Gia Lai giải ngân vốn đầu tư công góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Song song với việc đảm bảo các khoản chi ngân sách phục vụ an sinh xã hội, ưu tiên giải ngân kinh phí cho công tác phòng-chống dịch bệnh Covid-19, ngành Tài chính tỉnh Gia Lai đang triển khai các giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm tạo sức bật tăng trưởng kinh tế.
 

Chính quyền địa phương chủ động vào cuộc

Bắt tay thực hiện kế hoạch đầu tư phát triển năm 2020, từ giữa tháng 2, UBND huyện Đak Đoa đã tổ chức cuộc họp với các đơn vị, phòng ban chuyên môn, Ban Quản lý dự án Đầu tư Xây dựng, UBND các xã, thị trấn về tiến độ triển khai các dự án đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn. Theo kế hoạch, tổng vốn đầu tư phát triển năm nay của địa phương là hơn 78,1 tỷ đồng. Nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện, Chủ tịch UBND huyện yêu cầu: Đối với các dự án đã khảo sát, đăng ký danh mục đầu tư mà tỉnh chưa phân bổ vốn cần khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ để khi tỉnh phân bổ vốn thì triển khai thực hiện đảm bảo kịp tiến độ. Đối với các dự án đã đủ điều kiện triển khai, cần hoàn chỉnh thủ tục trình UBND huyện xem xét, phê duyệt theo đúng quy định. Đối với các dự án cần điều chỉnh danh mục, các chủ đầu tư trình UBND huyện có văn bản đề nghị cấp thẩm quyền xem xét, điều chỉnh.

Nguồn vốn đầu tư công được giải ngân kịp thời sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo nguồn thu đáng kể cho ngân sách nhà nước. Ảnh: ĐỨC THỤY
Nguồn vốn đầu tư công được giải ngân kịp thời sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo nguồn thu đáng kể cho ngân sách nhà nước. Ảnh: ĐỨC THỤY

Đồng thời, Chủ tịch UBND huyện chỉ đạo các phòng: Tài chính-Kế hoạch, Kinh tế-Hạ tầng, Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn UBND các xã, thị trấn triển khai thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản, thẩm định dự toán, hướng dẫn lập dự toán, kiểm tra đôn đốc các chủ đầu tư trong thực hiện các dự án, quyết toán dự án hoàn thành đối với các công trình xây dựng cơ bản năm 2018 và 2019 trong tháng 3-2020; phối hợp với chủ đầu tư triển khai công tác đền bù giải phóng mặt bằng các dự án năm 2020 đảm bảo kịp tiến độ. Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn cân nhắc lựa chọn nhà thầu có năng lực chuyên môn, năng lực tài chính, kinh nghiệm thi công để xây dựng các công trình trên địa bàn.


Bám sát chỉ đạo của UBND huyện Đak Đoa, Ban Quản lý dự án Đầu tư Xây dựng huyện đã quyết tâm triển khai kế hoạch đầu tư công ngay sau khi được giao chỉ tiêu. Ông Bùi Anh Khoa-Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư Xây dựng huyện-cho biết: “Năm nay, Ban được giao thực hiện 11 công trình, trong đó có 3 công trình chuyển tiếp, 8 công trình khởi công mới. Mặc dù số lượng công trình ít nhưng đơn vị không có tâm lý chủ quan mà tập trung chuẩn bị đầy đủ hồ sơ thủ tục, tiến hành xong khâu lựa chọn nhà thầu, ký kết hợp đồng và đang triển khai thi công đối với các công trình đã bố trí vốn. Nhìn chung, công tác triển khai các công trình tương đối thuận lợi, đảm bảo tiến độ theo kế hoạch. Chúng tôi phấn đấu hết quý II-2020, khối lượng thi công và giải ngân đạt trên 60% kế hoạch”.

Ngành Tài chính phối hợp giải ngân vốn đầu tư

Từ đầu năm đến nay, Kho bạc Nhà nước tỉnh đã thực hiện tốt công tác quản lý quỹ ngân sách nhà nước theo yêu cầu nhiệm vụ được giao. Kho bạc đã thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách và điều tiết cho các cấp ngân sách đảm bảo kịp thời, chính xác. Kiểm soát, thanh toán đầy đủ các khoản chi ngân sách, đặc biệt là các khoản chi phục vụ an sinh xã hội, thanh toán cá nhân; ưu tiên giải ngân nhanh, kịp thời kinh phí cho công tác phòng-chống dịch bệnh Covid-19; chủ động tham mưu và báo cáo định kỳ về thu chi ngân sách nhà nước cho chính quyền địa phương.

