Con đường ẩm thực Huế giữa lòng phố núi Pleiku

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chỉ dài tầm 320 m nhưng tuyến phố Nguyễn Đình Chiểu vẫn được mệnh danh là con đường ẩm thực độc đáo với nhiều quán ăn bình dân, ngon và lâu đời của phố núi Pleiku.

Đặc biệt, nơi đây có những quán ăn truyền thống đặc trưng xứ Huế do các gia đình gốc cố đô định cư tại đây từ thập niên 60 của thế kỷ trước.

Những món ăn đậm hương vị xứ Huế

Một trong số quán Huế nổi tiếng hơn 40 năm qua là quán bánh canh O Hải (54 Nguyễn Đình Chiểu) của gia đình ông Trần Hữu Xuân (SN 1945). Trong gian nhà nhỏ, quán bánh canh O Hải vẫn giữ nét truyền thống từ vật dụng, bàn ghế đến nồi nước lèo luôn nóng hổi trên bếp để phục vụ khách đến ăn mỗi ngày.

Ông Xuân chia sẻ: “Trong cách nấu của người xứ Huế luôn giữ sự cân bằng, hài hòa về hương vị, không quá thiên về vị ngọt hay quá mặn. Một hương vị đặc trưng của món ăn xứ Huế là mắm ruốc. Có một số món ăn nếu nấu mà không có mắm ruốc thì không ra hương vị xứ Huế. Đây cũng là lý do quán luôn giữ được lượng khách quen lâu năm, có nhiều khách nhất định phải đến ăn tại quán để thưởng thức trọn vẹn vị ngon”.

con-duong-am-thuc-hue-giua-long-pho-nui-dd.jpg
Bà Hoàng Thị Kim Vân là thế hệ thứ 2 của quán bánh bèo 06 Nguyễn Đình Chiểu. Ảnh: S.C

Nhắc đến món ăn truyền thống xứ Huế, không thể bỏ qua quán bánh bèo Huế 06 Nguyễn Đình Chiểu. Bà Hoàng Thị Kim Vân-thế hệ thứ 2 đang trực tiếp kinh doanh-nhớ lại: “Cách đây 37 năm, gia đình tôi mở quán bánh bèo đầu tiên tại thị xã Pleiku. Trước khi mở quán, mẹ tôi đã có gần 20 năm bán bánh bèo gánh tại chợ Lớn, rồi chuyển xuống chợ Nhỏ”.

Bà Vân kể: Ban đầu, quán bánh bèo 06 Nguyễn Đình Chiểu chỉ là một quán nhỏ lụp xụp. Hầu như ngày nào quán cũng đông khách. Các món bánh được làm thủ công, từ bánh bèo, bánh lọc, bánh nậm đến bánh ướt, bánh tai vạc.

Bánh bèo xứ Huế khác với bánh nơi khác ở chỗ bánh nhỏ, mỏng, trong nên phải hấp đúng kỹ thuật. Nhân bánh bằng ruốc (tôm). Từ chất lượng bánh đến hương vị nước mắm của quán bánh bèo không đổi dù qua 2 thế hệ. Đó chính là lý do để người dân phố núi luôn nhắc đến bánh bèo Nguyễn Đình Chiểu nổi tiếng xưa nay.

“Tôi theo nghề của mẹ. Xưa bà làm sao thì nay tôi cũng làm y vậy để quán vẫn giữ nguyên hương vị bánh xứ Huế. Khách ở gần hay xa vẫn luôn thương quán, tìm đến quán. Đây chính là niềm vui, là động lực để tôi cố gắng duy trì nghề truyền thống gia đình”-bà Vân tâm sự.

Một điểm chung của hầu hết quán ăn người gốc Huế luôn gắn với tên gọi O, từ bánh canh O Hải, bánh bèo O Ngọc, đến bún bò O Táo… cho dù hiện nay nhiều quán không còn hoạt động.

Ông Hoàng Tuất (SN 1948, trú tại 73 Nguyễn Đình Chiểu) hồi tưởng: “Thời kỳ bao cấp, tôi làm ở Công ty Xây dựng Lâm nghiệp, còn vợ tôi mở quán bún bò. Quán mở tại nhà không có bảng hiệu. Khách ăn quen gọi là quán bún bò O Táo”. Quán bún bò O Táo tuy đơn sơ, nhỏ gọn nhưng khá đông khách quen, phần lớn là cán bộ, nhân viên, y-bác sĩ thuộc Sở Y tế và Bệnh viện tỉnh (thời đó Sở Y tế nằm trên đường Phan Đình Phùng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh ở đường Trần Hưng Đạo-P.V).

“Nếu không hợp khẩu vị, không đúng hương vị bún bò xứ Huế thì chắc chắn họ không đến ăn nhiều lần như vậy”-ông Tuất cho hay. Đến năm 2000, khi vợ ông Tuất qua đời, quán bún bò O Táo ngừng hoạt động.

Con đường ẩm thực độc đáo giữa lòng phố núi

Từ một vài quán ăn truyền thống lâu đời do người gốc Huế mở, đường Nguyễn Đình Chiểu dần trở thành con đường ẩm thực độc đáo với nhiều món ngon 3 miền. Đây cũng là lý do người dân Pleiku thường ưu tiên lựa chọn con đường này là điểm đến mỗi khi phân vân lựa chọn món ăn.

