Emagazine

E-magazine Hai người mẹ đặc biệt của Siu Nếp


Men theo con đường quanh co đất đá lởm chởm, chúng tôi tìm về làng Blut Griêng để gặp gỡ mẹ con Siu Nếp. Trong ánh mắt lấp lánh niềm hạnh phúc, cô bé mồ côi 12 tuổi xúc động nắm lấy bàn tay ấm áp của 2 người mẹ đã xua tan bóng tối trong cuộc đời của mình.



Dịu dàng vuốt nhẹ mái tóc tơ mềm mại của Siu Nếp, chị Lê Thị Hồng Liên (36 tuổi, thôn Tứ Kỳ Nam, xã Al Bá) rưng rưng kể về cơ duyên gắn kết với cô con gái người Jrai. “Cách đây 2 năm, trong một lần xuống làng, tôi nhìn thấy cô gái nhỏ xinh với đôi mắt to tròn và nụ cười lấp lánh. Mặt trời đã tắt, Nếp vẫn lom khom cấy những cây mạ xuống mảnh ruộng đầy bùn. Lòng tôi như có tảng đá đè ngang, nặng trĩu. Thương cô bé vô cùng”-chị Liên nhớ lại. Và chị lại càng thương hơn khi biết rõ về hoàn cảnh của cô bé có cái tên ngọt ngào như ngọn lúa trên nương. Nước mắt chị đã rơi trong buổi chiều muộn ấy!



Rồi em kể tiếp: Nhà Nếp nghèo nhất làng Blut Griêng. Mẹ mất chưa được bao lâu, bố em cũng theo vợ mới về làng khác. Nếp sống cùng ông bà ngoại tuổi đã ngoài 70 trong căn nhà cũ kỹ. Biết phận mình mồ côi, Nếp chăm chỉ làm việc và rất yêu con chữ. Hàng ngày, sau giờ tới lớp, em phụ bà ngoại việc nhà. Cứ tưởng tuổi thơ của Nếp sẽ êm đềm trong vòng tay ngoại, đâu ngờ năm 2021, bà ngoại đổ bệnh và qua đời. Nỗi đau mất người thân khiến cô bé 10 tuổi như gục ngã. Đôi vai nhỏ bé càng thêm nặng gánh hơn bởi ông ngoại cũng đã yếu và không có khả năng lao động. “Hàng đêm, trong căn nhà vắng lặng, ôm di ảnh của mẹ và ngoại, em đã khóc rất nhiều. Thiếu tình thương, thiếu luôn cả miếng cơm manh áo, còn con đường đến trường cũng trở nên xa vời đối với em. May mắn sao lúc ấy em được gặp mẹ Liên, mẹ Phen”-Nếp xúc động bày tỏ.

Trong hoàn cảnh khó khăn nhất, Siu Nếp đã được những người phụ nữ ôn hòa, giàu lòng nhân ái nắm đôi tay bé nhỏ của em để tiếp thêm ngọn lửa của tình yêu, của niềm tin vào cuộc sống. Trước hoàn cảnh của Nếp, với cương vị là Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) xã Al Bá, chị Liên đã bàn bạc và thống nhất cùng chị Puih Phen (33 tuổi, làng Blut Griêng) nhận nuôi em. Chị Phen là người cùng làng, chị hiểu và thương Nếp như con gái của mình. Mỗi ngày, chị đều ghé thăm và dõi theo cuộc sống cũng như việc học của em. Có những hôm mưa gió, trong căn bếp tối, Nếp tủi thân và kể cho mẹ Phen nghe về ước mơ được tiếp tục đến trường để mai này trở thành cô giáo. “Nếp là đứa trẻ kiên cường và giàu nghị lực. Khó khổ mấy cô bé cũng cười. Mình thương Nếp ở chỗ đó. Làng Blut Griêng còn nghèo nên mình luôn động viên Nếp phải cố gắng vượt khó để theo con chữ. Mình sợ nhất việc Nếp thấy buồn, thấy khổ rồi bỏ học. Rồi nay Nếp đang ngày một lớn khôn, mình phải ở cạnh bên để chỉ dạy con cách tự bảo vệ mình trước những điều xấu”-chị Phen chia sẻ.



