"Âm thầm" đấu giá 800.000 tấn quặng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Gần ngàn tấn quặng đã được "âm thầm" đấu giá mà không công bố thông tin rộng rãi. 
[links()]
 
Xưởng luyện gang của Nhà máy thép Việt Trung (VTM). ẢNH: CHÍ HIẾU
Tổng công ty đầu tư kinh doanh vốn nhà nước vừa yêu cầu Tổng công ty thép VN và Công ty TNHH khoáng sản và luyện kim Việt - Trung báo cáo về việc “âm thầm” tổ chức đấu giá 800.000 tấn quặng giữa lúc cả nước đang thực hiện cách ly xã hội phòng chống dịch Covid-19.
Bạn hàng lâu năm cũng không biết thông tin
Theo thông tin Thanh Niên thu thập được, ngày 21.4, tại Nhà văn hóa Tổ dân phố Tân Xuân 1 (P.Xuân Đỉnh, Q.Tây Hồ, Hà Nội), Công ty đấu giá hợp danh quốc gia đã tổ chức cuộc đấu giá lô hàng quặng sắt với khối lượng 800.000 tấn. Đây là lô quặng của Công ty TNHH khoáng sản và luyện kim Việt - Trung (VTM), một liên danh giữa các bên của VN với đối tác Trung Quốc, trong đó Tổng công ty thép VN góp 46,85% vốn. VTM cũng là doanh nghiệp (DN) nằm trong danh sách 12 dự án yếu kém, thua lỗ của ngành công thương, đang được Chính phủ tập trung chỉ đạo để tháo gỡ khó khăn.
Điều đáng nói, tuy số lượng quặng mang ra đấu giá không hề ít, lên đến 800.000 tấn, trong bối cảnh các DN ngành sắt thép đang rất cần nguyên liệu trong nước thay cho nhập khẩu khó khăn vì nhiều nước áp đặt các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt, song chỉ có 2 cái tên tham gia đấu giá là Công ty cổ phần đầu tư thương mại xuất nhập khẩu Việt Phát (trụ sở chính ở TP.Hải Phòng) và DN tư nhân Hải Linh (tỉnh Hải Dương).
Đáng ngạc nhiên hơn, rất nhiều DN lớn vốn là bạn hàng có thâm niên của VTM lại không tham gia. Lý do, các DN này cho biết, họ không được thông tin rộng rãi về kế hoạch của cuộc đấu giá. Thậm chí, đến thời điểm này, khi cuộc đấu giá đã kết thúc, họ cũng rất khó khăn để tìm được thông tin công bố về cuộc đấu giá. Đặc biệt, lãnh đạo Tổng công ty thép VN cho hay việc đấu giá nói trên có dấu hiệu chưa đủ cơ sở pháp lý như sự cho phép của các bộ, ngành liên quan, cũng như chưa được sự chấp thuận thực hiện của tổng công ty.
Về cuộc đấu giá ngày 21.4 tại Q.Tây Hồ của VTM, nguồn tin Thanh Niên cho biết sau 3 vòng trả giá, Công ty cổ phần đầu tư thương mại xuất nhập khẩu Việt Phát đã giành được quyền mua lô hàng với giá khoảng trên 400 tỉ đồng.
Công ty mẹ chưa được báo cáo cụ thể ?
Với những điều khá bất thường trong công tác đấu giá, thời gian, thời điểm đấu giá kể trên, chỉ 3 ngày sau cuộc đấu giá, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN (là đại diện chủ sở hữu của Tổng công ty đầu tư kinh doanh vốn nhà nước - SCIC, đại diện phần vốn nhà nước tại Tổng công ty thép VN) đã có văn bản hỏa tốc yêu cầu SCIC báo cáo về việc xử lý các tồn tại của VTM. Văn bản này yêu cầu SCIC chỉ đạo người đại diện tại Tổng công ty thép VN “khẩn trương báo cáo gấp về việc khai thác và tiêu thụ quặng sắt, trong đó cần làm rõ khối lượng khai thác, phương án tiêu thụ và kết quả”.
Trao đổi với Thanh Niên, lãnh đạo SCIC cho hay đã chỉ đạo người đại diện phần vốn nhà nước tại Tổng công ty thép VN sớm báo cáo vụ việc, đồng thời cho biết thêm “chưa thể nói gì được vào thời điểm này”.
Trong khi đó, trả lời qua điện thoại chiều 29.4, ông Nguyễn Đình Phúc, Tổng giám đốc Tổng công ty thép VN, cho biết “đang ngồi chờ báo cáo của VTM và người đại diện vốn của tổng công ty tại VTM” về toàn thể quy trình thực hiện đấu giá, cũng như các văn bản liên quan, để kịp báo cáo với cấp trên.
Một lãnh đạo khác của Tổng công ty thép VN thì cho biết chủ trương đấu giá tiêu thụ quặng là có, song tổng công ty chưa được báo cáo cụ thể về phương án trước khi VTM thực hiện. “Ngoài ra, do VTM đang nằm trong danh sách 12 dự án yếu kém của ngành công thương nên các vấn đề lớn liên quan đến sản xuất kinh doanh nhằm đưa dự án phục hồi cũng cần được xin ý kiến của Ban Chỉ đạo xử lý 12 dự án yếu kém, các bộ, ngành, trong khi quy trình này chưa được VTM báo cáo với tổng công ty để tổng công ty xin ý kiến”, vị này nói thêm.
Chí Hiếu (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm

'Lên dây cót' cho điện

'Lên dây cót' cho điện

"Không để thiếu điện cho sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng trong bất cứ hoàn cảnh, trường hợp nào, nhất là vì lý do chủ quan từ công tác điều hành", đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong cuộc họp cuối tuần qua.
Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Giá bán điện 2 thành phần có nhiều ưu thế vượt trội với mục tiêu tính đúng, tính đủ chi phí mà người tiêu dùng điện gây ra cho hệ thống. Bộ Công thương khẳng định, thí điểm cần thiết để đánh giá, tính toán được khoản tiền điện chênh lệch giữa biểu giá điện hiện hành và biểu giá điện 2 thành phần.