(GLO)- Việc người dân lo sợ trước những quả “bom nước” thủy điện là có cơ sở, nhất là sau vụ vỡ đập Thủy điện Ia Krêl 2 (xã Ia Dom, huyện Đức Cơ) và mới đây là sự cố Thủy điện Sông Bung 2 (Quảng Nam). Trên địa bàn tỉnh, 43 công trình thủy điện sẽ là mối nguy đối với vùng hạ du nếu quy trình hoạt động và chất lượng công trình không được kiểm soát chặt chẽ. Đáng báo động hơn là Gia Lai đang vào cao điểm của mùa mưa, các công trình thủy điện này thực sự là mối lo treo lơ lửng trên đầu người dân.
Thủy điện “phớt lờ” quy định về an toàn
Thủy điện Ia Krêl 2 đã từng gây nên nỗi kinh hoàng cho người dân xã Ia Dom (huyện Đức Cơ) trong năm 2013. Ảnh: M.N |
Kết quả xử lý, khắc phục các tồn tại sau kiểm tra công tác quản lý an toàn đập thủy điện của Sở Công thương cho thấy nhiều lo ngại về độ an toàn các công trình thủy điện trên địa bàn tỉnh. Đáng lo ngại hơn khi Sở Công thương cho biết, một số công trình không thể khắc phục trong năm 2016 mà phải để sang năm 2017 với lý do, Gia Lai hiện đã vào mùa mưa, mực nước các hồ chứa lớn. Ngoài ra, cần có đơn vị có chức năng đánh giá, lập phương án xử lý, khắc phục.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kpă Thuyên vừa ký Công văn số 4215/UBND-NL chỉ đạo: Công trình thủy điện nào để xảy ra sự cố mất an toàn đập, mất an toàn hạ du thì các đơn vị chủ đập phải chịu trách nhiệm hoàn toàn trước pháp luật về những thiệt hại gây ra. |
Trong số này, Thủy điện Đak Srông 3A (huyện Krông Pa) và Thủy điện Thác Ba (huyện Mang Yang) chưa có các phương án bảo vệ đập; phòng-chống lụt, bão trong mùa lũ và vùng hạ du được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Thậm chí, có đến 10 công trình thủy điện có phương án quản lý an toàn đập đã “quá cũ”, không còn phù hợp với quy định mới. Đó là các thủy điện: Plei Krông, Ia Ly, Sê San 3, Sê San 3A, An Khê-Ka Nak, Ia Grai 3, Đak Đoa, Ry Ninh, Ayun Thượng 1, Thác Ba.
Theo Sở Công thương, nhiều công trình chưa xây dựng, bổ sung các tình huống vỡ đập vào phương án phòng-chống lũ, lụt cho vùng hạ du; chưa cập nhật, bổ sung các quy định về vận hành đón lũ theo quy định của Bộ Công thương; chưa dự kiến các tình huống vỡ đập tính với lũ thiết kế và vỡ đập tính với lũ kiểm tra theo quy định. Nghiêm trọng hơn, các thủy điện Đak Srông 2, Đak Srông 3B (huyện Kông Chro), Ia Grai 1, Chư Prông (huyện Ia Grai), Ia Krêl (huyện Đức Cơ), Đak Srông 3A... đã bị thấm nước ở nền đập, thân đập. Đơn cử như Thủy điện Chư Prông (huyện Ia Grai) ở 2 vị trí giữa thân tràn nước thấm đã chảy thành dòng; khu vực gần bể áp lực có nguy cơ sạt lở cao trong mùa mưa lũ. Tại Thủy điện Đak Srông 3B, khu vực bên phải thân tràn có một số vị trí bị thấm nhẹ, 1 vị trí bị rỉ nước chảy thành dòng. Trong báo cáo gửi UBND tỉnh, Sở Công thương cho biết các chủ đầu tư thủy điện đã có cam kết: “Đã và đang mời các chuyên gia khảo sát đánh giá, lập kế hoạch khắc phục tình trạng thấm; đơn vị tư vấn đang tính toán phương án khắc phục các vị trí thấm báo cáo chủ đầu tư”. Tuy nhiên, thời gian nào hoàn thành thì các đơn vị này chưa có câu trả lời cụ thể.
