Buôn bán gian lận trên mạng xã hội

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Qua thực tế kiểm tra của lực lượng Quản lý Thị trường (QLTT) cho thấy, việc kinh doanh hàng lậu, hàng không rõ xuất xứ và nhất là hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đang có chiều hướng gia tăng.



Phát hiện, xử lý nhiều sai phạm

Ông Lê Hồng Hà-Cục trưởng Cục QLTT tỉnh-cho biết: Từ đầu năm đến nay, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên gần như lực lượng QLTT đã dừng các kế hoạch kiểm tra. Do đó, trên cơ sở nắm tình hình và trinh sát, lực lượng QLTT chỉ tập trung kiểm tra đối với các lĩnh vực kinh doanh trọng điểm, chú trọng kiểm tra hoạt động kinh doanh trên các trang mạng xã hội. “Kết quả kiểm tra cho thấy, hầu hết vi phạm trong lĩnh vực trên môi trường thương mại điện tử chủ yếu là kinh doanh hàng lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ”-ông Hà thông tin. 

  Lực lượng QLTT kiểm đếm hàng hóa vi phạm. Ảnh: V.T
Lực lượng QLTT kiểm đếm hàng hóa vi phạm. Ảnh: V.T


Từ đầu năm đến nay, Cục QLTT tỉnh đã phát hiện và xử lý hơn 10 vụ vi phạm liên quan đến hoạt động kinh doanh qua mạng xã hội. Riêng từ cuối tháng 6 đến nay, các đội QLTT đã phát hiện nhiều điểm bán hàng có quy mô lớn trên địa bàn TP. Pleiku và các huyện: Chư Sê, Phú Thiện. Qua một thời gian theo dõi, ngày 18-6, Đội QLTT số 6 đã kiểm tra đột xuất hộ kinh doanh Nguyễn Thị Kim Yến (thị trấn Phú Thiện). Tại thời điểm kiểm tra, bà Yến đang sử dụng tài khoản Facebook có tên “Kim Yến Hàng Thùng” để livestream trực tiếp bán nhiều hàng hóa giả mạo nhãn hiệu gồm 40 chiếc mũ và 9 cái túi xách mang nhãn hiệu Adidas, 39 chiếc mũ mang nhãn hiệu Nike, 11 chiếc mũ mang nhãn hiệu Lives. Đội QLTT số 6 đã tịch thu toàn bộ số hàng nói trên và đến ngày 30-6 ra quyết định xử phạt 10 triệu đồng. Cũng qua theo dõi tài khoản Facebook có tên “Anmol Singh”, ngày 22-7, Đội QLTT số 5 phát hiện bà Võ Thị Mỹ Xuân (thị trấn Chư Sê) bán hàng livestream 21 túi xách không có nguồn gốc, xuất xứ; 60 cái túi giả mạo nhãn hiệu Louis Vuitton đang được bảo hộ tại Việt Nam. Đội QLTT số 5 đã phạt hành chính 11,6 triệu đồng.

Tương tự, ngày 28-7, Đội QLTT số 12 phát hiện bà Phạm Thị Thương (đường Hoàng Văn Thái, TP. Pleiku) bán 533 sản phẩm gồm giày, túi xách, mắt kính, đồng hồ không rõ nguồn gốc, xuất xứ; 240 sản phẩm gồm giày, nước hoa có xuất xứ nước ngoài; 305 sản phẩm nước hoa, mắt kính, đồng hồ, túi xách có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng như: Chanel, Versace, Gucci, Lancome… Lực lượng QLTT đã tiến hành lập biên bản, tạm giữ toàn bộ số hàng nói trên, tiến hành so sánh, đối chứng, gửi các mẫu hàng hóa có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu đang được bảo hộ tại Việt Nam đến các đại diện chủ thể quyền để đánh giá, xác định mẫu vật. Trước đó, ngày 26-7, Đội QLTT số 1 cũng đã bắt quả tang bà Lê Thị Phúc (Khu đô thị Cầu Sắt, xã Trà Đa, TP. Pleiku) đang bán hàng trực tiếp qua Zalo, Facebook. Đội đã tiến hành thu giữ 67 chiếc đồng hồ và 218 túi xách không rõ nguồn gốc, xuất xứ với tổng giá trị hàng hóa gần 100 triệu đồng.

