Prông, Mang Yang. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 204 dự án chăn nuôi được các nhà đầu tư quan tâm với tổng diện tích hơn 9.483 ha, tổng vốn đầu tư trên 31.593 tỷ đồng, quy mô dự án gồm 99,5 ngàn con bò, hơn 4,3 triệu con heo, 40 ngàn con gà đẻ trứng giống và 19,2 ngàn con vịt đẻ trứng. Trong đó, 44 dự án đã được UBND tỉnh cấp quyết định chủ trương đầu tư với tổng diện tích 1.624,36 ha, tổng vốn đăng ký hơn 5.809 tỷ đồng; 62 dự án đã được UBND tỉnh đồng ý chủ trương nghiên cứu, đề xuất dự án với tổng diện tích 5.110 ha, tổng vốn đăng ký hơn 13.010 tỷ đồng; 98 dự án đang triển khai các thủ tục để trình UBND tỉnh đồng ý chủ trương khảo sát, nghiên cứu với tổng diện tích 2.750 ha, tổng vốn đầu tư 12.774,3 tỷ đồng.
Tháng 5 vừa qua, Tập đoàn De Heus (Hà Lan) và Tập đoàn Hùng Nhơn đã khởi công “Tổ hợp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao DHN Gia Lai” tại xã Ia Le (huyện Chư Pưh) với tổng vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng. Tổ hợp có quy mô khoảng 100 ha với khu trang trại chăn nuôi 2.500 con heo giống cụ kỵ chọn lọc nhập khẩu trực tiếp từ Hà Lan; nhà máy giết mổ heo thịt; nhà máy sản xuất phân hữu cơ… Ông Vũ Mạnh Hùng-Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Hùng Nhơn-cho biết: “Tổ hợp áp dụng công nghệ 4.0 xuyên suốt quá trình chăn nuôi giúp kiểm soát tốt chất lượng, tối ưu hóa hiệu suất chăn nuôi, giảm giá thành sản phẩm và đạt hiệu quả kinh tế cao. Đây không chỉ là mô hình chăn nuôi hiện đại mà còn góp phần phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội tại huyện Chư Pưh nói riêng, tỉnh Gia Lai nói chung khi giải quyết việc làm cho gần 300 lao động tại địa phương”.
Hiện nay, mật độ chăn nuôi của tỉnh đạt khoảng 0,24 đơn vị vật nuôi trên 1 ha đất nông nghiệp (ĐVN/ha). Trong khi đó, theo quy định tại Nghị định số 13/2020/NĐ-CP ngày 21-1-2020 của Chính phủ hướng dẫn chi tiết Luật Chăn nuôi thì mật độ chăn nuôi cho phép của tỉnh đến năm 2030 đạt 1 ĐVN/ha. Ngày 15-2-2022, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 05/2022/QĐ-UBND quy định mật độ chăn nuôi giai đoạn 2022-2030 trên địa bàn tỉnh.. Theo đó, mật độ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh không vượt quá 1 ĐVN/ha. Trong đó, huyện Phú Thiện là 1 ĐVN/ha; huyện Chư Sê 1,2 ĐVN/ha; huyện Ia Pa 1,5 ĐVN/ha; huyện Chư Prông và Chư Pưh 2 ĐVN/ha; huyện Mang Yang 2,3 ĐVN/ha; các địa phương còn lại có mật độ từ 0,4 đến 0,7 ĐVN/ha.
Ông Nguyễn Minh Tứ-Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Pưh-cho hay: Việc Tập đoàn De Heus và Tập đoàn Hùng Nhơn khởi công “Tổ hợp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao DHN Gia Lai” tại xã Ia Le là cơ hội lớn thúc đẩy kinh tế-xã hội của huyện phát triển, góp phần cung cấp con giống đảm bảo chất lượng cho người chăn nuôi, đồng thời giải quyết việc làm cho một lượng lớn lao động tại địa phương. Hiện nay, mật độ chăn nuôi của huyện mới chỉ đạt khoảng 0,7 ĐVN/ha, trong khi theo quy định là 2 ĐVN/ha.