Mạnh tay!
Sự cố Thủy điện Ia Krêl 2 gây thiệt hại hoa màu của người dân. Ảnh: M.N |
Theo ông Nguyễn Tấn Hữu-Trưởng phòng Quản lý năng lượng (Sở Công thương): Đối với các công trình chưa thể tiến hành khắc phục, xử lý (do đang trong mùa mưa, mực nước các hồ lớn…), Sở kiến nghị UBND tỉnh cho các chủ đập được khắc phục dứt điểm các tồn tại trong mùa khô 2017. Quá thời hạn này, Sở sẽ tổ chức kiểm tra, kiến nghị tỉnh không cho phép các đập thủy điện tích nước trong mùa mưa lũ năm 2017. Đối với các công trình thủy điện chưa thực hiện đầy đủ các quy định quản lý an toàn đập thủy điện, quá thời hạn 15-10-2016, Sở sẽ chỉ đạo Thanh tra Sở kiểm tra, xử lý hành chính; nếu vượt quá thẩm quyền thì đề xuất UBND tỉnh xử lý theo luật định.
Qua xem xét báo cáo của Sở Công thương về kết quả xử lý, khắc phục các tồn tại sau kiểm tra công tác quản lý an toàn đập thủy điện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kpă Thuyên đã ký Công văn số 4215/UBND-NL gửi các đơn vị quản lý và khai thác công trình thủy điện trên địa bàn tỉnh. Công văn nhấn mạnh: “Nếu để xảy ra sự cố an toàn đập, mất an toàn hạ du, gây thiệt hại thì các đơn vị chủ đập phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về những thiệt hại do mất an toàn đập thủy điện gây ra”.
Nếu để xảy ra sự cố mất an toàn thì các đơn vị chủ đập phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về những thiệt hại xảy ra. Ảnh: Đức Thụy |
Ngoài các công trình thủy điện, 112 công trình thủy lợi cũng đang thực sự là mối lo của người dân. Nhiều công trình trong số này chưa xây dựng phương án phòng-chống lụt, bão và an toàn đập; nhiều hồ chưa thực hiện cắm mốc giới bảo vệ đập và hành lang bảo vệ hồ chứa. Ngoài ra, còn có 6 hồ chứa (dung tích 1-10 triệu m3) chưa được kiểm định an toàn đập. |
Đối với một số công trình thủy điện khắc phục quá chậm, chưa có phương án an toàn đập hoặc chưa điều chỉnh, bổ sung phù hợp; chưa cắm mốc giới bảo vệ đập…, UBND tỉnh yêu cầu Sở Công thương nhắc nhở, đôn đốc các chủ đập thủy điện tiếp tục đẩy nhanh khắc phục các tồn tại và hoàn thành việc khắc phục trước ngày 25-9-2016. Đơn vị chủ đập nào không chấp hành thì xử lý theo thẩm quyền, đề xuất xử lý vi phạm về quản lý an toàn đập theo đúng quy định của pháp luật.
...Việc người dân lo sợ trước những quả “bom nước” thủy điện là có cơ sở, nhất là sau vụ vỡ đập Thủy điện Ia Krêl 2 (xã Ia Dom, huyện Đức Cơ) và mới đây là sự cố Thủy điện Sông Bung 2 (Quảng Nam). Trên địa bàn tỉnh, 43 công trình thủy điện sẽ là mối nguy đối với vùng hạ du nếu quy trình hoạt động và chất lượng công trình không được kiểm soát chặt chẽ. Đáng báo động hơn là Gia Lai đang vào cao điểm của mùa mưa, các công trình thủy điện này thực sự là mối lo treo lơ lửng trên đầu người dân. Do đó, việc UBND tỉnh mạnh tay với các công trình thủy điện phớt lờ quy định an toàn đập, coi thường tính mạng người dân là điều rất đáng hoan nghênh.
Minh Nguyễn