“Đón đầu” cơ hội nghề nghiệp mới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Mới đây, nhiều người không khỏi bất ngờ trước thông tin Trường Đại học Y Hà Nội công bố danh sách thí sinh được tuyển thẳng, trong đó có 19 học sinh giỏi môn Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý vào ngành Tâm lý học. Việc thí sinh khối C được tuyển vào học ngành Y tế là điều chưa từng có trước đây.

Điều này cho thấy những cơ hội nghề nghiệp rất khác, rất mới đang mở ra và cần được nhanh chóng nắm bắt, đón đầu.

Cách đây hơn 20 năm, công tác hướng nghiệp chỉ mới manh nha, cơ hội nghề nghiệp không mấy phong phú. Còn nhớ, lứa học sinh chúng tôi khi đó nếu chọn khối C thì quanh quẩn với một vài lựa chọn như: sư phạm ngữ văn, luật sư, báo chí; khối A chủ yếu đầu quân vào sư phạm toán, khoa học tự nhiên, sư phạm kỹ thuật, kinh tế. Thí sinh khối B thì còn lựa chọn nào hơn ngành y dược, công nghệ thực phẩm; khối D thẳng tiến ngành quan hệ quốc tế, ngoại thương, hải quan…

Lực lượng lao động tương lai sẽ có sự lựa chọn nghề nghiệp mới, phù hợp trước ngưỡng cửa rộng mở song cũng không ít thách thức. Ảnh: L.N

Lực lượng lao động tương lai sẽ có sự lựa chọn nghề nghiệp mới, phù hợp trước ngưỡng cửa rộng mở song cũng không ít thách thức. Ảnh: L.N

Dần dà, các khối ngành đào tạo ngày càng đa dạng, đáp ứng tối đa nhu cầu phát triển nhân lực của xã hội. Và khi khoa học công nghệ bùng nổ, đồng thời thay đổi nhanh chóng phương thức con người làm việc và vận hành cuộc sống thì cơ hội nghề nghiệp cũng thay đổi theo cách mà chúng ta khó hình dung nhiều thập kỷ trước.

Đã có những cảnh báo về một số nghề nghiệp có thể bị thay thế bởi máy móc, phần mềm như: thông dịch viên, hướng dẫn viên, thư ký, kế toán, nhân viên lễ tân, thu ngân, công nhân tại các nhà máy… Cùng với đó, nhiều ngành nghề khác sẽ được săn đón vì đất sống dồi dào.

Quay lại câu chuyện tuyển thẳng thí sinh khối C của Trường Đại học Y Hà Nội. Đây là lần đầu tiên thí sinh đạt giải cao tại kỳ thi học sinh giỏi quốc gia hoặc giành huy chương Olympic khu vực và quốc tế ở các môn xã hội được tuyển thẳng vào trường này.

Đại diện nhà trường lý giải: Trường mở ngành Tâm lý học nên xét tuyển bằng tổ hợp C00 vì ngành này thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và hành vi. Theo đó, sinh viên ngành này sẽ học một số môn cơ sở như: Nhân học, Xã hội học sức khỏe, Cơ sở văn hóa Việt Nam, Giáo dục và nâng cao sức khỏe, Tâm lý học xã hội, Tâm lý học nhận thức, Sức khỏe tâm thần, Tham vấn tâm lý...

Có thể thấy, trước những áp lực từ cuộc sống hiện đại, nhu cầu hỗ trợ về sức khỏe tâm lý tăng cao, do đó, nhà trị liệu, cố vấn viên và nhân viên tâm lý xã hội là những công việc rất “hot” trong tương lai. Những nghề này càng có đất dụng võ khi Tâm lý học là lĩnh vực mà máy móc khó có thể thay thế.

Dễ hiểu vì sao ngành Tâm lý học nằm trong nhóm các ngành có điểm chuẩn rất cao, từ 27 điểm trở lên theo kết quả xét tuyển đại học chính quy năm 2023 bằng phương thức xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT của Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.

Thí sinh phấn khởi khi làm xong bài thi tốt nghiệp, mở cánh cửa đến với trường đại học. Ảnh: Lam Nguyên

Thí sinh phấn khởi khi làm xong bài thi tốt nghiệp, mở cánh cửa đến với trường đại học. Ảnh: Lam Nguyên

Lĩnh vực trí tuệ nhân tạo phát triển mạnh mẽ cũng đang tạo ra nhiều cơ hội nghề nghiệp cùng những chức danh rất mới như “người đứng đầu bộ phận AI”, “giám đốc AI”, “kỹ sư AI”… Đáng chú ý, theo một báo cáo của Indeed, kỹ sư máy học là nghề đứng ở vị trí thứ nhất trên danh sách top 25 công việc tốt nhất hiện nay.

