Gây thất thoát, lãng phí ngân sách hơn 2,3 tỷ đồng: Xử lý trách nhiệm nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thực hiện Kết luận số 08/KL-TTr của Thanh tra tỉnh Gia Lai, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) vừa tổ chức họp kiểm điểm, xử lý trách nhiệm các cá nhân liên quan đến sai phạm khi thực hiện 14 dự án mua sắm phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) áp dụng vào hoạt động quản lý tài chính và giáo dục gây thất thoát, lãng phí ngân sách nhà nước hơn 2,3 tỷ đồng trong giai đoạn 2015-2021.
Theo đó, đối với ông Huỳnh Minh Thuận-nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT giai đoạn từ ngày 1-1-2016 đến 16-4-2018 (nay là Bí thư Huyện ủy Chư Pưh), kiểm điểm trách nhiệm với vai trò là người đứng đầu cơ quan, chủ đầu tư các dự án, phần mềm chịu trách nhiệm toàn diện đối với mọi hoạt động của cơ quan, trong đó có các sai phạm được phát hiện qua thanh tra. Cụ thể, trong năm 2017, ông Thuận là người đại diện chủ đầu tư mua sắm cho Sở GD-ĐT các phần mềm phục vụ ứng dụng CNTT cho các trường THPT trên toàn tỉnh; các phần mềm đã hoạt động nhưng lượng giáo viên sử dụng chưa nhiều. Thực hiện quy trình đánh giá hồ sơ đề xuất mua sắm phần mềm chưa đúng theo hình thức chào hàng cạnh tranh rút gọn đã được phê duyệt theo dự toán và kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Tuy không làm thay đổi kết quả trúng thầu nhưng Sở GD-ĐT không thực hiện công khai kết quả lựa chọn nhà thầu là không đúng theo Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26-6-2014 của Chính phủ. Một số văn bản có chữ ký nhưng không đóng dấu của Sở GD-ĐT là không đúng theo quy định tại Nghị định số 09/2010/NĐ-CP ngày 8-2-2010 sửa đổi một số điều của Nghị định số 110/2004/NĐ-CP ngày 8-4-2004 của Chính phủ về công tác văn thư.
Với vai trò là người đứng đầu cơ quan, chủ đầu tư, ông Thuận nhận thấy các sai phạm này là do năng lực cá nhân về chuyên môn CNTT và tài chính còn yếu, chưa nghiên cứu kỹ các văn bản quy định về thiết kế kỹ thuật và dự toán phần mềm CNTT; chỉ đạo việc kiểm tra, kiểm soát trong quá trình thẩm định dự án và gói thầu, chi tiết phần mềm chưa chặt chẽ; chưa có biện pháp nâng cao tinh thần trách nhiệm của chủ đầu tư trong việc kiểm tra, giám sát độc lập. Bên cạnh đó, để xảy ra sai sót là do ông Thuận thiếu kiểm tra, đôn đốc Phòng Kế hoạch và Tài chính hoàn thành các thủ tục hồ sơ; phần mềm đã bàn giao cho các trường nhưng không bàn giao cho phòng chuyên môn, nghiệp vụ của Sở nên việc giáo viên sử dụng phần mềm chưa nhiều có phần trách nhiệm của Phòng Kế hoạch và Tài chính (giai đoạn từ tháng 1-2016 đến 4-2018) trong việc tham mưu chỉ đạo đưa phần mềm vào sử dụng. Các sai sót nêu trên là do ông Thuận không quán xuyến, kiểm tra, giám sát chi tiết được hết mọi công việc, các sai sót chủ yếu do bộ phận chuyên môn tham mưu chưa đúng quy trình, không thực hiện đầy đủ nhiệm vụ được giao. Các sai phạm nêu trên chưa gây ra hậu quả, không gây thất thoát, lãng phí của Nhà nước. Vì vậy, ông Thuận với vai trò người đứng đầu đã nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm.
Trụ sở Sở GD-ĐT. Ảnh: Lê Anh
Trụ sở Sở GD-ĐT. Ảnh: Lê Anh
