(GLO)- Ngày 13-9, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị trực tuyến “Tiếp tục thúc đẩy giải ngân nguồn vốn ODA và vay ưu đãi nước ngoài năm 2019” với sự tham gia của 5 bộ có kế hoạch vốn ODA, vốn vay ưu đãi lớn nhất; UBND và các cơ quan, các ban quản lý dự án sử dụng vốn ODA, vay ưu đãi ở 63 tỉnh, thành phố. Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng chủ trì hội nghị.
Tham dự tại điểm cầu Gia Lai có lãnh đạo các Sở: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Y tế, Nông nghiệp và PTNT, Giáo dục và Đào tạo cùng đại diện lãnh đạo ban quản lý các dự án sử dụng vốn ODA và vay ưu đãi...
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, tình hình giải ngân vốn đầu tư công nói chung và vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài trong một số năm gần đây và năm 2019 là rất chậm. Đối với nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài, cập nhật đến 31-8-2019 mới giải ngân được 6.480 tỷ đồng, chỉ đạt 10,7% kế hoạch vốn do Quốc hội giao (60.000 tỷ đồng) và 15,7% kế hoạch do Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông báo (40.735 tỷ đồng). Với chi thường xuyên từ nguồn vốn nước ngoài đạt 862 tỷ đồng, bằng 8,5% dự toán Quốc hội phê duyệt. Trong đó có 35 bộ, ngành, địa phương từ đầu năm 2019 đến nay chưa có giải ngân; nhiều bộ, ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân rất thấp...
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Gia Lai. Ảnh: Ngọc Sang |
Tại Gia Lai hiện có 8 chương trình, dự án ODA với tổng mức đầu tư 2.269 tỷ đồng (trong đó vốn ODA 2.028 tỷ đồng và vốn đối ứng 240 tỷ đồng). Tổng vốn kế hoạch năm 2019 là 374,914 tỷ đồng. Trong đó, kế hoạch năm 2018 kéo dài sang năm 2019 là 144,034 tỷ đồng (vốn ODA 124,431 tỷ đồng và vốn đối ứng ngân sách địa phương 16,603 tỷ đồng). Đến ngày 30-8-2019, các chương trình, dự án có khối lượng giải ngân 24,38 tỷ đồng (trong đó vốn ODA 13,049 tỷ đồng và vốn đối ứng 11,331 tỷ đồng), bằng 6,5% tổng vốn kế hoạch năm 2019.
Tiến độ giải ngân các chương trình, dự án ODA của tỉnh tương đối chậm vì một số nguyên nhân khách quan: Sau khi được giao kế hoạch vốn ODA và đối ứng, các hoạt động trong năm phải thông qua nhà tài trợ xem xét, cho ý kiến không phản đối trước khi trình cấp có thẩm quyền phế duyệt giải ngân năm; dự án cũng đang tập trung giải ngân trước nguồn vốn kế hoạch năm 2018 kéo dài sang năm 2019; có 3 dự án mới được Bộ Kế hoạch và Đầu tư giao kế hoạch vốn ODA năm nay vào cuối tháng 7-2019 nên chưa kịp giải ngân...
Tại hội nghị, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, cho rằng: Nguyên nhân của việc giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi chậm thời gian qua và từ đầu năm 2019 đến nay chủ yếu tập trung vào các vướng mắc trong giao kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn chậm, thiếu so với nhu cầu; phân bổ vốn chưa sát với thực tế; điều chỉnh kế hoạch chậm, thủ tục kéo dài; chậm trễ trong việc hoàn thành các thủ tục về hồ sơ giải ngân thanh toán cũng như ghi thu, ghi chi... Trước tình hình hiện nay, đòi hỏi phải có các biện pháp quyết liệt hơn nữa thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công nói chung và vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài nói riêng; đồng thời phải thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công điện số 1042/CĐ-TTg.
Ngọc Sang