Lời cảnh báo từ bão Noru và Ian

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Noru đã trở thành siêu bão chỉ trong vòng vài giờ trước khi đổ bộ vào Philippines rồi gây ảnh hưởng ở Việt Nam. Điều tương tự vừa xảy ra với bão Ian, như lời cảnh báo về biến đổi khí hậu.

Theo CNN, người dân đảo Polillo - Philippines, vốn đã quen với 20 cơn bão mỗi năm, đã bình tĩnh buộc sơ mọi thứ trước khi bão Noru được dự báo sẽ đổ bộ như một cơn bão cấp 1 (theo thang bão Saffir-Simpson, tương đương cấp 12-13 thang Beaufort).

Thế nhưng, họ đã choáng váng vì khi đến gần bờ biển, Noru bất ngờ mạnh lên thành siêu bão cấp 5 (cao hơn cấp 17 thang Beaufort) chỉ trong 6 giờ.

Sự tăng cấp bất ngờ cũng vừa xảy ra với bão Ian, chuyển từ bão cấp 1 thành cấp 4 (cấp 17 trở lên theo thang Beaufort) ngay trước khi đổ bộ vào Florida - Mỹ.

Theo nhà khí tượng và khí hậu học Lourdes Tibig từ Viện Khí hậu và các thành phố bền vững (ICSC - Manila, Philippines), sự gia tăng cường độ nhanh của bão - với tốc độ gió tăng ít nhất 56 km/giờ trong 24 giờ, một hiện tượng được dự báo sẽ trở nên ngày càng phổ biến do biến đổi khí hậu - đang gây thách thức lớn cho việc dự báo chính xác cường độ, tốc độ và các kiểu thay đổi của chúng.

 

Ngư dân đang tìm cách đưa một chiếc thuyền câu tôm lớn trở lại mặt nước sau khi bị bão Ian cuốn vào bờ biển ở Myrtle Beach, South Carolina - Mỹ hôm 1-10. Ảnh: REUTERS
Ngư dân đang tìm cách đưa một chiếc thuyền câu tôm lớn trở lại mặt nước sau khi bị bão Ian cuốn vào bờ biển ở Myrtle Beach, South Carolina - Mỹ hôm 1-10. Ảnh: REUTERS


GS Gerry Bagtasa - Viện Khoa học môi trường và khí tượng thuộc ĐH Philippines - cho biết sự gia tăng cường độ nhanh đã xảy ra trên 28% xoáy thuận nhiệt đới đổ bộ vào nước này kể từ năm 1951.

 Nghiên cứu được công bố vào năm ngoái của Viện Sáng kiến khí tượng Thâm Quyến và ĐH Hồng Kông - Trung Quốc cho thấy các cơn bão ở Đông và Đông Nam Á hiện kéo dài hơn từ 2-9 giờ và di chuyển xa hơn vào đất liền trung bình 100 km so với 4 thập kỷ trước, sức công phá gấp đôi.

Theo phân tích từ Cơ quan Quản lý khí quyển và đại dương Mỹ (NOAA), biến đổi khí hậu đang làm trầm trọng thêm tác động của bão bằng cách tăng cường độ và giảm tốc độ di chuyển của chúng, nghĩa là càn quét mỗi vùng đất lâu hơn.

"Nhiệt độ bề mặt biển ấm hơn làm tăng tốc độ gió bão nhiệt đới, khiến chúng có khả năng gây ra nhiều thiệt hại hơn nếu đổ bộ vào đất liền" - NOAA nhấn mạnh.

Theo Japan Times, 2 nghiên cứu công bố trên Nature Communications giải thích chính nhiệt năng từ nước biển bốc hơi đã truyền vào khí quyển thúc đẩy sức gió, như cách bão Ian thay đổi khi lao qua vùng biển ấm Caribbean, đồng thời làm tăng tỉ lệ mưa hàng giờ trong các cơn bão từ 8%-11%. Nhiều nhà khoa học cũng từng chỉ ra nhiệt độ cao làm mây giữ nhiều nước hơn, do đó tạo ra mưa xối xả khi trút xuống, tạo nên lũ quét song hành với bão.

Thảm kịch đang xảy ra tại Mỹ là minh chứng cho mối quan hệ "tử thần" giữa bão và biến đổi khí hậu. Các hãng tin Reuters, AP cập nhật số thương vong tăng liên tục, trong khi NBC News ngày 2-10 cho biết ít nhất 77 người được xác nhận đã chết, trong khi mất điện và cơ sở hạ tầng đổ nát tiếp tục làm phức tạp thêm việc cứu hộ. Sau khi càn quét Florida và Nam Carolina, Ian suy yếu vào cuối ngày 2-10 với sức gió còn khoảng cấp 7 (thang Beaufort).

Trung tâm Bão quốc gia Mỹ cảnh báo vẫn có khả năng cao xảy ra lũ quét ở khắp miền Trung Appalachians và Nam Trung Đại Tây Dương vào cuối tuần, cũng như lũ lụt kỷ lục sẽ tiếp tục càn quét nhiều khu vực của Florida. Theo Thống đốc bang Florida - ông Ron DeSantis, ít nhất 1.100 cuộc giải cứu đã được thực hiện. Trong khi đó, Chuẩn Đô đốc Brendan McPherson, chỉ huy Lực lượng bảo vệ bờ biển Floria, thông tin các máy bay và đội cứu hộ đường thủy đã tiếp cận được các khu vực bị chia cắt ở Nam Florida.

 

Theo NOAA, tỉ lệ các cơn bão đạt cấp độ dữ dội nhất - cấp 4 hoặc 5 - có thể tăng khoảng 10% trong thế kỷ này. Tốc độ bão cũng sẽ tăng 10% nếu thế giới ấm lên ở mức 2 độ C so với thời tiền công nghiệp.

Theo ANH THƯ (NLĐO)

 

Có thể bạn quan tâm