Ông Phạm Trí Thức-Đội trưởng Đội QLTT số 1-cho biết: “Qua công tác trinh sát, theo dõi trên các mạng xã hội, từ đầu năm đến nay, Đội đã phát hiện nhiều hành vi vi phạm như: người bán không đăng ký thành lập hộ kinh doanh trong những trường hợp phải đăng ký theo quy định; kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ; bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu…”.

Chiêu thức tinh vi đánh lừa người tiêu dùng

Theo ông Lê Hồng Hà, khi bán túi xách, người bán thường dùng chiêu chỉ chọn 2-3 chiếc túi mẫu mới nhất đang hot để livestream nhằm câu khách vào xem và tiến hành... đấu giá! Người bán đưa ra mức giá khởi điểm ban đầu khá thấp để thu hút nhiều khách hàng quan tâm đến sản phẩm này. Từ mức giá bán ban đầu đưa ra 300-400 ngàn đồng/sản phẩm, qua nhiều lượt bình luận của người đấu giá đến cuối livestream chốt giá thì sản phẩm đã lên tới hàng triệu đồng.

Thông qua hình ảnh trên mạng, hay livestream người dùng khó phân biệt được sản phẩm mình mua có an toàn hay không. (ảnh nguồn nguoitieudung.vn)
Thông qua hình ảnh trên mạng, hay livestream người dùng khó phân biệt được sản phẩm mình mua có an toàn hay không. (ảnh nguồn nguoitieudung.vn)


Nói về chiêu trò này, ông Hà cho hay, có thể những người bán đã lập nhiều tài khoản với tên khác nhau để dụ khách liên tục nâng mức đấu giá nên có những khách hàng nhẹ dạ lầm tưởng đó là những vị khách như mình và đã đôn giá lên gấp 3-4 lần!

Trên thực tế, công tác kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm trên Facebook, Zalo cũng đang gặp nhiều trở ngại. Bởi lẽ, địa điểm các đối tượng này cất trữ hàng cũng như livestream bán hàng có thể thay đổi nên việc xác minh của cơ quan chức năng gặp khó khăn. Hoạt động mua bán trên trang mạng xã hội không có đăng ký kinh doanh, không có địa điểm cố định nên rất khó kiểm tra hoặc khi kiểm tra thì phát hiện rất ít hàng hóa, trong khi trên thực tế lượng hàng vi phạm có thể còn nhiều hơn. “Tình hình kinh doanh hàng hóa giả mạo đang có chiều hướng gia tăng là do tâm lý thích xài hàng hiệu của nhiều người, nhưng thu nhập thấp buộc phải dùng hàng nhái giá rẻ. Chính vì vậy, những đối tượng này đã lợi dụng điều đó để kinh doanh tràn lan qua mạng. Hơn nữa, đa phần hàng hóa được mua trôi nổi trên thị trường để bán kiếm lời nên không có hóa đơn, chứng từ”-ông Hà nói.

 VŨ THẢO

Có thể bạn quan tâm

'Lên dây cót' cho điện

'Lên dây cót' cho điện

"Không để thiếu điện cho sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng trong bất cứ hoàn cảnh, trường hợp nào, nhất là vì lý do chủ quan từ công tác điều hành", đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong cuộc họp cuối tuần qua.
Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Giá bán điện 2 thành phần có nhiều ưu thế vượt trội với mục tiêu tính đúng, tính đủ chi phí mà người tiêu dùng điện gây ra cho hệ thống. Bộ Công thương khẳng định, thí điểm cần thiết để đánh giá, tính toán được khoản tiền điện chênh lệch giữa biểu giá điện hiện hành và biểu giá điện 2 thành phần.