Gia Lai: Tăng cường kiểm tra, giám sát công tác bầu cử

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai đang tích cực triển khai kế hoạch kiểm tra, giám sát để cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 diễn ra đúng quy trình, quy định và thành công.

Theo ông Đinh Ngọc Hải-Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, hoạt động kiểm tra, giám sát nhằm nắm bắt tình hình, kết quả tổ chức triển khai công tác bầu cử, qua đó kịp thời phát hiện, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, góp phần đảm bảo cho cuộc bầu cử diễn ra an toàn, dân chủ, đúng luật và thực sự là ngày hội của toàn dân.

“Đối với Mặt trận các cấp, chúng tôi sẽ tiến hành kiểm tra việc tổ chức các bước hiệp thương, xây dựng các văn bản để triển khai thực hiện nhiệm vụ Mặt trận tham gia công tác bầu cử. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng giám sát việc thực hiện công tác bầu cử của các cơ quan, ủy ban bầu cử cùng cấp và ủy ban bầu cử cấp dưới trong việc thực hiện quy trình, nhiệm vụ của mình. Mục đích cuối cùng để cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp thật sự khách quan và tập trung được ý nguyện của các tầng lớp Nhân dân”-ông Hải cho hay.

Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức hội nghị hướng dẫn về việc lấy nhận xét và phiếu tín nhiệm của cử tri nơi cư trú. Ảnh: Phương Dung
Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức hội nghị hướng dẫn việc lấy nhận xét và phiếu tín nhiệm của cử tri nơi cư trú đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Ảnh: Phương Dung

Hoạt động kiểm tra, giám sát bầu cử được Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh chia làm 3 đợt: đợt 1 (từ ngày 20-2 đến 13-4), đợt 2 (từ ngày 13-4 đến 22-5) và đợt 3 là giám sát trong ngày tổ chức bầu cử 23-5. Trong đợt kiểm tra, giám sát đầu tiên, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tập trung vào các nội dung chủ yếu: giám sát việc thành lập và hoạt động của ủy ban bầu cử và các tổ chức phụ trách bầu cử ở các địa phương; kiểm tra việc giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu HĐND các cấp và việc nộp hồ sơ ứng cử của người ứng cử, người được giới thiệu ứng cử; kiểm tra, giám sát việc tổ chức lấy ý kiến cử tri nơi cư trú đối với người ứng cử; giám sát công tác tuyên truyền bầu cử…

Ông Nguyễn Công Hòa-Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Ia Grai-cho biết: Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện đã tiến hành kiểm tra, giám sát tại 4 xã. Theo đó, các địa phương đã tiến hành theo đúng quy trình, quy định, người được giới thiệu ứng cử đảm bảo tiêu chí, tiêu chuẩn theo quy định. Việc tuyên truyền về bầu cử ở một số địa phương được thực hiện bằng 2 thứ tiếng, qua đó đảm bảo tất cả người dân trên địa bàn đều nhận thức rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của cuộc bầu cử.

“Hội nghị hiệp thương lần thứ 2 đã thống nhất lập danh sách sơ bộ giới thiệu 61 người ứng cử đại biểu HĐND huyện để bầu lấy 35 đại biểu; giới thiệu 566 người ứng cử đại biểu HĐND cấp xã để bầu lấy 322 đại biểu. Toàn huyện có 13 đơn vị bầu cử với 104 tổ bầu cử”-ông Hòa thông tin.

Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Pleiku tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ 2 thống nhất lập danh sách sơ bộ người giới thiệu ứng cử. Ảnh: Phương Dung
Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Pleiku tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ 2 thống nhất lập danh sách sơ bộ người giới thiệu ứng cử. Ảnh: Phương Dung

Cũng trên cơ sở các kế hoạch, hướng dẫn của cấp trên, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Pleiku đã hướng dẫn Mặt trận các cấp kiểm tra, giám sát công tác bầu cử. Ông Từ Văn An-Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Pleiku-trao đổi: “Chúng tôi hướng dẫn rất rõ về đối tượng, nội dung, thời gian để tiến hành hoạt động kiểm tra, giám sát. Riêng về hình thức, ngoài giám sát trực tiếp, chúng tôi còn phối hợp kiểm tra, giám sát và tổ chức đoàn kiểm tra, giám sát”.

Cũng theo ông An, ngay sau hội nghị hiệp thương lần thứ 2, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp của thành phố sẽ tiến hành kiểm tra việc tổ chức lấy ý kiến cử tri nơi cư trú đối với người ứng cử theo  quy định. Trong đó, tập trung vào thành phần, số lượng cử tri, chương trình hội nghị cử tri; sự tín nhiệm của cử tri nơi cư trú đối với người được giới thiệu ứng cử, người tự ứng cử; việc lập biên bản hội nghị; việc xác minh, trả lời các vụ việc mà cử tri nêu đối với người được giới thiệu ứng cử và người tự ứng cử.

PHƯƠNG DUNG