Chúc mừng năm mới 2020: Chờ đợi phút giao thừa Tết Canh Tý 2020!

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Từ sáng 30 tết, cả nhà đã rộn ràng soạn sửa mâm cúng ông bà. Bếp lúc nào cũng sực nức mùi thơm. Nhà cửa đã tươm tất, mọi người quây quần đón đợi thời khắc thiêng liêng nhất năm là phút giao thừa Tết Canh Tý chúc mừng năm mới 2020.
 
Nhiều người đang chờ đợi xem pháo hoa phút giao thừa Tết Canh Tý 2020. Ảnh: Độc Lập
Tất cả những bộn bề, vất vả trong 365 ngày qua sắp sửa được bỏ lại. Vì theo quan niệm của người phương Đông, đất trời khởi thủy phải có tận cùng, một năm phải có khởi đầu, có kết thúc. Thời điểm diễn ra sự giao hòa đó chính là phút giao thừa Tết Canh Tý chúc mừng năm mới 2020. Vào khoảnh khắc này, nhà nhà người người đều nhìn lại một năm đã qua, bỏ lại cái cũ và đón nhận cái mới.
 
Năm mới đang đến rất gần. Ảnh: Nâu
Trong nhà, mùi hương khói quyện với mùi bưởi, mùi hoa lay ơn lẫn mùi nồi thịt kho măng, củ kiệu thơm ngào ngạt. Bố đang lấy dây đèn led nhấp nháy đủ màu quấn quanh các thân cây, từ chậu mai đến chậu sứ, đến cả cây đu đủ.
Mẹ ngồi trước hiên nhà thảnh thơi ngắm những vườn hoa nhỏ mẹ trồng nay đã khoe sắc rực rỡ, miệng cười nói rôm rả: “Phải có tết, chứ không có rồi làm sao mà được nghỉ ngơi”. Dì ngồi bên cạnh gật gù: “Tết chớ, làm gì làm tết phải đông đủ, nhà cửa phải dọn dẹp, bánh mứt không thiếu gì hết”.
Mấy đứa nhỏ chạy loanh quanh trong sân dặn đi dặn lại: “Con có lỡ ngủ thì giao thừa phải gọi con dậy liền nha, con muốn đón giao thừa”. Năm nào tụi nhỏ cũng ráng thức rồi đến 11 giờ đã chịu không nổi ngủ quên mất, đến khi nghe tiếng pháo hoa đùng đùng từ ti vi mới giật mình dậy, chạy ùa ra cổng nhà ngó nghiêng, vui cười tưng bừng.
Dân gian thường truyền miệng câu “tối như đêm ba mươi”. Đây là khoảng thời gian cho sự nghỉ ngơi, loại bỏ mọi muộn phiền. Giờ này cả nhà đang ngồi lại bên nhau, rôm rả lắm. Bố mẹ bắt đầu gửi gắm ước mong năm mới với con cái. Lớp thanh niên sợ bị hỏi chuyện vợ con, sự nghiệp nên lúc nào cũng “đánh trống lảng”, dụ bố mẹ kể chuyện ngày xưa, hồi giao thừa năm một ngàn chín trăm hồi đó, lúc xóm làng còn chưa có điện, mọi người còn đốt lửa hát ca.
Cả năm trời, đây chắc chắn là lúc các thế hệ gần nhau nhất, đến đất trời còn giao hòa thì con người cớ sao phải xa cách. Mẹ nhắc đi nhắc lại: “Hết năm rồi đó, có sướng có khổ gì cũng hết năm rồi, sáng mai phải vui vẻ, gặp ai cũng tươi cười thì năm tới mới khấm khá lên được”.
Ngay sau thời khắc phút giao thừa Tết Canh Tý 2020, mọi người rủ nhau đi hái lộc, xông đất. Từ đầu xóm, nhà nào cũng sáng trưng, nhạc tết rộn ràng, chốc chốc lại nghe tiếng í ới gọi nhau của lớp thanh niên, tiếng cười ngân vang của con nít. Niềm vui đó kéo dài đến tận những ngày sau đó. Sáng mùng 1 tết chắc chắn là ngày mà mọi người dân Việt mình hoan hỉ nhất. Một năm bắt đầu từ mùng 1 nên giao thừa vừa qua, ai ai cũng dặn mình phải rạng rỡ trong ngày tết, rạng rỡ từ chiếc áo đỏ đến nụ cười, và đến cả phong bao lì xì.
Tiết trời se lạnh mang vị tết thấm vào da thịt. Trong không khí giao thoa giữa năm cũ và năm mới, chờ đợi phút giao thừa Tết Canh Tý chúc mừng năm mới 2020 người người bồi hồi, nhìn lại hành trình đầy nỗ lực và thầm cầu nguyện một chặng đường mới thật nhiều bình an. 
Nâu (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm

Hành trình từ kình ngư Ánh Viên trở thành hot TikToker

Hành trình từ kình ngư Ánh Viên trở thành hot TikToker

Tại 'TikTok Awards Việt Nam 2024', kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên có tên trong danh sách đề cử hạng mục Nhà sáng tạo nội dung thể thao của năm. Cựu vận động viên có những chia sẻ thú vị về hành trình trở thành TikToker để lan tỏa niềm đam mê bơi lội đến mọi người.

Tài năng “nhí” làng Bok Ayơl

Tài năng “nhí” làng Bok Ayơl

(GLO)- Hình ảnh cậu bé Husy (11 tuổi, làng Bok Ayơl, xã Hra, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) đứng trên sân khấu say sưa diễn tấu tiết mục “Độc tấu t’rưng-Buôn làng ấm no” tại Liên hoan tuyên truyền lưu động toàn tỉnh lần thứ III diễn ra hồi tháng 10 vừa qua đã để lại ấn tượng thật khó phai.

Những đứa trẻ… không tuổi thơ

Những đứa trẻ… không tuổi thơ

Không được đến trường, những đứa trẻ từ 5-10 tuổi ăn mặc lem luốc lượn lờ khắp nơi xin tiền người đi đường, bất kể trời mưa nắng. Không có tuổi thơ, giờ chúng là “phương tiện” để người lớn kiếm tiền trên lòng thương cảm của người khác.