Lạc quan thương hiệu “Mật ong Gia Lai”

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đak Lak và một số tỉnh miền Nam đã xây dựng được thương hiệu mật ong còn Gia Lai vẫn đang chật vật tìm thị trường tiêu thụ do chất lượng mật chưa đạt yêu cầu. Hành trình xây dựng thương hiệu “Mật ong Gia Lai”, có lẽ bắt đầu từ việc khai thác mọi tiềm năng sẵn có của địa phương cũng như ứng dụng triệt để những tiến bộ khoa học kỹ thuật ở tất cả các khâu: Nuôi dưỡng, khai thác, vận chuyển, sơ chế, bảo quản, xuất khẩu…

Từ tiềm năng…
Theo các chuyên gia, nước ta nói chung và Gia Lai nói riêng đang có lợi thế rất lớn trong việc xuất khẩu mật ong vào thị trường châu Âu và châu Mỹ. Cơ hội xuất khẩu mật ong ra thế giới ở nước ta đang mở ra trước mắt, song vấn đề cần chú trọng lúc này chính là nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu khắt khe của khách hàng.

Bàn giao máy hạ thủy phần mật ong.  Ảnh: K.L
Bàn giao máy hạ thủy phần mật ong. Ảnh: K.L
Gia Lai là địa phương có đầy đủ điều kiện để phát triển ngành ong mật với trữ lượng mật lớn, khí hậu phù hợp cho giống ong Ý (có thể chống chọi tốt với dịch bệnh, thích nghi với điều kiện khí hậu, năng suất lao động cao…) sinh trưởng và phát triển, mùa khô có nhiều cây nguồn mật chính tiết mật nên việc khai thác có nhiều thuận lợi. Toàn tỉnh có những năm phát triển trên 80.000 đàn ong, thu hút hàng ngàn hộ tham gia; sản lượng mật đạt khoảng 1.200 tấn-1.800 tấn. Song tình hình chung là nguồn lao động địa phương tuy nhiều nhưng chưa được đào tạo về kỹ thuật và phương pháp quản lý. Nhân dân trong vùng đều phát triển nuôi ong tự phát, năng suất thấp, chất lượng sản phẩm chưa cao. Tình trạng mật ong bị pha trộn, có dư lượng thuốc kháng sinh, thuốc diệt côn trung vẫn còn xảy ra gây trở ngại cho việc xuất khẩu.


Nhằm mục đích xây dựng mô hình nuôi ong tiên tiến, tạo ra sản phẩm có chất lượng cao và đào tạo được nguồn nhân lực mới, thúc đẩy nghề nuôi ong của tỉnh phát triển, Gia Lai đã triển khai dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng và chuyển giao kỹ thuật nuôi ong, khai thác, chế biến mật ong xuất khẩu”. Cụ thể là chế tạo máy hạ thủy phần mật ong tại huyện Ia Grai (do ông Kpă Thuyên-Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT làm Chủ nhiệm). Công nghệ khoa học áp dụng vào dự án là các giải pháp kỹ thuật đồng bộ, khép kín từ khâu: Nuôi dưỡng, khai thác đến vận chuyển, sơ chế, bảo quản, xuất khẩu. Trong đó bao gồm những giải pháp công nghệ như: Tạo chúa chia đàn; chăm sóc, nuôi dưỡng, khai thác mật trên kế cải tiến; quy trình phòng, trị bệnh và ngăn ngừa dư lượng thuốc trong các sản phẩm của mật; công nghệ tinh lọc, giảm thủy phần, đóng gói, bảo quản mật trong xuất khẩu. Ông Nguyễn Hồng Hà-Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ lạc quan: “Việc áp dụng các công nghệ này sẽ nhanh chóng khôi phục và phát triển ngành ong; giúp cho vấn đề tinh lọc, chế biến được kịp thời, đảm bảo chất lượng ngay từ ban đầu, nâng cao được giá trị tăng thêm sản phẩm của ong sau khai thác. Đây cũng chính là tiền đề để xây dựng nên thương hiệu mật ong Gia Lai”.