Đối mặt với sự già hóa dân số, ngành điều dưỡng đang trở thành lựa chọn của những người có đủ tâm đức và sự kiên nhẫn. Theo Quỹ Dân số Liên hợp quốc, Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Đến năm 2036, nước ta bước vào thời kỳ dân số già, khiến nhu cầu an sinh xã hội ngày càng tăng ở người cao tuổi. Khi đó, nhu cầu phát triển hệ thống chăm sóc toàn diện, bao gồm cả chăm sóc tập trung và chăm sóc cộng đồng sẽ cần huy động đến số lượng lớn y tá, điều dưỡng.

Nhiều ngành phù hợp với sự phát triển của xã hội hiện nay cũng thu hút sự quan tâm của thí sinh khi đăng ký nguyện vọng gồm: an ninh mạng, năng lượng xanh, nông nghiệp công nghệ cao… Đặc biệt, trước nhu cầu nuôi và chăm sóc thú cưng, nhiều em không ngần ngại nộp hồ sơ xét tuyển vào ngành mà trước kia được cho là “kém sang”, đó là ngành thú y.

Sự phát triển quá nhanh của khoa học công nghệ và đời sống hiện đại đang đòi hỏi con người phải ứng biến linh hoạt để thích nghi, nếu không muốn thành kẻ đứng bên lề. Ngày 17-7, điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2024 sẽ được công bố, làm cơ sở xét tuyển đại học, cao đẳng. Hy vọng lực lượng lao động tương lai sẽ có sự lựa chọn đúng đắn, phù hợp trước ngưỡng cửa rất rộng mở song cũng không ít thách thức.

Có thể bạn quan tâm

Cô gái gen Z khởi nghiệp với phòng tập gym

Cô gái gen Z khởi nghiệp với phòng tập gym

(GLO)- Trong bối cảnh ngày càng nhiều người chú trọng đến sức khỏe và lối sống năng động, cô gái gen Z Nguyễn Vi Thảo (24 tuổi; trú tại 141 Trần Quý Cáp, phường Yên Đỗ, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) đã quyết định khởi nghiệp bằng việc mở phòng tập gym mang tên F24 Training.

Đồng hành cùng sinh viên khởi nghiệp

Đồng hành cùng sinh viên khởi nghiệp

(GLO)- Ngày nay, khởi nghiệp không còn là vấn đề xa lạ đối với đội ngũ học sinh, sinh viên (HSSV) trong các cơ sở giáo dục. Vì vậy, thúc đẩy và phát huy tinh thần khởi nghiệp trong HSSV sẽ giúp các em thay đổi tư duy, nhận thức, dám nghĩ, dám làm để biến ý tưởng thành hiện thực.

Những phụ nữ tự tin khởi nghiệp

Những phụ nữ tự tin khởi nghiệp

(GLO)- Tận dụng lợi thế công nghệ 4.0, nhiều chị em phụ nữ ở huyện Chư Păh (tỉnh Gia Lai) đã tự tin khởi nghiệp bằng những mô hình hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế và xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc.
Cô gái 9X bỏ phố về quê lập nghiệp

Cô gái 9X bỏ phố về quê lập nghiệp

Năm 2013, tốt nghiệp cử nhân ngành Công nghệ thông tin, Trường Đại học Tây Nguyên, chị Phạm Thị Thanh Loan (SN 1991, ở thôn 11 xã Hòa Lễ, huyện Krông Bông) tiếp tục ra Hà Nội vừa học, vừa làm thêm ngành thiết kế thời trang…
Chủ doanh nghiệp có tấm lòng nhân hậu

Chủ doanh nghiệp có tấm lòng nhân hậu

(GLO)- Không chỉ có nhiều đóng góp cho phong trào chạy bộ ở Gia Lai, anh Nguyễn Thanh Tâm-Giám đốc Công ty TNHH Giải pháp sự kiện và Thể thao Tâm Nguyễn (210 Nguyễn Viết Xuân, TP. Pleiku) còn được mọi người biết đến bởi tấm lòng nhân hậu.
Cử nhân về quê nuôi dê

Cử nhân về quê nuôi dê

Tốt nghiệp cử nhân đại học, chàng trai người dân tộc Khơ Mú Moong Bá Nghĩa quyết định rời thủ đô, trở về quê ở Nghệ An dựa vào núi rừng lập nghiệp.
Người trẻ đam mê "giữ lửa" nhạc cụ truyền thống

Người trẻ đam mê "giữ lửa" nhạc cụ truyền thống

(GLO)- Trong dòng chảy của cuộc sống hiện đại, không ít nhạc cụ truyền thống của dân tộc có lúc đứng trước nguy cơ bị mai một. Tuy nhiên, ở xã Hà Bầu (huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) vẫn có những người trẻ đam mê chế tác, "giữ lửa" nhạc cụ truyền thống và lan tỏa đến cộng đồng.