Nếu mẹ Phen có thời gian gần gũi Siu Nếp hàng ngày thì mẹ Liên chỉ có thể về thăm em vào mỗi cuối tuần. Trên chiếc xe máy đã cũ, chở theo cô con gái 7 tuổi vừa tan trường, chị Liên vượt chặng đường gần 5 km để tới nhà Nếp. Ngoài công việc xã hội bận rộn, chị còn phải chăm lo cho 2 đứa con và việc ruộng vườn. Dù vậy, chị luôn quan tâm, dành tình yêu thương và chở che cho Nếp. Gặp mẹ Liên, Nếp nở nụ cười tươi tắn, em khoe với mẹ những việc mình đang làm, đang học. Trong căn bếp nhỏ, Nếp ríu rít chuyện trò hồn nhiên bên 2 người mẹ.



Dường như làn khói bếp tỏa ra khiến đôi mắt của các mẹ cay xè, rưng rưng...



Bằng tình thương yêu và tấm lòng của người mẹ, chị Liên và chị Phen đã vận động hội viên phụ nữ trong xã đồng hành và giúp đỡ nhằm tạo điểm tựa bền vững, giúp xoa dịu nỗi đau để Nếp tự tin vượt qua nghịch cảnh, vươn lên trong cuộc sống.

Nhìn thấy dáng người nhỏ bé của Nếp liêu xiêu trên con đường tới trường, chị Liên không khỏi băn khoăn suy nghĩ. Quãng đường từ cuối làng Blut Griêng tới trường xa hơn 5 km, nếu có chiếc xe đạp thì đỡ vất vả cho cô bé rất nhiều. Nghĩ là làm, chị Liên đã nỗ lực vận động các Mạnh Thường Quân để hỗ trợ cho Nếp chiếc xe đạp điện trị giá 10 triệu đồng vào đầu năm học 2023-2024. Nhìn ánh mắt cô bé long lanh nước khi nhận chiếc xe, chị Liên cũng không giấu được niềm xúc động. “Không chỉ là chỗ dựa tinh thần, những người mẹ như chúng tôi còn thường xuyên chăm lo miếng ăn, tấm áo và sách vở để Nếp không bị thiệt thòi so với các bạn cùng trang lứa. Hàng tháng, chị em phụ nữ trong xã hỗ trợ cho Nếp 200 ngàn đồng cùng nhiều nhu yếu phẩm khác. Hơn 2 năm qua, nhờ số tiền được trao cùng sự quan tâm, sẻ chia của mọi người, Nếp được đến trường, cuộc sống của con đã ổn định hơn rất nhiều”-chị Liên bộc bạch.



Trời nhá nhem tối, mẹ Phen mang bó rau muống, vài con cá sang cho Nếp. Bữa cơm chiều nay, các mẹ không thể ăn cùng em nhưng Nếp vẫn sẽ rất vui. Không chỉ trợ cấp, giúp đỡ về vật chất, thấu hiểu tầm quan trọng của vai trò người mẹ đối với sự trưởng thành của trẻ, chị Phen và chị Liên đã cùng nhau quan tâm, chăm lo cho Nếp về mặt tinh thần. “Với những đứa trẻ mồ côi như Nếp, ngôi nhà từng rất buồn và vắng lặng giờ vui hơn khi có mẹ. Bữa cơm của con cũng vì thế mà tươm tất, ấm cúng hơn. Chính tình yêu thương, gần gũi của mẹ đã mang lại cho Nếp một tinh thần lạc quan để xua đi mặc cảm và có thêm động lực để cố gắng học hành, giúp con có một tương lai tươi sáng hơn”-chị Phen xúc động nói.

Nhìn Nếp say sưa xếp lại cặp sách cho buổi học ngày mai, 2 mẹ lại lên kế hoạch cho chặng đường đồng hành cùng con phía trước. Đó là một hành trình đòi hỏi nhiều nỗ lực, cố gắng của các mẹ và con.



Người dân làng Blut Griêng vui mừng vì từ khi có mẹ, Siu Nếp không còn buồn tủi, mặc cảm. Ngôi nhà nhỏ lạnh lẽo phía cuối làng của Nếp giờ đã rộn rã tiếng nói cười. Khói bếp chờn vờn tỏa khắp nóc nhà. Bà Siu Gayh phấn khởi nói: “Siu Nếp giờ hết buồn khổ rồi. Nó đã có mẹ yêu thương, chăm sóc. Tương lai nó sẽ tốt đẹp”.

