Góp ý Dự thảo Văn kiện trình Đại hội XIII: Quá sớm để nói Việt Nam ra khỏi vùng thu nhập trung bình hay không?

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Tăng nhanh thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân, tránh rơi vào bẫy thu nhập trung bình là những nội dung đã được nhấn mạnh liên tiếp tại nhiều Văn kiện trình Đại hội XIII. Điều này cho thấy, đây là vấn đề có tầm quan trọng và nằm trong chiến lược dài hạn của Nhà nước.

Chăm lo phát triển giáo dục sẽ giảm chênh lệch giàu-nghèo
Chăm lo phát triển giáo dục sẽ giảm chênh lệch giàu-nghèo


"Dự thảo BÁO CÁO ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ THỰC HIỆN NHIỆM VỤ PHÁT TRIỂN KTXH 5 năm 2016-2020 VÀ PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ PHÁT TRIỂN KTXH 5 năm 2021-2025" trình Đại hội XIII, Chính phủ nhận định, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn những tồn tại, hạn chế của nền kinh tế chậm được khắc phục, cũng như phát sinh thêm những rào cản đối với tăng trưởng.

Cụ thể, tốc độ tăng trưởng kinh tế không đạt mục tiêu đề ra; GDP tăng bình quân khoảng 5,9%/năm giai đoạn 2011 - 2020 so với mục tiêu Chiến lược là 7 - 8%/năm và thấp hơn so với hai giai đoạn trước. GDP bình quân đầu người năm 2020 tăng thêm khoảng 1.420 USD so với năm 2010, thấp hơn nhiều nước trong khu vực.

Cùng với đó, chênh lệch giàu - nghèo có xu hướng gia tăng, đời sống của một bộ phận người dân còn khó khăn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng bị thiên tai; khoảng cách phát triển giữa các địa phương, vùng, miền còn khá lớn.  Đáng chú ý, nguy cơ mắc bẫy thu nhập trung bình và khả năng tụt hậu xa hơn về kinh tế vẫn còn là thách thức lớn.

Tham gia góp ý vào Dự thảo, Dân Việt ghi lại những ý kiến của PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - Giảng viên Học viện Tài chính và TS Nguyễn Đức Thành – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) về những vấn đề trên.


Làm sao để phân bổ lợi ích đến với nhóm người nghèo?

Chia sẻ với Dân Việt, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - Giảng viên Học viện Tài chính cho hay, trong một thập kỉ qua, song song với sự phát triển của nền kinh tế là sự xuất hiện của nhóm người giàu lên rất nhanh cùng với đó thì nhóm người nghèo đi cũng tăng lên đáng kể. Đó là điều đáng ngại. So với các quốc gia xung quanh sự giãn cách giữa tầng lớp 20% người giàu nhất và 20% người nghèo nhất của Việt Nam là không quá lớn. Nhưng nếu chúng ta so với chính bản thân mình thì khoảng cách giữa những người giàu nhất và nghèo nhất đang tăng lên mỗi ngày.

Nguyên nhân cơ bản của sự chênh lệch này theo ông Thịnh là do nguồn lực tài chính phân bổ trong xã hội không công bằng, những người có nguồn thu, tài sản lớn, khả năng tăng thu nhập ngày càng lớn hơn, như ta hay nói "nước chảy chỗ trũng".

Trong một thập kỉ qua, chúng ta chứng kiến sự tăng trưởng đột biến khối tài sản của một nhóm người, chủ yếu liên quan đến kinh doanh bất động sản, nhà đất. Tất nhiên những người này phần đông là những người trẻ, có nhiều tham vọng vươn lên phát triển đất nước, đó là điều tốt.

Bên cạnh đó, có những nhóm người nghèo lại càng nghèo hơn do không có tiền để làm vốn kinh doanh hay nâng cao trình độ để có điều kiện tiếp cận hơn với công việc có thu nhập cao.

Cùng nêu nguyên nhân khiến sự chênh lệch giàu-nghèo gia tăng trong nước giai đoạn vừa qua, TS Nguyễn Đức Thành, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng, do đặc điểm của nền kinh tế Việt Nam, sự giàu có của một nhóm người đến không thuần túy từ tăng trưởng sáng tạo hay nhờ sự nỗ lực của bản thân mà là nhờ địa vị, do các mối quan hệ thân tín, do tham nhũng, thao túng chính sách, hoặc những doanh nghiệp có kết nối với các cơ quan công quyền, với doanh nghiệp nhà nước để trở thành "sân sau" làm kinh tế.

Trong khi đó, những người làm công ăn lương, doanh nghiệp nhỏ thì không giàu nhanh được như vậy. Còn những người yếu thế trong xã hội ở các vùng đô thị cũng như nông thôn thì cuộc sống vẫn khó khăn.


 

Sự chênh lệch giàu-nghèo ngày càng được thể hiện rõ
Sự chênh lệch giàu-nghèo ngày càng được thể hiện rõ


 "Chính những điều trên đã tạo ra sự bất bình đẳng trong xã hội, đào sâu khoảng cách giàu-nghèo", TS Nguyễn Đức Thành nhấn mạnh.

Vậy làm sao để các kết quả kinh tế - xã hội đều đến được với tất cả mọi người dân trong xã hội, để "không ai bị bỏ lại phía sau"? Làm thế nào để có thể có được thu nhập cao cho những người có đóng góp lớn cho xã hội và phải sử dụng làm sao cho hiệu quả những đóng đó để có tác động đến hạ tầng cơ sơ, an sinh xã hội, tác động đến tầng lớp yếu thế trong xã hội là vấn đề mà hầu hết các quốc gia đều mong muốn. Thế nhưng, để làm được điều này không hề đơn giản.

Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, cần phải có quy hoạch tổng thể, đặc biệt có chiến lược dài hơi về phát triển kinh tế-xã hội cho vùng miền cũng như cả quốc gia. Trong đó cần chú trọng đến việc phát triển cơ sở hạ tầng đảm bảo điều kiện sống tối thiểu hay có thể trả lương với việc yêu cầu có trách nhiệm xã hội với người có thu nhập cao. Đây cũng là điều mà chúng ta đang mong muốn để xây dựng nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Còn theo TS Nguyễn Đức Thành, để giảm chênh lệch giàu nghèo một cách bền vững trong giai đoạn tới, không có cách nào khác Chính phủ cần phải quan tâm đặc biệt đến phát triển giáo dục, dịch vụ y tế cho những vùng khó khăn, những nơi sinh sống của những người yếu thế trong xã hội. Đó là cách tốt nhất giúp họ.


Quá sớm để nói Việt Nam có ra khỏi vùng thu nhập trung bình hay không

Đối với vấn đề về "bẫy" thu nhập trung bình, TS Nguyễn Đức Thành cho hay, còn quá sớm để nói rằng Việt Nam có ra được khỏi "bẫy" hay không tức có ra khỏi cái vùng thu nhập trung bình hay không. Việt Nam mới bắt đầu đi vào khu vực có thu nhập trung bình. Hiện chúng ta đang ở mức 3.000USD/người, để thoát ra khỏi bẫy phải là 10.000 USD/người. Một khoảng cách rất xa để đi qua được vùng đó.

TS Nguyễn Đức Thành giải thích thêm, chúng ta có dấu hiệu vào "bẫy" là ở chỗ là nếu như tăng trưởng kinh tế của Việt Nam chỉ mới thu nhập như thế này mà đã có rất nhiều vấn đề trong xã hội xảy ra về giáo dục, văn hóa, bất bình đẳng xã hội, kỉ cương luật pháp. Nếu tất cả những vấn đề này mà không được cải thiện cùng với sự tăng trưởng của nền kinh tế, sự tăng lên của thu nhập thì cho thấy mình đang sa vào "bẫy" thu nhập trung bình.

 

 Nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân là mục tiêu quan trọng
Nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân là mục tiêu quan trọng


Để vượt lên được "bẫy" thu nhập trung bình, theo ông Thành, cần phải có một hệ thống sáng tạo. Để có được điều này thì lại cần có khu vực kinh tế tư nhân lớn, hoạt động sáng tạo và độc lập. Cần có hệ thống giáo dục hiện đại và mạnh mẽ, phổ cập được nền giáo dục đến cho rất nhiều người, tạo cơ hội cho những người yếu thế. Cùng với đó là phải có hệ thống luật pháp nghiêm minh, công bằng, bộ máy nhà nước không có tham nhũng, có thu nhập đủ sống đồng thời bộ máy đó được tinh lọc đi, có điều kiện làm việc tốt để họ không phải ngó nghiêng, nhũng nhiễu.

Về giải pháp cho vấn đề này, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, Nhà nước phải thực sự coi trọng kinh tế tư nhân là động lực để thúc đẩy kinh tế hàng hóa phát triển. Mặc dù đã có nhiều chính sách hỗ trợ nhưng đến nay doanh nghiệp tư nhân vẫn thấy bị phân biệt đối xử. Chính vì vậy, nên nhiều khi doanh nghiệp vẫn rất thận trọng trong bộc lộ khả năng liên kết liên doanh phát triển của mình.

"Phải biến nghị quyết thành hoạt động thực tiễn có hiệu quả giúp để giúp doanh nghiệp giảm thiểu những chi phí không chính thức, tạo điều kiện cho hộ nông dân có thể hợp tác được với nhau dưới hình thức hợp tác xã nhằm tạo ra được chuỗi giá trị, từ đó góp phần tạo ra tài sản thật. Cần giúp cho doanh nghiệp thấy được hiệu quả của chính sách trên thực tế, từ đó mới tạo ra đà phát triển được" – ông Thịnh cho hay.

Đồng thời, vị chuyên gia này cũng cho rằng, muốn cho kinh tế tư nhân phát triển cần phải có doanh nghiệp đầu đàn, như là hạt nhân của chuỗi liên hết. Có một doanh nghiệp sản xuất ô tô trong nước thì mới có thể phát triển được những ngành phụ trợ khác như sản xuất bulong, ốc vít…. Đây là đòi hỏi quan trọng để nâng cao chuỗi sản xuất kinh doanh.

"Khi tạo ra chuối sản xuất kinh doanh, chuỗi giá trị nâng cao chất lượng sản phẩm, thu nhập nhà sản xuất nhiều hơn thì thu nhập của người lao động chắc chắn cũng tăng lên. Thu nhập của người dân, đất nước tăng lên thì mới hy vọng thoát được cái bẫy thu nhập trung bình. Điều này thực sự cần sự thay đổi trong nhận thức và suy nghĩ thì mới có thể thay đổi được bản chất vấn đề nếu không sẽ mãi là cái vòng luẩn quẩn", ông Thịnh nói.


https://danviet.vn/gop-y-du-thao-van-kien-trinh-dai-hoi-xiii-qua-som-de-noi-viet-nam-ra-khoi-vung-thu-nhap-trung-binh-hay-khong-20201106090022873.htm

Theo Minh Lê (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm