(GLO)- Thời gian gần đây, liên tiếp ghi nhận những ca phản ứng nặng và thậm chí tử vong của trẻ sau tiêm vắc xin 5 trong 1 (thường gọi là Quinvaxem, phòng 5 bệnh gây nguy hiểm cho trẻ gồm: bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và các bệnh gây ra do vi khuẩn Haemophilus influenzase (Hib) đặc biệt là viêm màng não mủ) trong chương trình tiêm chủng mở rộng tại một số tỉnh thành trên cả nước khiến nhiều phụ huynh có con trong độ tuổi tiêm phòng hết sức lo ngại.
Tại Gia Lai, dù quy trình tiêm chủng được triển khai chặt chẽ cũng như không có trường hợp tử vong nào liên quan đến vắc xin Quinvaxem thời gian qua nhưng các bậc phụ huynh vẫn lo lắng, nhiều người quyết định không đưa con đi tiêm hoặc bỏ tiêm các mũi tiếp theo...
Hướng dẫn và tư vấn trước khi tiêm vắc xin cho trẻ. Ảnh: N.L |
Dùng dằng nửa ở nửa về
Dạo quanh một số trạm y tế xã, phường trên địa bàn TP. Pleiku vào sáng 3-11 và ngày 4-11 (ngày triển khai tiêm vắc xin hàng tháng trong chương trình tiêm chủng mở rộng), P.V Báo Gia Lai ghi nhận đã và đang có thực tế như trên. Tại Trạm Y tế phường Trà Bá-TP. Pleiku, P.V ghi nhận trong sáng 3-11, có một số trường hợp phụ huynh đưa con đến tiêm chủng nhưng sau đó lại bỏ về giữa chừng không tiêm. Có trường hợp đã đến cổng trạm y tế rồi nhưng vợ chồng chưa thống nhất được rằng có cho con tiêm hay không tiêm, dùng dằng mãi, sau đó cả hai vợ chồng ôm con về để… hội ý lại.
Lo ngại của các bậc phụ huynh là điều có thể hiểu bởi ai cũng muốn con mình được bảo vệ một cách tốt nhất. Tuy nhiên do lo ngại về những trường hợp tai biến, thậm chí tử vong sau tiêm vắc xin Quinvaxem xảy ra trong thời gian qua tại một số địa phương khác nên việc quyết định tiêm hay không tiêm vắc xin này trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Trước đây, khi Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh còn triển khai tiêm dịch vụ vắc xin 6 trong 1 (Infranrix, ngừa bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan siêu vi B và các bệnh gây ra do vi khuẩn Hib, đặc biệt là viêm màng não mủ trong một mũi tiêm) thì mọi chuyện đơn giản hơn nhiều. Gia đình nào lo ngại vắc xin Quinvaxem trong chương trình tiêm chủng mở rộng thì có thể đi tiêm dịch vụ. Tuy nhiên, kể từ sau khi vắc xin dịch vụ đứt hàng thì chỉ còn lựa chọn duy nhất là tiêm vắc xin Quinvaxem… Không tiêm đúng lịch, đúng liều thì bé không có sự phòng bệnh về sau nhưng rủi tiêm nếu xảy ra sự cố gì thì ân hận cả đời.
Con gái đến tuổi tiêm phòng nhưng 2 vợ chồng anh Nguyễn Anh Tuấn-đường Wừu, phường Hội Thương, TP. Pleiku vẫn chưa quyết định có nên tiêm cho con hay không. Sau khi hội ý, cả 2 vợ chồng đưa con gái gần 4 tháng tuổi vào TP. Hồ Chí Minh để tiêm vắc xin dịch vụ. Tuy nhiên, vào tới nơi thì tại đây cũng đang trong tình trạng hết vắc xin 6 trong 1 và cả vắc xin 5 trong 1 của Pháp (Pentaxim, ngừa bạch hầu, uốn ván, ho gà, Hib, bại liệt) cũng đã hết từ lâu.
Cần cho trẻ tiêm đúng, tiêm đủ
Trao đổi với P.V Báo Gia Lai, ông Võ Gia Bắc-Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh cho biết: Chúng tôi cũng đã nắm thông tin và tiến hành triển khai giám sát tại một số điểm tiêm trên địa bàn TP. Pleiku trong ngày 3 và 4-11 và ghi nhận có một số gia đình cũng như bậc phụ huynh e ngại khi đưa trẻ đi tiêm, nhất là vắc xin Quinvaxem. Tại một số điểm, người nhà đưa các cháu lên nhưng rồi lại cho về. Tuy nhiên, sau đó họ cũng đã cho các cháu trở lại tiêm đầy đủ, chỉ có vài trường hợp không đến.
Năm 2013, vắc xin Quinvaxem cũng bị tạm dừng sử dụng một lần để đánh giá lại do có nhiều ca phản ứng nặng sau tiêm. Từ đầu năm đến nay, đã có 16 em bé có phản ứng nặng sau khi tiêm vắc xin Quinvaxem, 8 cháu tử vong, trong đó Hội đồng chuyên môn đánh giá chỉ 1 trường hợp do sốc phản vệ, 7 ca còn lại do trùng hợp bệnh lý. Bộ Y tế khẳng định vẫn tiếp tục sử dụng vắc xin Quinvaxem trong chương trình tiêm chủng mở rộng. |
“Tại tỉnh, chương trình tiêm chủng mở rộng được triển khai chặt chẽ, an toàn, đúng quy trình, quy định đề ra. Thời gian qua, Gia Lai không ghi nhận trường hợp phản ứng nặng nào sau tiêm vắc xin Quinvaxem cũng như tử vong xảy ra. Tuy vậy, Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh cũng đã yêu cầu các đơn vị tiêm chủng theo dõi chặt chẽ hơn nữa, tăng cường hoạt động khám, sàng lọc, cấp cứu sau tiêm; đảm bảo an toàn tiêm chủng…”-ông Bắc cho biết thêm.
Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh Võ Gia Bắc khuyến cáo: Hiện nay, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, một số bệnh đã và đang quay trở lại như: lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván… Việc tiêm phòng sẽ giúp trẻ phòng bệnh, tạo miễn dịch cho trẻ. Nếu không được tiêm phòng, trẻ sẽ dễ mắc phải các bệnh trên và nguy cơ tử vong cũng sẽ rất cao. Vì vậy, các bậc phụ huynh cần cho trẻ tiêm chủng đúng lịch và đủ liều theo quy định để phòng bệnh một cách hiệu quả nhất.
Như Nguyện