Đối với ông Nguyễn Tư Sơn-nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT giai đoạn từ ngày 17-4-2018 đến 27-10-2020, kiểm điểm trách nhiệm với vai trò là người đứng đầu cơ quan, chủ đầu tư các dự án phần mềm chịu trách nhiệm toàn diện đối với mọi hoạt động của cơ quan, trong đó có các sai phạm được phát hiện qua thanh tra. Cụ thể, từ năm 2018 đến 2020, ông Sơn phụ trách đầu tư 14 dự án phần mềm do Sở GD-ĐT làm chủ đầu tư là các phần mềm phục vụ ứng dụng CNTT. Trong đó, có 8/14 dự án để xảy ra sai phạm gồm: phần mềm tuyển sinh đầu cấp năm 2018; phần mềm quản lý thư viện Master Lib năm 2019; phần mềm quản lý tài chính nhu cầu tiền lương cho các đơn vị trực thuộc Sở năm 2019; phần mềm quản lý ngân hàng đề thi năm 2019; phần mềm quản lý ngân hàng đề thi năm 2020; phần mềm quản lý trường học-nghiệp vụ quản lý các khoản thu (QLTH.VN) và hóa đơn điện tử (Meinvoice.vn) năm 2020; mua sắm thiết bị và phần mềm “Hệ thống phần mềm số hóa và quản lý dữ liệu EDM”; thực hiện số hóa văn bằng, chứng chỉ năm 2020; phần mềm hỗ trợ soạn giảng 2020. Sai sót đã được thanh tra chỉ ra như: chưa khảo sát kỹ trước khi mua sắm, không có đóng dấu là không đúng theo quy định; một số phần mềm không thực hiện công khai kết quả lựa chọn nhà thầu; nghiệm thu thanh toán khi chưa có phần mềm; không kiểm tra, đôn đốc Phòng Kế hoạch và Tài chính khảo sát nhu cầu sử dụng trước khi mua sắm.
Các sai phạm nêu trên gây lãng phí, làm thất thoát ngân sách nhà nước với tổng số tiền cần phải thu hồi tiền là 2,3 tỷ đồng. Với vai trò là người đứng đầu cơ quan, chủ đầu tư, ông Sơn nhận thấy các sai phạm này là do các phần mềm đã bàn giao cho các đơn vị nhưng không bàn giao cho phòng chuyên môn, nghiệp vụ của Sở nên việc đơn vị, giáo viên sử dụng phần mềm chưa nhiều có phần trách nhiệm của Phòng Kế hoạch và Tài chính. Các sai sót nêu trên còn là do ông Sơn không kiểm tra, giám sát chi tiết mọi công việc, các sai sót chủ yếu do bộ phận chuyên môn tham mưu chưa đúng quy trình, không thực hiện đầy đủ nhiệm vụ được giao. Chính vì vậy, với vai trò người đứng đầu giai đoạn từ năm 2018 đến 2020, ông Sơn đã tự nhận kỷ luật với hình thức khiển trách.
Như Báo Gia Lai điện tử đã thông tin, ngày 2-6-2022, Thanh tra tỉnh có Kết luận số 08/KL-TTr về việc đầu tư các dự án mua sắm các phần mềm ứng dụng CNTT trong hoạt động tại Sở GD-ĐT giai đoạn 2015-2021. Theo đó, trong giai đoạn này, Sở GD-ĐT được chấp thuận chủ trương đầu tư mua sắm đối với 14 dự án với tổng số tiền hơn 33 tỷ đồng nhưng đã để ra nhiều sai phạm gây thất thoát, lãng phí ngân sách nhà nước hơn 2,3 tỷ đồng.
LÊ ANH

Có thể bạn quan tâm

Khởi tố nhiều giám đốc, kế toán liên quan vụ đường dây mua bán trái phép hóa đơn khủng

Khởi tố nhiều giám đốc, kế toán liên quan vụ đường dây mua bán trái phép hóa đơn khủng

Điều tra mở rộng vụ đường dây mua bán hóa đơn hơn 2.500 tỷ đồng do Nguyễn Xuân Vinh cầm đầu, công an xác định nhiều doanh nghiệp mua hóa đơn từ đường dây trên để đưa vào sử dụng trong hoạt động tài chính, kế toán, báo cáo thuế, vi phạm quy định của pháp luật.
 Tuyên truyền phòng-chống tội phạm trên không gian mạng

Tuyên truyền phòng-chống tội phạm trên không gian mạng

(GLO)-

Chiều 26-4, tại Hội trường TP. Pleiku, Ban Chỉ đạo phòng-chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tỉnh phối hợp với Văn phòng Bộ Công an tổ chức hội nghị tuyên truyền phòng-chống tội phạm sử dụng công nghệ cao lừa đảo chiếm đoạt tài sản.