Nguồn vốn đầu tư công được giải ngân kịp thời sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo nguồn thu đáng kể cho ngân sách nhà nước. Ảnh: S.C
Nguồn vốn đầu tư công được giải ngân kịp thời sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo nguồn thu đáng kể cho ngân sách nhà nước. Ảnh: S.C



Đối với việc kiểm soát thanh toán vốn đầu tư xây dựng cơ bản, Kho bạc đã bám sát kế hoạch, tập trung thực hiện chỉnh lý quyết toán, căn cứ tình hình triển khai thực hiện của các chủ đầu tư để tiến hành thủ tục tạm ứng, đảm bảo thực hiện giải ngân theo tiến độ thực hiện. Theo đó, kế hoạch vốn năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ giao là 3.334,1 tỷ đồng; kế hoạch vốn do UBND tỉnh giao là 3.912,1 tỷ đồng; số vốn đã nhập trên Hệ thống Tabmis là 1.366,7 tỷ đồng. Tính đến hết tháng 2-2020, Kho bạc Nhà nước tỉnh đã giải ngân 291,7 tỷ đồng, đạt 8,75% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao và đạt 7,46% kế hoạch vốn UBND tỉnh giao.

Về kế hoạch vốn đầu tư năm nay, ông Nguyễn Thành Chung-Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh-cho biết: Ủy ban nhân dân tỉnh giao kế hoạch vốn phần ngân sách trung ương hỗ trợ, vốn nước ngoài, vốn chương trình mục tiêu quốc gia bằng kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao. Phần vốn cân đối ngân sách địa phương giao cao hơn số Thủ tướng Chính phủ giao là 578 tỷ đồng do giao thêm phần tăng thu tiền sử dụng đất. Một điểm cần lưu ý, cho đến đầu tháng 3, các nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia, vốn ngoài nước địa phương quản lý vẫn chưa nhập đủ kế hoạch vốn trên Hệ thống Tabmis.

Trong bối cảnh kinh tế-xã hội cả nước đang bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, việc thực hiện mục tiêu kép vừa phòng-chống dịch bệnh, vừa đảm bảo tăng trưởng kinh tế là thử thách rất lớn. Theo ông Nguyễn Dũng-Giám đốc Sở Tài chính: “Sau khi có quyết định của UBND tỉnh giao dự toán, chúng tôi đã thực hiện giao vốn cho các chủ đầu tư thông qua Hệ thống Tabmis. Trên tinh thần thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài chính, ngành Tài chính tỉnh tích cực triển khai các giải pháp tài chính ngân sách. Theo đó, đối với các công trình đã bố trí vốn, không bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 thì các đơn vị thi công, giám sát khẩn trương hoàn thiện các thủ tục, bố trí nhân lực để thi công”.

Cũng theo ông Nguyễn Dũng, khi nguồn vốn đầu tư công được giải ngân kịp thời sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo đột phá về cơ sở hạ tầng, tạo nguồn thu đáng kể cho ngân sách nhà nước. Đây là một giải pháp tài chính kích cầu phát triển kinh tế hữu hiệu bởi không chỉ nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước được giải ngân, các nguồn lực khác từ trong dân, từ các nhà đầu tư được giải ngân cũng sẽ góp phần tạo đột phá về cơ sở hạ tầng kinh tế, văn hóa-xã hội. Thông qua việc giải ngân các nguồn vốn sẽ làm năng lực sản xuất của tỉnh tăng lên, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, thúc đẩy kinh tế tăng trưởng, người dân được hưởng lợi. Từ thực tế triển khai các công trình, dự án thì việc nâng cao năng lực điều hành, quản lý vốn của chủ đầu tư là yêu cầu cấp thiết. Về phía Sở Tài chính, trong tháng 3 và tháng 4-2020 sẽ mời chuyên viên Cục Quản lý công sản, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) về tập huấn cho cán bộ ban quản lý, chủ đầu tư cấp xã về thủ tục giải ngân, thủ tục thanh quyết toán, chi phí trong quản lý, chi phí đền bù, bồi thường giải phóng mặt bằng, áp dụng giá vật liệu-nhân công, giá trị tài sản bồi thường... Đồng thời, thường xuyên trao đổi, nắm bắt những vấn đề bất cập để kịp thời có giải pháp tháo gỡ, hướng dẫn cho các đơn vị ngay hoặc trình cấp thẩm quyền xem xét, giải quyết.

 

SƠN CA

Có thể bạn quan tâm

'Lên dây cót' cho điện

'Lên dây cót' cho điện

"Không để thiếu điện cho sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng trong bất cứ hoàn cảnh, trường hợp nào, nhất là vì lý do chủ quan từ công tác điều hành", đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong cuộc họp cuối tuần qua.
Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Giá bán điện 2 thành phần có nhiều ưu thế vượt trội với mục tiêu tính đúng, tính đủ chi phí mà người tiêu dùng điện gây ra cho hệ thống. Bộ Công thương khẳng định, thí điểm cần thiết để đánh giá, tính toán được khoản tiền điện chênh lệch giữa biểu giá điện hiện hành và biểu giá điện 2 thành phần.