Đồng hành cùng sinh viên khởi nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ngày nay, khởi nghiệp không còn là vấn đề xa lạ đối với đội ngũ học sinh, sinh viên (HSSV) trong các cơ sở giáo dục. Vì vậy, thúc đẩy và phát huy tinh thần khởi nghiệp trong HSSV sẽ giúp các em thay đổi tư duy, nhận thức, dám nghĩ, dám làm để biến ý tưởng thành hiện thực.

dong-hanh-cung-sinh-vien-khoi-nghiep-bg-6806-8591.jpg
Diễn đàn truyền cảm hứng khởi nghiệp cùng sinh viên tại Trường Cao đẳng Gia Lai. Ảnh: N.T

Ngày 20-4-2024, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 937/KH-UBND thực hiện Đề án “Hỗ trợ HSSV khởi nghiệp đến năm 2025” tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh; trong đó, tập trung thực hiện 8 nội dung, nhiệm vụ hỗ trợ.

Kế hoạch đặt mục tiêu tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông về khởi nghiệp nhằm nâng cao nhận thức, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp và tự tạo việc làm của HSSV giáo dục nghề nghiệp; trang bị kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp giúp HSSV tự tin, chủ động, sáng tạo khởi nghiệp, chủ động tìm việc làm, tự tạo việc làm sau khi tốt nghiệp.

Đồng thời, nâng cao năng lực các cơ sở giáo dục nghề nghiệp về công tác đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện và hỗ trợ HSSV khởi nghiệp, tự tạo việc làm. Tạo môi trường hỗ trợ HSSV khởi nghiệp; tạo điều kiện để các em hình thành, hiện thực hóa các ý tưởng, dự án khởi nghiệp và tự tạo việc làm sau khi tốt nghiệp.

Thời gian qua, các tổ chức Đoàn trong tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm giúp đoàn viên thanh niên, đặc biệt là các bạn HSSV làm quen với khởi nghiệp. Nhiều câu lạc bộ khởi nghiệp được hình thành để những người trẻ đam mê khởi nghiệp có cơ hội trao đổi, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau. Các đơn vị trường học cũng tổ chức các diễn đàn giao lưu, ngày hội HSSV khởi nghiệp.

Nếu chia khởi nghiệp thành 3 giai đoạn (truyền cảm hứng; ý tưởng, giải pháp khởi nghiệp; quản trị doanh nghiệp) thì trong cả 3 giai đoạn này có vai trò hết sức quan trọng của giáo dục. Ở giai đoạn truyền cảm hứng, các nhà trường, đặc biệt là các trường phổ thông cần cung cấp cho học sinh kiến thức, kỹ năng nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, tinh thần kinh doanh và các kỹ năng, tư duy về đổi mới sáng tạo.

Trong giai đoạn hình thành ý tưởng, giải pháp kinh doanh, các trường cần cung cấp cho HSSV kiến thức để phát hiện vấn đề hình thành ý tưởng, giải pháp kinh doanh từ thực tiễn; đồng thời, cung cấp cho các em kiến thức nhằm giải quyết vấn đề, tạo ra sản phẩm để hình thành các doanh nghiệp.

Giai đoạn cuối cùng, khi đã thành lập được doanh nghiệp thì người quản lý cần rất nhiều kiến thức để quản trị doanh nghiệp và thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, đặc biệt là tái khởi nghiệp để đưa doanh nghiệp lên tầm cao mới, bền vững hơn.

22-1090-9549.jpg
Các gian hàng sinh viên tham gia Ngày Hội học sinh, sinh viên khởi nghiệp. Ảnh: N.T

Đề án “Hỗ trợ HSSV khởi nghiệp đến năm 2025” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và triển khai trong 4 năm. Tuy nhiên, việc triển khai đề án này tại các cơ sở đào tạo thời gian qua còn chậm và chưa có nhiều chuyển biến rõ nét. Các trường phổ thông chủ yếu vẫn quan tâm đến việc dạy kiến thức, công tác hướng nghiệp, khởi nghiệp còn hình thức, chủ yếu do các trường đại học, cao đẳng tổ chức hoạt động hướng nghiệp, tuyển sinh.

Công tác phối hợp để tạo môi trường trải nghiệm, hướng nghiệp và hỗ trợ khởi nghiệp của các doanh nghiệp với các trường phổ thông còn chưa được triển khai hoặc triển khai rất hình thức.