Còn ông Lê Thanh Sơn-Phó Chủ tịch UBND huyện Kbang thì cho hay: “Hiện nay, mật độ chăn nuôi của huyện mới chỉ đạt khoảng 0,3 ĐVN/ha, trong khi theo quy định đến năm 2030 là 0,6 ĐVN/ha. Vì vậy, thời gian đến, huyện tiếp tục kêu gọi, khuyến khích, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, HTX liên kết với người dân đầu tư phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung, trang trại. Tuy nhiên, huyện Kbang có tiềm năng phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng rất lớn, do đó, việc phát triển chăn nuôi quy mô lớn, trang trại đòi hỏi nhà đầu tư phải thực hiện tốt việc đảm bảo vệ sinh môi trường”.
Trong kế hoạch phát triển chăn nuôi, thủy sản giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tỉnh ta hướng đến mục tiêu phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, chăn nuôi tập trung với quy mô lớn theo chuỗi giá trị; hình thành một số sản phẩm chăn nuôi, thủy sản mang tính đặc trưng; hướng tới “sản xuất xanh” và kinh tế tuần hoàn khép kín; xây dựng các vùng chăn nuôi tập trung, an toàn dịch bệnh; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, đặc sản của tỉnh; phát triển chăn nuôi đảm bảo an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh theo chuỗi liên kết, giảm giá thành sản phẩm; nâng cao năng suất, chất lượng, an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường sinh thái. Tỉnh phấn đấu đến năm 2030, giá trị sản xuất ngành chăn nuôi đạt khoảng 14.800 tỷ đồng, chiếm trên 29% trong cơ cấu ngành nông nghiệp; dự kiến tổng đàn trâu 16 ngàn con, đàn bò 600 ngàn con, đàn heo trên 3 triệu con, đàn gia cầm 6 triệu con; tỷ lệ gia súc và gia cầm được giết mổ tập trung công nghiệp đạt lần lượt khoảng 70% và 50%; tăng quy mô, tỷ trọng chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao, chăn nuôi theo hướng công nghiệp, hữu cơ đạt 60%; 90% các cơ sở chăn nuôi quy mô lớn trên địa bàn tỉnh được công nhận cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh; xây dựng và phát triển thành công thương hiệu bò thịt chất lượng cao của tỉnh; có các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi đáp ứng được 50% nhu cầu…
Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, với mục tiêu này, tỉnh ta dự kiến bố trí vùng chăn nuôi heo tập trung tại các huyện: Mang Yang, Ia Pa, Phú Thiện, Chư Pưh, Chư Prông, Kbang; vùng chăn nuôi bò tập trung tại các huyện: Mang Yang, Đak Pơ, Kông Chro, Krông Pa, Chư Prông, Kbang; vùng chăn nuôi gia cầm tập trung tại các huyện: Đak Đoa, Chư Sê, Ia Grai, Kbang. Đây cũng là cơ sở để xây dựng những trang trại chăn nuôi quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến nhằm tạo ra nguồn sản phẩm chăn nuôi lớn, có chất lượng tốt, sức cạnh tranh cao, đáp ứng được nhu cầu thị trường, đưa ngành chăn nuôi của tỉnh phát triển bền vững, nâng cao giá trị gia tăng. Bên cạnh đó, tỉnh khuyến khích các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ có nhu cầu chuyển dịch đầu tư, nâng cấp xây dựng trang trại chăn nuôi quy mô vừa, nhỏ theo đúng quy định của pháp luật; phát triển những vùng chăn nuôi tuần hoàn khép kín, tạo nên các chuỗi liên kết sản xuất từ con giống, thức ăn, tổ chức chăn nuôi, giết mổ, chế biến đến thị trường tiêu thụ; tạo vùng nguyên liệu để xây dựng các cơ sở giết mổ tập trung công nghiệp, cơ sở chế biến, chế biến sâu, các nhà máy sản xuất phân hữu cơ từ chất thải chăn nuôi để phục vụ trồng trọt, nuôi trồng thủy sản... hình thành các chuỗi đa giá trị.