(GLO)- Du lịch sinh thái đang trở thành xu hướng tất yếu, được nhiều du khách lựa chọn. Phố núi Pleiku với nét đặc trưng của đô thị cao nguyên có nhiều hồ nước tự nhiên, các thung lũng xanh tuyệt đẹp là lợi thế để phát triển du lịch sinh thái.
Nhiều hồ nước tự nhiên, thung lũng đẹp
Hồ nước tự nhiên có vai trò điều hòa hệ sinh thái, không khí và môi trường; cung cấp nước sinh hoạt và phục vụ du lịch sinh thái. Đồng thời, hồ cung cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp bền vững. Ở Pleiku có thể điểm qua các hồ như: Biển Hồ, hồ Ia Kring, hồ Ia Pe… Hồ tự nhiên ở Pleiku có nét riêng biệt là xuất phát từ miệng núi lửa đã lịm tắt ngàn năm, những con suối nhỏ và mạch ngầm trong lòng đất. Bức tranh tổng thể về hồ, thung lũng tự nhiên hài hòa với điều kiện thiên nhiên.
Biển Hồ với diện tích mặt nước khoảng 230 ha cùng chiều sâu trung bình trên 19 m là nơi hội tụ giao thoa đất trời, được đầu tư kết cấu hạ tầng tiên tiến. Người địa phương nhân hậu, mến khách là lực lượng tham gia chính trong phát triển du lịch sinh thái. Du khách đến với “đôi mắt Pleiku” sẽ được chiêm ngưỡng một không gian mặt nước rộng lớn, yên tĩnh, êm đềm. Đây là thắng cảnh duy nhất ở Gia Lai được Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch cấp bằng Di tích lịch sử-văn hóa năm 1988, được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công nhận vào top 5 hồ tự nhiên đẹp và thơ mộng năm 2014.
Tiếp đến, hồ Ia Kring nằm trong lòng TP. Pleiku với diện tích 12,3 ha, có công viên và hệ thống cây xanh với 2 hồ nước bố trí hợp lý, nằm trong khuôn viên Công viên Diên Hồng. Đầu nguồn của Ia Kring vốn là giọt nước của làng đồng bào Jrai. Nước chảy từ mạch nguồn này tạo thành một con suối nhỏ gọi là suối Ia Kring. Cuối nguồn, nước chảy qua hệ thống của hồ thứ 2, thoát nước vào suối Hội Phú. Xung quanh hồ là những quả đồi nhỏ phủ mảng cây xanh bao bọc tỏa bóng mát quanh năm, cảnh vật “sơn thủy hữu tình”.
Thắng cảnh Biển Hồ được ví như đôi mắt Pleiku. Ảnh: Phạm Quý |
Còn hồ Ia Pe nằm phía Tây thành phố với diện tích khiêm tốn, tọa lạc trên địa bàn phường Diên Hồng-điểm nối với huyện Ia Grai. Hồ này đã được xác định trong tổng thể quy hoạch của TP. Pleiku và phê duyệt dự án chừng 10 năm trước, nay tiếp tục khởi động lại.
Bên cạnh đó, Phố núi Pleiku còn có một số thung lũng tự nhiên ở dạng tiềm năng được phân bố khá hài hòa bao quanh đô thị. Theo ảnh chụp vệ tinh được định vị trên bản đồ: phía Tây Nam là Bàu Một (Ia Cho), Bàu Hai (Ia Bơi), Ia Soi (phần cuối suối Hội Phú), phía Tây hồ Ia Pe (thung lũng 37 Pháo binh), Ia Xí (giáp đường Phan Đình Phùng), phía Đông Nam là Ia Á, Ia Nung (thung lũng gần Trường THPT Pleiku)… Đó là những thảm xanh điểm xuyết giữa không gian trập trùng Phố núi có thể là tiềm năng xây dựng thành hồ nước để điều tiết, ôn hòa khí hậu.
Cần giải pháp khai thác bền vững
Ngoài những lợi thế tiềm năng, các thung lũng tự nhiên ở Pleiku dường như chưa được “đánh thức”; không gian hồ nước chưa được quy hoạch tổng thể một cách bài bản; đa số hồ nước tự nhiên chưa được xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, vẫn còn một số hồ xuống cấp, đầu tư chưa tương xứng với tiềm năng.
Bên cạnh đó, ý thức của người dân về bảo vệ hồ chưa cao, còn xả rác, túi ni lông xuống hồ, gia súc vẫn còn thả rông trong khu vực. Người dân còn thiếu thông tin về địa điểm, không gian hồ nước, các thung lũng tự nhiên...
Dự báo đến năm 2025, dân số TP. Pleiku xấp xỉ 500.000 người. Mật độ dân số gia tăng, nhu cầu du lịch vui chơi giải trí ngày càng cấp thiết. Vì thế, để ổn định và đáp ứng nhu cầu du lịch sinh thái bền vững của phố núi Pleiku trong thời gian đến, thiết nghĩ chính quyền thành phố cần tiếp tục tuyên truyền đến cán bộ, công chức, viên chức và người dân về triển vọng thành phố thông minh: con người thông minh, ứng xử thông minh, giao thông thông minh… đặc biệt là du lịch thông minh theo hướng bền vững. Ứng dụng thành quả cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhất là chuyển đổi số, số hóa các dạng thông tin về hồ nước tự nhiên: vị trí, tọa độ, dự kiến xây dựng các thung lũng thành các dạng hồ, hoặc một phần hồ sao cho phù hợp.
Các cấp, các ngành cần tập trung phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng kết cấu hạ tầng, chỉnh trang đô thị, các công trình phục vụ dân sinh để tạo ra một không gian hồ nước tự nhiên trong hệ sinh thái bền vững thực hiện du lịch trong phát triển văn hóa đậm đà bản sắc Pleiku.
Tiếp tục phát huy thế mạnh của Biển Hồ, xem đây là điển hình du lịch thực hiện được chuỗi hoạt động dịch vụ đi kèm. Đồng thời, xây dựng kế hoạch trồng thêm nhiều cây xanh xung quanh hồ để giữ nguồn nước ổn định, xử lý rác thải, tránh ô nhiễm môi trường. Quy hoạch hoặc xây dựng Đề án nâng cấp hồ Diên Hồng bằng cách đầu tư kết cấu hạ tầng như điện chiếu sáng, cảnh quan, đường nội bộ, các bảng hiệu hướng dẫn, quy chế quy định xử lý chất thải, rác, thay thế hàng rào bao quanh thông thoáng.
Cùng với đó, khu vực hồ Ia Pe cần đẩy nhanh thực hiện đề án mới, tiếp tục triển khai, xây dựng Công viên Văn hóa các dân tộc. Đồng thời, nghiên cứu lập kế hoạch sử dụng các thung lũng Bàu Một, Bàu Hai, Ia Xí… vốn dĩ là những thảm xanh rất thuận lợi trong quy hoạch thành các hồ tự nhiên đủ sức điều hòa khí hậu, trở thành các điểm nhấn du lịch sinh thái. Đồng thời, kêu gọi đầu tư xây dựng mô hình hợp tác công tư, khuyến khích hình thành và phát triển các loại quỹ đầu tư, quỹ giải thưởng trong lĩnh vực du lịch-văn hóa; xây dựng các chính sách thu hút hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia du lịch sinh thái bền vững. Khuyến khích người dân tham gia các dự án về hồ nước trong chuỗi sinh thái, phát triển du lịch xanh bền vững.
NGUYỄN NGỌC CƯỜNG