Đến xây dựng thương hiệu

Sở dĩ các ngành chức năng chọn xã Ia Krai (huyện Ia Grai) làm nơi thí điểm thực hiện là bởi huyện Ia Grai có gần 17.000 ha cao su, gần 13.000 ha cà phê và nhiều loại hoa màu khác, là điều kiện thuận lợi để phát triển nghề nuôi ong. Với 1,04 tỷ đồng hỗ trợ của Bộ Khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp và PTNT giúp đỡ và tạo điều kiện cho các hộ tham gia vào dự án thành lập Công ty TNHH Nuôi và Xuất khẩu mật ong Gia Lai do anh Lê Văn Dân làm Giám đốc. Anh Dân cho biết, từ năm 2009, khi Sở Nông nghiệp và PTNT triển khai dự án xây dựng mô hình ứng dụng và chuyển giao kỹ thuật nuôi ong, khai thác, chế biến mật ong xuất khẩu, gia đình anh cùng 5 hộ khác đã đăng ký tham gia. Ngoài việc được cung cấp giống ong Ý cho năng suất cao, kháng bệnh tốt, anh còn được cho đi tập huấn, tham quan, học hỏi kỹ thuật nuôi ong và khai thác mật ong.

Sau hơn 1 năm hoạt động cho thấy, với công suất 1.000 tấn/năm, hệ thống máy hạ thủy phần đã giúp làm giảm lượng nước có trong mật ong xuống còn khoảng 18-19% (lượng nước trung bình có trong mật ong là trên 25%), chất lượng sản phẩm tăng lên rõ rệt. Theo đó, 90% sản lượng mật ong thu được từ năm 2010 đến nay đã được xuất khẩu sang thị trường châu Âu và được người tiêu dùng tại đây ưa thích. Nguyện vọng của anh Dân, cũng là đích hướng tới lâu dài của ngành nuôi ong tỉnh ta là sẽ xây dựng được thương hiệu “Mật ong Gia Lai”. Anh cho biết, Công ty đang gấp rút hoàn thành các thủ tục đăng ký nhãn hiệu hàng hóa cho mật ong Gia Lai tại Cục Sở hữu Trí tuệ, đồng thời tăng cường quảng bá sản phẩm, tìm cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu mật ong, nhất là thị trường châu Mỹ.

Tin rằng tương lai không xa, thương hiệu “Mật ong Gia Lai” sẽ tạo được vị thế vững chắc trong lòng người tiêu dùng cả thị trường trong nước lẫn các thị trường khó tính như châu Âu, châu Mỹ.
Hà Duy

Có thể bạn quan tâm

“Tiếp sức” cho doanh nghiệp phát triển

“Tiếp sức” cho doanh nghiệp phát triển

(GLO)- Hàng loạt hoạt động hỗ trợ được tỉnh Gia Lai triển khai thời gian qua đã tiếp thêm niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp khôi phục và phát triển sản xuất kinh doanh. Đi kèm với đó, số doanh nghiệp thành lập mới cũng như hoạt động trở lại ngày càng nhiều.
Điều chuyển hơn 57 tỷ đồng trồng rừng thay thế

Điều chuyển hơn 57 tỷ đồng trồng rừng thay thế

(GLO)- Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và PTNT) vừa có công văn đề nghị UBND các tỉnh, TP. Hà Nội và đơn vị liên quan chỉ đạo, thông báo các chủ dự án nộp hơn 57,3 tỷ đồng tiền trồng rừng thay thế để điều chuyển cho tỉnh Gia Lai kịp thời trồng rừng.
Giá hồ tiêu xuất khẩu của Việt Nam xếp chót bảng

Giá hồ tiêu xuất khẩu của Việt Nam xếp chót bảng

(GLO)- 4 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam đạt 83.783 tấn, trị giá 353 triệu USD, giảm 18,3% về lượng nhưng tăng 11,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023. Song, giá hồ tiêu của Việt Nam xếp chót bảng so với nhiều nước.
Dựa vào dân để giữ rừng

Dựa vào dân để giữ rừng

(GLO)- Thời gian qua, các địa phương, đơn vị chủ rừng trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã đẩy mạnh triển khai công tác giao đất, giao rừng cho cộng đồng dân cư và cá nhân sống gần rừng.