Cần "tương tác" với con về sách

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ai cũng biết và thừa nhận những lợi ích to lớn nhiều mặt của sách. Đối với trẻ, sách là nguồn giải trí bổ ích và lành mạnh. Sách giúp các con trau dồi vốn từ ngữ, nhạy bén hơn trong tư duy, hiểu biết về thế giới và giàu có hơn về cảm xúc. Nhưng làm sao để các con thích đọc sách và chọn sách gì cho các con đọc không phải là vấn đề dễ dàng đối với tất cả các bậc phụ huynh.
Một vài người bạn của tôi phàn nàn rằng họ mua nhiều nhưng các con không chịu đọc và rất hiếm khi chủ động cầm sách để đọc. Ngược lại, đối với ti vi và điện thoại thì các con lại có thể dán mắt vào mọi lúc mọi nơi, có khi hàng giờ liền một cách rất hào hứng.
Rõ ràng, tất cả chúng ta đều phải đối diện với hiện thực này: ti vi, điện thoại hấp dẫn trẻ hơn sách. Vậy ta phải có cách làm để lôi kéo sự chú tâm của trẻ dành cho việc đọc. Không cần phải đợi đến khi trẻ biết đọc mới hình thành thói quen này.
Ngay từ khi con còn nhỏ, cha mẹ cần tạo cho chúng thói quen là ưu tiên việc đọc sách trước các hình thức giải trí khác. Đóng cho con một cái kệ sách nhỏ như là “sở hữu” riêng của con. Trên đó bày những loại sách con yêu thích và bất cứ khi nào rảnh rỗi hãy đề nghị con chọn sách đọc và cha mẹ đọc cùng con nếu có thời gian.
Kinh nghiệm của tôi là sắp xếp và dành nhiều thời gian đọc sách cùng con. Hàng ngày dành một khung giờ cố định cho việc đọc sách và ít nhất phải được 30 phút. Tôi thường đọc sách cho con nghe hoặc đọc cùng các con vào trước giờ đi ngủ.
Bây giờ, các con tôi đã lớn và ở phòng riêng, nhưng mấy mẹ con vẫn yêu thích giây phút đọc sách cùng nhau vào buổi tối, đó cũng chính là khoảng thời gian thư giãn mỗi ngày. Tôi khuyến khích con khi đọc sách cần có một cuốn sổ tay, ghi chép tên sách, tên tác giả và tóm tắt ngắn gọn nội dung cuốn sách đã đọc hoặc cảm xúc khi đọc cuốn sách ấy. Con gái tôi còn thích được thuyết minh cuốn sách cho cả nhà nghe mỗi khi đọc xong.
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet
Chọn sách gì cho trẻ đọc cũng là vấn đề cần lưu tâm. Mỗi độ tuổi trẻ thích những thể loại sách khác nhau. Ở độ tuổi mẫu giáo, tiểu học, trẻ thường hứng thú hơn với các thể loại truyện tranh, truyện cổ tích… Nên cho các con đọc nhiều thể loại để mở rộng hiểu biết. Ngoài truyện nên cho trẻ đọc thêm các sách về khoa học tự nhiên, tìm hiểu cơ thể người, sách giáo dục giới tính đơn giản phù hợp lứa tuổi.
Cha mẹ nên dẫn các con đến nhà sách định kỳ, dùng sách làm phần thưởng để trẻ yêu quý sách, cho trẻ tự do lựa chọn sách theo sở thích dưới sự tư vấn của người lớn để trẻ hào hứng đọc hơn. Đôi khi trẻ bướng bỉnh, chỉ đòi đọc cuốn sách mà con thích, lúc đó ta nên dung hòa bằng cách cho trẻ mua cả sách con tự chọn và sách cha mẹ đề nghị và con sẽ đọc cả 2 loại sách này.
Việc đọc sách không bao giờ là muộn. Ngay từ bây giờ hãy bắt tay xây dựng thói quen cho trẻ. Nhưng trước hết cha mẹ phải là người làm gương. Không có lý do nào ép trẻ đọc sách mà bản thân cha mẹ không bao giờ đọc. Và thật là lý tưởng khi cả gia đình dành nhiều nhất thời gian đọc sách cùng nhau. Đó chắc chắn sẽ là một môi trường lành mạnh để xây dựng tình yêu thương gắn kết, hình thành những cảm xúc tích cực giúp trẻ lớn khôn, trưởng thành.
HOÀNG NGUYÊN

Có thể bạn quan tâm

Hành trình từ kình ngư Ánh Viên trở thành hot TikToker

Hành trình từ kình ngư Ánh Viên trở thành hot TikToker

Tại 'TikTok Awards Việt Nam 2024', kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên có tên trong danh sách đề cử hạng mục Nhà sáng tạo nội dung thể thao của năm. Cựu vận động viên có những chia sẻ thú vị về hành trình trở thành TikToker để lan tỏa niềm đam mê bơi lội đến mọi người.

Tài năng “nhí” làng Bok Ayơl

Tài năng “nhí” làng Bok Ayơl

(GLO)- Hình ảnh cậu bé Husy (11 tuổi, làng Bok Ayơl, xã Hra, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) đứng trên sân khấu say sưa diễn tấu tiết mục “Độc tấu t’rưng-Buôn làng ấm no” tại Liên hoan tuyên truyền lưu động toàn tỉnh lần thứ III diễn ra hồi tháng 10 vừa qua đã để lại ấn tượng thật khó phai.

Những đứa trẻ… không tuổi thơ

Những đứa trẻ… không tuổi thơ

Không được đến trường, những đứa trẻ từ 5-10 tuổi ăn mặc lem luốc lượn lờ khắp nơi xin tiền người đi đường, bất kể trời mưa nắng. Không có tuổi thơ, giờ chúng là “phương tiện” để người lớn kiếm tiền trên lòng thương cảm của người khác.