Các doanh nghiệp (DN) gạo dù đã trúng thầu bán gạo cho Tổng cục Dự trữ nhà nước để bảo đảm an ninh lương thực nhưng đến kỳ lại không thực hiện hợp đồng, cần phải bị công khai đích danh trước công luận.
An ninh lương thực là nhiệm vụ thường trực của nhà nước, các cơ quan chức năng và DN hữu quan được giao quyền thực hiện trọng trách đó. Trong thời kỳ có đại dịch, như Covid-19, an ninh lương thực trở thành nhiệm vụ tối quan trọng. Do vậy, không thể chấp nhận kiểu hành xử "thế nào cũng được" đối với vấn đề sống còn này.
Số lượng gạo dự trữ quốc gia năm 2020 mà Thủ tướng Chính phủ giao Tổng cục Dự trữ nhà nước mua cho đủ là 190.000 tấn. Đến nay, mới chỉ mua được 7.700 tấn, do nhiều DN trúng thầu nhưng không ký hợp đồng bán gạo, buộc sắp tới phải mở thầu bổ sung.
Với các DN không đủ năng lực để cung ứng thì có thể thông cảm được nhưng với những DN "bẻ kèo" vì thấy giá gạo xuất khẩu đang quá cao so với giá trúng thầu bán cho nhà nước thì rất đáng trách. "Xù" thầu sẽ bị xử lý theo Luật Đấu thầu nhưng trong bối cảnh này, cần chế tài mạnh tay hơn nữa, như: cắt hạn ngạch xuất khẩu gạo trong một thời gian, truất quyền dự thầu bán gạo dự trữ từ 3 đến 5 năm...
Tin vui là với năng lực sản xuất năm nay, dự báo Việt Nam dư 6,5 - 6,7 triệu tấn gạo để xuất khẩu, tương đương 13,5 triệu tấn lúa. Với sản lượng dồi dào này, khó có thể nói DN thiếu nguồn cung. Đó là chưa kể xuất khẩu gạo đang bị hạn chế do phải bảo đảm an ninh lương thực (tháng 4-2020 chỉ cho phép xuất 400.000 tấn) nên lượng gạo đang dư thừa trong nước rất nhiều. Bởi vậy, khi DN dù đã trúng thầu mà vẫn không bán cho nhà nước thì nguyên nhân chủ yếu chính là vì lợi nhuận mà thôi. Có chuyện DN dành gạo lẽ ra đã bán cho nhà nước để đem xuất khẩu hay không? Chỉ cần xác minh danh sách ở hai bên là biết. Và Tổng cục Hải quan đang làm sáng tỏ điều này, đồng thời thông tin thêm: "Chúng tôi đã phát hiện nhiều DN trùng tên".
Việt Nam là một trong 3 cường quốc xuất khẩu gạo của thế giới. Từ năm 1989, chúng ta đã thu được ngoại tệ từ loại nông sản này nhưng đáng buồn là trong quãng thời gian rất dài như vậy, chính sách điều hành xuất khẩu gạo chưa từng được đánh giá cao. Liên bộ Công Thương - Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bên dưới là Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) có lúc tỏ ra lúng túng trước diễn biến phức tạp của thị trường gạo thế giới và tình hình sản xuất trong nước, thậm chí có thời điểm tham mưu chính sách sai lầm, dẫn tới hậu quả là người trồng lúa chịu thiệt thòi rất lớn. Trong quá trình điều hành, VFA thường bị dư luận nghi ngờ có lợi ích nhóm, phe cánh..., do đó không tạo được sự vững tin từ phía các DN xuất khẩu gạo làm ăn chân chính và nông dân. Ngay cả chuyện mới nhất là đăng ký tờ khai tự động cho 400.000 tấn gạo xuất khẩu vào nửa đêm (từ 0 giờ đến 3 giờ sáng) để DN đăng ký hạn ngạch cũng bị điều tiếng. Các DN không đăng ký được thì ấm ức, tố giác cơ quan chức năng làm việc tù mù, không thông báo rộng rãi, có dấu hiệu "bắn" tin cho các DN thân tín (?).
Chuyện này cũng cần phải được làm sáng tỏ.
Theo A.Q (NLĐO)