Bà Nguyễn Thị Nga (SN 1964, trú tại 45 Lê Thánh Tôn, TP. Pleiku) cho hay: “Mấy chục năm trước, đường Nguyễn Đình Chiểu đã có nhiều quán bánh bèo, bánh canh, bún bò Huế ngon nổi tiếng. Bây giờ, trên đường này lại có thêm nhiều món ăn ngon như: quán hải sản 61, mì quảng Xí, cơm tấm Sáu Hải, phở khô Hạnh. Do vậy, mỗi khi cần thay đổi khẩu vị, gia đình tôi thường đến đây, vừa dễ chọn được quán ăn, món ăn vừa ý, vừa hợp túi tiền”.

2ba-lan.jpg
Bà Phan Thị Lan tự tay kiểm tra nguồn hàng hải sản mỗi ngày tại quán 61 Nguyễn Đình Chiểu. Ảnh: S.C

Trong số quán ăn nổi tiếng do người gốc Huế làm chủ, 61 Nguyễn Đình Chiểu là quán hải sản đầu tiên và lâu đời nhất trên con đường này. Xuất phát điểm là một quán nhậu nhỏ xíu chủ yếu bán cá khô, mực khô, năm 1998, gia đình bà Phan Thị Lan (SN 1954) mở quán hải sản 61 với một số món ăn được nêm nếm theo khẩu vị đặc trưng người Huế, nổi bật nhất là món lẩu riêu cua đồng.

Sau gần 30 năm, quán 61 vừa mở rộng mặt bằng kinh doanh, vừa phát triển thêm mảng hải sản tươi sống. Chia sẻ về kinh nghiệm giữ nghề, giữ ổn định chất lượng của quán, bà Lan vui vẻ cho biết: “Gia đình tôi là dân biển Phong Điền nên khi mở quán hải sản, tôi luôn lựa chọn nguyên liệu tươi ngon theo mùa. Món ăn được nêm nếm theo khẩu vị đặc trưng của người Huế, may mắn được khách hàng vừa lòng nên tôi giữ gìn hương vị, chất lượng từ đó đến giờ”.

Ở tuổi 70, dù không còn trực tiếp đứng bếp nhưng bà Lan vẫn theo sát điều hành hoạt động của quán. Đặc biệt, đội ngũ bếp chính của quán 61 do bà Lan lựa chọn đầu bếp là người gốc Huế.

Thập niên 60 của thế kỷ trước, trên đường Nguyễn Đình Chiểu có khoảng 12-13 gia đình người làng Kế Môn (xã Điền Môn, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế) di dân vào Pleiku sinh sống, lập nghiệp. Hiện nay, số gia đình người gốc Huế định cư lâu năm không còn nhiều. Tuy nhiên, những quán ăn truyền thống xứ Huế đã tạo nền tảng thuận lợi để phát triển thành con đường chuyên kinh doanh ẩm thực nhộn nhịp như ngày nay.

Tận mắt chứng kiến những đổi thay của đường Nguyễn Đình Chiểu trong gần 60 năm qua, ông Xuân hồ hởi cho hay: “Hồi xưa, con hẻm Nguyễn Đình Chiểu vốn dĩ ổ voi nhiều hơn ổ gà. Sau nhiều lần được sửa sang, mở rộng, con đường trở nên đẹp như bây giờ, dân cư từ các nơi đổ về sinh sống đông đúc kéo theo quán ăn, cửa hàng dịch vụ ngày càng phát triển. Đây cũng chính là niềm vui, niềm tự hào của chúng tôi sau mấy chục năm sinh sống, gắn bó với con đường, vùng đất này”.

Không phải là con đường dài nhất cũng không phải là con đường ngắn nhất thành phố, nhưng đường Nguyễn Đình Chiểu là nơi người dân phố núi có thể tìm thấy đâu đó hương vị quê hương xứ sở qua từng món ăn dân dã, truyền thống, kết nối thầm lặng và bền chặt tình yêu với quê hương, đất nước.

Có thể bạn quan tâm

Dân dã nộm rau dớn

Dân dã nộm rau dớn

Ở vùng Tây Bắc, rau dớn là loài rau mọc tự nhiên bên bìa rừng, ven suối, quanh năm xanh tốt; là nguồn thực phẩm xanh tự nhiên, sạch và bổ dưỡng. Mỗi khi đi vào rừng hay ra suối, người Tày đều hái những ngọn rau dớn xanh non mơn mởn về chế biến món ăn.

Cà phê "chill": Xu hướng tìm về sự bình yên của giới trẻ

Cà phê "chill": Xu hướng tìm về sự bình yên của giới trẻ

(GLO)- Trong nhịp sống hiện đại hối hả, cà phê "chill" trở thành không gian lý tưởng được nhiều bạn trẻ Phố núi lựa chọn để tận hưởng sự bình yên. Đây không chỉ là nơi thư giãn sau những phút giây mệt mỏi mà còn là cơ hội để họ kết nối, sẻ chia và cùng tạo dựng những khoảnh khắc đẹp.

Món cá gỏi kiến vàng của người Rơ Măm

Món cá gỏi kiến vàng của người Rơ Măm

Cá gỏi kiến vàng, với hương vị thơm ngon và sức hút đặc trưng không thể tìm thấy ở đâu khác, là món ăn truyền thống đã có từ ngàn đời nay của người dân Rơ Măm tại làng Le, xã Mo Rai, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum.