Mạnh tay xử lý vi phạm trong kinh doanh trực tuyến

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Việc mua bán hàng qua mạng xã hội Zalo, Facebook ngày càng được nhiều người lựa chọn bởi sự tiện ích. Thế nhưng, hình thức mua hàng này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro khi gặp phải hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, Cục Quản lý Thị trường tỉnh đã tăng cường kiểm tra, mạnh tay xử lý những người bán hàng vi phạm pháp luật.

 

Do công việc bận rộn nên chị Nguyễn Thị Thu Hà (tổ 9, phường Hội Thương, TP. Pleiku) thường xuyên mua hàng qua các sàn thương mại điện tử và cả mạng xã hội. Chị cho biết: “Sản phẩm bán qua mạng rất đa dạng về chủng loại, mẫu mã, từ thực phẩm, quần áo cho đến đồ gia dụng. Do biết chọn lựa những người bán, cửa hàng uy tín nên đa phần sản phẩm tôi đặt mua đều đảm bảo chất lượng. Mặt khác, mua qua mạng còn được tiếp cận nhiều sản phẩm đặc sản cũng như những hàng hóa ngoại nhập với giá cả phù hợp. Hàng chọn mua xong sẽ được người bán chuyển tới tận nhà, được xem và kiểm tra hàng trước khi thanh toán nên rất tiện lợi”.

  Lực lượng Quản lý Thị trường kiểm đếm số lượng túi xách giả mạo nhãn hiệu tại một cơ sở kinh doanh trực tuyến. Ảnh: V.T
Lực lượng Quản lý Thị trường kiểm đếm số lượng túi xách giả mạo nhãn hiệu tại một cơ sở kinh doanh trực tuyến. Ảnh: V.T



Tuy nhiên, không phải khi nào mua hàng qua mạng, người tiêu dùng cũng nhận được sản phẩm vừa ý. Qua kinh nghiệm mua hàng online, anh Vũ Minh Hải (hẻm 96 Phạm Văn Đồng, TP. Pleiku) cho rằng, người tiêu dùng khó kiểm soát được chất lượng và nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa. Nhiều sản phẩm trên hình quảng cáo rất đẹp nhưng khi nhận hàng lại không như vậy. Một số lần, vì không ưng ý nên anh đã phản hồi với người bán nhưng việc đổi trả hàng hóa khá phức tạp, mất thời gian và tốn phí. “Vì rủi ro khá cao nên người tiêu dùng cần thận trọng và nên chọn những địa chỉ uy tín để tránh thiệt hại không đáng có”-anh Hải nói.

Thông qua mạng xã hội, nhiều người tự do bán các mặt hàng theo nhu cầu của thị trường. Chính vì vậy, thời gian qua, không ít người đã lợi dụng để kinh doanh hàng nhái, hàng kém chất lượng. Mặc dù đã có sự vào cuộc tích cực của cơ quan chức năng nhưng việc quản lý chất lượng hàng hóa kinh doanh qua mạng vẫn đang là bài toán khó. Ngay từ đầu năm, Cục Quản lý Thị trường Gia Lai đã ban hành kế hoạch kiểm tra định kỳ trên địa bàn tỉnh, trong đó thường xuyên chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường theo dõi các đường dây vận chuyển, tàng trữ hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ để bán online. Qua đó, lực lượng này đã phát hiện, xử lý nhiều trường hợp vi phạm. Cụ thể, vào giữa tháng 4 vừa qua, Phòng Thanh tra-Pháp chế (Cục Quản lý Thị trường tỉnh) và Đội Quản lý Thị trường số 12 đã tiến hành kiểm tra đột xuất 2 địa điểm bán hàng online tại số 06 Mạc Đĩnh Chi và số 272B Phan Đình Phùng (TP. Pleiku) đang phát video trực tiếp để bán hàng. Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng Quản lý Thị trường đã phát hiện và tạm giữ nhiều hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, gồm: 865 túi xách, 170 áo khoác dạ các loại, 96 hộp tinh dầu nước hoa sản xuất từ nước ngoài. Ngoài ra, lực lượng này còn phát hiện và tạm giữ 135 mắt kính và 130 túi xách giả nhãn hiệu Gucci; 146 túi xách giả nhãn hiệu Chanel; 190 túi xách giả nhãn hiệu Dior và 120 túi xách giả nhãn hiệu Louis Vuitton tại 2 địa điểm này.

Mua hàng qua mạng đã trở thành thói quen của nhiều người tiêu dùng. Ảnh: Vũ Thảo
Mua hàng qua mạng đã trở thành thói quen của nhiều người tiêu dùng. Ảnh: Vũ Thảo



Theo ông Đinh Văn Hà-Trưởng phòng Thanh tra-Pháp chế (Cục Quản lý Thị trường tỉnh), qua làm việc với đoàn kiểm tra, chủ 2 địa điểm bán hàng này cho biết toàn bộ số hàng hóa trên được mua trôi nổi trên thị trường để bán kiếm lời nên không có hóa đơn, chứng từ. Họ mua hàng thành nhiều đợt và tập trung tại các địa điểm trên địa bàn TP. Pleiku rồi livestream trên trang Facebook cá nhân để bán. Sau đó, đoàn kiểm tra đã liên hệ với đại diện chủ thể các nhãn hiệu được bảo hộ tại Việt Nam để tiến hành so sánh, đối chiếu số tang vật đang tạm giữ với các nhãn hiệu được bảo hộ. Căn cứ các quy định của pháp luật hiện hành, đoàn kiểm tra đã lập biên bản, hoàn chỉnh hồ sơ trình Cục trưởng Cục Quản lý Thị trường tỉnh để xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền. Theo đó, bà Ngô Thị Thương Thảo-chủ địa điểm bán hàng 06 Mạc Đĩnh Chi bị xử phạt 37 triệu đồng; bà Nguyễn Thị Huân-chủ địa điểm bán hàng 272B Phan Đình Phùng bị xử phạt 22,5 triệu đồng. Đồng thời, Cục Quản lý Thị trường tỉnh đã tịch thu toàn bộ tang vật vi phạm theo quy định của pháp luật.

Theo ông Hà, thời gian tới, lực lượng Quản lý Thị trường tiếp tục kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính trong thương mại điện tử kết hợp với các biện pháp tuyên truyền, phổ biến pháp luật nhằm đẩy lùi hành vi vi phạm về buôn lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Việc này nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của các cấp, các ngành và người tiêu dùng về tác hại của việc buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại. Qua đó, tạo niềm tin cho người tiêu dùng trong hoạt động giao dịch, mua bán trực tuyến, bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, thúc đẩy thương mại điện tử phát triển theo chiều hướng tích cực.

 VŨ THẢO

Có thể bạn quan tâm

'Lên dây cót' cho điện

'Lên dây cót' cho điện

"Không để thiếu điện cho sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng trong bất cứ hoàn cảnh, trường hợp nào, nhất là vì lý do chủ quan từ công tác điều hành", đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong cuộc họp cuối tuần qua.
Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Giá bán điện 2 thành phần có nhiều ưu thế vượt trội với mục tiêu tính đúng, tính đủ chi phí mà người tiêu dùng điện gây ra cho hệ thống. Bộ Công thương khẳng định, thí điểm cần thiết để đánh giá, tính toán được khoản tiền điện chênh lệch giữa biểu giá điện hiện hành và biểu giá điện 2 thành phần.