Gần 500 gốc mai vàng, gồm cả cây đã nở hoa và chưa nở, đang được chăm chút trong khu trưng bày tái hiện làng mai Bình Lợi (H.Bình Chánh) trong khuôn viên chùa Thanh Tâm, nơi tổ chức Vesak 2025.

Việc tái hiện làng mai Bình Lợi là công trình tập thể với sự tham gia của nhiều nhà vườn. Trong đó, anh Bùi Ngọc Đức, chủ vườn mai Hữu Đức (H.Bình Chánh) là người trực tiếp phụ trách phần trưng bày.
"Trong số 500 gốc mai được tuyển chọn để chuẩn bị cho đại lễ, tính đến nay đã có 350 cây nở hoa, nở từ dịp 30.4. Tỉ lệ cây ra hoa nghịch mùa như vậy là tốt", anh Đức chia sẻ.

Theo anh, để cây mai có thể nở đúng thời điểm này, quá trình chuẩn bị đã bắt đầu từ tháng 10 năm trước. Người trồng phải dưỡng cây khỏe, kiểm soát sâu bệnh và can thiệp kỹ thuật hợp lý.
"Để mai nở đúng dịp 30.4 thì khoảng 15 ngày trước đó phải lặt lá. Cây phải đủ khỏe, dinh dưỡng phải đảm bảo và quan trọng là cần có nhà lưới, nhà màng để che chắn, vì thời tiết trái mùa, mưa nắng thất thường dễ làm mai nở sớm hoặc không nở", anh Đức nói.
Đây không phải lần đầu vườn mai của anh Đức thực hiện kỹ thuật xử lý để cho hoa nở nghịch vụ, nhưng lần này là quy mô lớn nhất.

"Tôi thấy rất vui vì có thể góp một phần nhỏ công sức để quảng bá làng mai Bình Lợi, một làng nghề truyền thống của H.Bình Chánh, TP.HCM. Đây là dịp không chỉ để người dân trong nước biết đến làng mai mà còn là cơ hội để bạn bè quốc tế hiểu hơn về mai vàng Việt Nam", anh Đức cho hay.
Ngạc nhiên vì thấy mai nở trái mùa, chị Phạm Thị Thu Sương (Q.7) chia sẻ: "Tôi cứ trầm trồ hoài, đến tháng 5 mà mai vẫn nở đẹp thế này thì chắc chắn đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Tôi nghĩ đây là dụng ý rất hay của ban tổ chức đại lễ Vesak 2025, tạo nên một không gian vừa linh thiêng vừa rực rỡ".
Quy trình xử lý mai vàng ra hoa trái vụ

Quy trình xử lý mai vàng ra hoa trái vụ để nở vào tháng 5.2025 kéo dài gần một năm, chia làm nhiều giai đoạn, đòi hỏi người trồng theo dõi sát thời tiết và áp dụng kỹ thuật chăm sóc hợp lý để đảm bảo tỷ lệ nở hoa cao.
Bắt đầu từ tháng khoảng 6.2024, người dân tiến hành xả tàn bằng cách cắt bỏ cành đã ra hoa, cành yếu, vệ sinh sạch sẽ vườn, tạo điều kiện cho cây phục hồi. Từ tháng 6 - 8, cây được bón phân hữu cơ và phân NPK 30-10-10 định kỳ để tái tạo bộ rễ, cành lá. Từ tháng 9 - 12, tiếp tục bón phân thúc cây phát triển mạnh, kết hợp phun thuốc sâu định kỳ để phòng bệnh và duy trì độ ẩm đất hợp lý.

Sang tháng 1 đến tháng 3.2025, bước vào giai đoạn "tạo nụ", cây được bón phân có hàm lượng lân và kali cao (NPK 20-20-15) để thúc đẩy hình thành nụ hoa. Việc tưới nước và phun thuốc sâu bệnh được thực hiện đều đặn để bảo vệ nụ non.
Từ tháng 3 đến giữa tháng 4.2025 là thời điểm "kích nụ và lặt lá". Cây được phun phân bón lá có nhiều lân và kali, giúp nụ phát triển đồng đều. Đến ngày 15.4, toàn bộ lá được lặt bỏ nhẹ nhàng để không làm rụng nụ.
Trong toàn bộ quá trình, điều chỉnh ánh sáng, nước tưới và phòng sâu bệnh là yếu tố then chốt. Khi có thời tiết nắng nóng hoặc mưa trái mùa, cần che chắn để hạn chế sốc nhiệt, úng nước hoặc cháy nụ. Đặc biệt, nếu cây chậm ra nụ, có thể tưới nước ấm vào sáng sớm để kích thích nhẹ.

Quy trình này giúp đảm bảo mai Bình Lợi có thể nở đúng thời điểm trái vụ, góp phần nâng cao giá trị thương phẩm và khẳng định thương hiệu làng nghề mai vàng.
Theo Thúy Liễu (TNO)