Trò chuyện cùng chúng tôi, Chủ tịch Hội LHPN huyện Nguyễn Thị Thu Hà bày tỏ: “Bằng tình thương yêu và tấm lòng của những người mẹ, 2 chị Lê Thị Hồng Liên và Puih Phen đã đồng hành, giúp đỡ hoàn cảnh đặc biệt khó khăn như em Siu Nếp. Dù còn nhiều khó khăn trong cuộc sống nhưng các chị luôn nêu cao tinh thần tương thân tương ái, lan tỏa những hành động đẹp. Không chỉ dừng ở hành động của bản thân mà các chị còn nhân rộng được tinh thần kết nối, sẻ chia trong đông đảo hội viên phụ nữ. Mọi người chung tay giúp đỡ, yêu thương Siu Nếp. Tôi mong rằng sẽ có nhiều hơn những đứa trẻ mồ côi nhận được tình thương của các hội viên phụ nữ, để các con thêm điểm tựa bền vững trong cuộc sống và có cơ hội được phát triển toàn diện trong môi trường gia đình và xã hội”.



*

Buổi sáng, mặt trời vươn cao tỏa ánh nắng vàng tươi. Trên con đường tới trường, Siu Nếp líu lo hát những bài hát Jrai về mẹ mà em yêu thích. Có thể Nếp không thể nhớ hết về hình ảnh người mẹ ruột của mình nhưng trái tim của cô bé vẫn reo vui rộn rã khi nghĩ về gương mặt thân thương và đôi tay ấm áp của mẹ Liên, mẹ Phen. Họ chính là những người đã “tiếp sức” cho Siu Nếp viết tiếp về ước mơ làm cô giáo dạy chữ cho trẻ em nghèo.


Có thể bạn quan tâm

ĐẠI BIỂU DÂN CỬ - “CẦU NỐI” CHÍNH QUYỀN VỚI NHÂN DÂN -Bài 2: Phát huy vai trò đại biểu dân cử

E-magazineĐẠI BIỂU DÂN CỬ - “CẦU NỐI” CHÍNH QUYỀN VỚI NHÂN DÂN - Bài 2: Phát huy vai trò đại biểu dân cử

(GLO)- Không những kiến nghị các cấp quan tâm đầu tư các công trình giao thông, thủy lợi góp phần gỡ “nút thắt” cho sự phát triển của tỉnh, các đại biểu Quốc hội, HĐND tỉnh Gia Lai còn tăng cường vai trò giám sát nhằm đảm bảo nguồn vốn phát huy hiệu quả, tránh lãng phí nguồn lực.

ĐẠI BIỂU DÂN CỬ - “CẦU NỐI” CHÍNH QUYỀN VỚI NHÂN DÂN-Bài 1: Đưa tiếng nói của cử tri đến nghị trường

E-magazineĐẠI BIỂU DÂN CỬ - “CẦU NỐI” CHÍNH QUYỀN VỚI NHÂN DÂN - Bài 1: Đưa tiếng nói của cử tri đến nghị trường

(GLO)- Những năm qua, các vị đại biểu Quốc hội, HĐND tỉnh Gia Lai đã phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của người đại biểu dân cử để kịp thời tiếp nhận, giải quyết cũng như chuyển tải những tâm tư, nguyện vọng của cử tri đến các cấp thẩm quyền.

Hướng tới Đại hội đại biểu Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tỉnh lần thứ VIII: Tin tưởng và kỳ vọng

E-magazineHướng tới Đại hội đại biểu Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tỉnh Gia Lai lần thứ VIII: Tin tưởng và kỳ vọng

(GLO)- Đại hội đại biểu Hội LHTN Việt Nam tỉnh Gia Lai lần thứ VIII (nhiệm kỳ 2024-2029) diễn ra vào ngày 5 và 6-11. Trong niềm hân hoan, phấn khởi, nhiều cán bộ, hội viên và đại diện các câu lạc bộ, nhóm tình nguyện trên địa bàn tỉnh đã bày tỏ sự tin tưởng, kỳ vọng vào đại hội.

Thúc đẩy khởi nghiệp từ cây dược liệu bản địa

InfographicThúc đẩy khởi nghiệp từ cây dược liệu bản địa

(GLO)- Thời gian qua, các ngành, địa phương tỉnh Gia Lai luôn nỗ lực thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực dược liệu với mục tiêu xây dựng chuỗi giá trị bền vững, góp phần phát triển ngành dược liệu của địa phương và tìm kiếm các giải pháp công nghệ mới phù hợp với thực tiễn.

Mê kiểng lá-thú chơi thời hiện đại

E-magazineMê kiểng lá-thú chơi thời hiện đại

(GLO)- Lá có gì để mà mê, mà trở thành kiểng lá-một thú chơi thời hiện đại. Đi tìm câu trả lời này chính là lúc bạn và tôi rơi vào thế giới kiểng lá biến đổi kỳ ảo bởi sự đa dạng về màu sắc, hình thái, form dáng, kích cỡ…

Gia Lai 24h: Chung kết Đường lên đỉnh Olympia kịch tính, hấp dẫn

Gia Lai 24h: Chung kết Đường lên đỉnh Olympia kịch tính, hấp dẫn

(GLO)- Trải qua 4 phần thi đầy gay cấn, Võ Quang Phú Đức (Trường THPT chuyên Quốc học Huế) đã xuất sắc trở thành nhà vô địch Đường lên đỉnh Olympia lần thứ 24. Chàng trai Gia Lai Nguyễn Quốc Nhật Minh cùng 2 “nhà leo núi” còn lại cũng cho thấy bản lĩnh và trí tuệ của mình tại vòng chung kết cuộc thi diễn ra vào sáng 13-10.

Người dân làng Đaklah-Tờ Rah (xã Lơ Pang, huyện Mang Yang) vui mừng khi được UBND xã giao đất, giao rừng cho cộng đồng làng quản lý.

E-magazineQuản lý, phát triển rừng cộng đồng: Cần có thêm cơ chế chính sách phù hợp

(GLO)- Việc triển khai công tác quản lý, phát triển rừng cộng đồng đã đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân, gắn quyền lợi các hộ sống gần rừng với trách nhiệm bảo vệ rừng. Tuy nhiên, để chính sách này mang lại hiệu quả cao thì cần có thêm các cơ chế chính sách phù hợp.

Thanh niên Gia Lai hướng về ngày hội lớn

E-magazineThanh niên Gia Lai hướng về ngày hội lớn

(GLO)- Với tinh thần đoàn kết, xung kích và sáng tạo, đoàn viên, thanh niên trong tỉnh đã thực hiện nhiều công trình, phần việc ý nghĩa nhằm hưởng ứng đợt thi đua cao điểm “68 ngày thanh niên Gia Lai chào mừng Đại hội đại biểu Hội LHTN Việt Nam tỉnh lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2024-2029”.

Tình thương riêng dành học trò vùng khó - Kỳ cuối: Trở về nối nhịp yêu thương

E-magazineTình thương riêng dành học trò vùng khó - Kỳ cuối: Trở về nối nhịp yêu thương

(GLO)- Hành trình thắp sáng ước mơ tri thức cho học sinh dân tộc thiểu số (DTTS) ở Gia Lai có sự tham gia của không ít thầy cô giáo từng lớn lên từ làng. Ý thức mạnh mẽ về giá trị của việc học, họ quyết tâm quay trở về nơi mình bắt đầu để chung tay dìu dắt, “truyền lửa” và lan tỏa tình yêu con chữ.
Tình thương riêng dành học trò vùng khó - Kỳ 2: Người cha đặc biệt của trò nghèo

E-magazineTình thương riêng dành học trò vùng khó - Kỳ 2: "Người cha đặc biệt" của trò nghèo

(GLO)- Không chỉ mang tri thức đến với học sinh, nhiều giáo viên còn chăm lo cho các em từ bữa ăn sáng, suất học bổng đến hỗ trợ mô hình sinh kế, nhà ở kiên cố. Mỗi thầy giáo như một "người cha đặc biệt", trở thành điểm tựa yêu thương để trò nghèo kiên trì bám lớp, bám trường.