Từ tháng 5 đến tháng 9-2024, Trường Cao đẳng Gia Lai tổ chức sơ khảo cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp HSSV Trường Cao đẳng Gia Lai-Startup Kite”. Đây là lần đầu tiên nhà trường tổ chức sân chơi nhằm hỗ trợ, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp trong HSSV ngay từ khi các em còn ngồi trên ghế nhà trường. Tham gia cuộc thi, các bạn trẻ đã đưa ra nhiều mô hình, ý tưởng hay liên quan tới nhiều lĩnh vực ngành nghề.

Thạc sĩ Phạm Văn Điều-Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Gia Lai-cho biết: “Thời gian qua, nhà trường rất chú trọng tới phong trào hỗ trợ HSSV khởi nghiệp. Tổ chức Đoàn, phòng chuyên môn trong nhà trường tổ chức các chương trình giao lưu, diễn đàn đồng hành cùng sinh viên khởi nghiệp, ngày hội HSSV khởi nghiệp hay mới đây là cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp HSSV”.

Không chỉ dừng lại ở đó, năm học 2024-2025, nhiều đề tài nghiên cứu khoa học của cán bộ, giảng viên trong trường cũng tập trung vào lĩnh vực hỗ trợ khởi nghiệp cho người trẻ. Đây là năm thứ 3, Đoàn trường Cao đẳng Gia Lai tổ chức diễn đàn giao lưu truyền cảm hứng khởi nghiệp cùng sinh viên với mục đích chia sẻ kinh nghiệm, khơi dậy niềm đam mê khởi nghiệp cho các bạn đoàn viên, thanh niên.

Tại diễn đàn, các bạn trẻ đã được gặp gỡ, giao lưu cùng các chủ doanh nghiệp có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cũng là những người đạt nhiều giải thưởng trong các cuộc thi về ý tưởng khởi nghiệp.

Trao đổi tại diễn đàn, chị Kim Phùng Thủy-Chủ dự án Moon’s Coffee Farm-nhấn mạnh: “Các bạn trẻ muốn khởi nghiệp thành công, trước hết phải nhận thức được giá trị của bản thân và làm tăng giá trị của mình. Các bạn cần biết được cái mình có, cái mình muốn và cái thị trường cần để định hình được sản phẩm mà mình muốn hướng tới. Bên cạnh đó, cũng cần dám chấp nhận và đón nhận những rủi ro, thất bại. Cần hành động sớm”.

Trò chuyện cùng chúng tôi, em Nguyễn Thị Bình-Sinh viên ngành Kỹ thuật chế biến món ăn (Khoa Nghiệp vụ-du lịch) cho biết: “Em cùng nhóm bạn có 1 ý tưởng khởi nghiệp lọt vào vòng chung kết của cuộc thi ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp HSSV cấp trường.

Vì vậy, khi được nghe các anh chị đi trước chia sẻ kinh nghiệm cũng như đưa ra những lời khuyên về khởi nghiệp, em có thêm động lực để tự tin bắt tay vào thực hiện ý tưởng của nhóm mình”.

Có thể bạn quan tâm

Cô gái gen Z khởi nghiệp với phòng tập gym

Cô gái gen Z khởi nghiệp với phòng tập gym

(GLO)- Trong bối cảnh ngày càng nhiều người chú trọng đến sức khỏe và lối sống năng động, cô gái gen Z Nguyễn Vi Thảo (24 tuổi; trú tại 141 Trần Quý Cáp, phường Yên Đỗ, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) đã quyết định khởi nghiệp bằng việc mở phòng tập gym mang tên F24 Training.

Những phụ nữ tự tin khởi nghiệp

Những phụ nữ tự tin khởi nghiệp

(GLO)- Tận dụng lợi thế công nghệ 4.0, nhiều chị em phụ nữ ở huyện Chư Păh (tỉnh Gia Lai) đã tự tin khởi nghiệp bằng những mô hình hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế và xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc.
Cô gái 9X bỏ phố về quê lập nghiệp

Cô gái 9X bỏ phố về quê lập nghiệp

Năm 2013, tốt nghiệp cử nhân ngành Công nghệ thông tin, Trường Đại học Tây Nguyên, chị Phạm Thị Thanh Loan (SN 1991, ở thôn 11 xã Hòa Lễ, huyện Krông Bông) tiếp tục ra Hà Nội vừa học, vừa làm thêm ngành thiết kế thời trang…