Chỗ được xem là khó và nhạy cảm trong sắp xếp tổ chức bộ máy như Bộ Công an đã làm được thì những nơi khác không có cớ gì để nói không.
Nguyên Vụ trưởng Vụ Tổ chức Điều lệ, Ban Tổ chức TƯ Nguyễn Đức Hà chia sẻ với VietNamNet về việc Bộ Công an bỏ cấp tổng cục, sắp xếp lại bộ máy.
Nếu Bộ Công an sắp xếp lại theo mô hình mới thì có thể nói là rất quyết liệt, hiệu quả rất cao. Nhưng từ đó chúng ta thấy rằng, rõ ràng trong thời gian dài, tổ chức bộ máy của Bộ phình ra quá lớn và thực sự chồng chéo về chức năng.
Thứ nhất là phình ra quá nhiều cấp trung gian, có đến 6 tổng cục. Như vậy dưới tổng cục có các cục, các vụ trực thuộc, là thêm 1 tầng nấc trung gian.
Thứ 2, bộ máy như vậy rất chia cắt. Cùng việc quản lý hồ sơ cán bộ trong Bộ Công an nhưng vừa có Cục Quản lý hồ sơ cảnh sát, lại có Cục Quản lý hồ sơ an ninh. Hay như Tổng cục An ninh, Tổng cục Cảnh sát và Tổng cục Tình báo đều có Cục Kỹ thuật. Đáng lẽ chỉ mua một cái máy thì lại phải mua 3 máy cho 3 tổng cục vừa tốn tiền, vừa tốn người sử dụng.
Từ năm 2011 cả nước chỉ có 21 tổng cục nhưng đến 2017, con số này là 42, tăng gấp đôi và rõ ràng tăng tầng nấc trung gian.
Cứ thêm 1 tổ chức là thêm 4 thứ: đinh, điền, tiền, triện. Tức là thêm người, thêm phòng ốc, thêm chi ngân sách và thêm con dấu, văn phòng, thủ quỹ, thủ kho…
Giờ Bộ Công an bỏ 6 tổng cục, giảm trên dưới 60 cục, giảm khoảng 300 phòng và gần như 20 Sở PCCC hợp nhất vào Công an tỉnh. Từ đó liên quan đến biên chế giảm nhiều như thế nào.
Nguyên Vụ trưởng Vụ Tổ chức Điều lệ, Ban Tổ chức TƯ Nguyễn Đức Hà. |
Theo ông, việc Bộ Công an mạnh dạn cắt bỏ cấp trung gian như vậy có ý nghĩa như thế nào trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết TƯ 6 về sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực hiệu quả?
Với tinh thần quyết liệt như Bộ Công an, các cấp, các ngành đang thực hiện Nghị quyết TƯ 6 khá mạnh mẽ, đồng bộ cả TƯ và địa phương. Cả hệ thống tổ chức Đảng cũng phải giảm mạnh.
Trước mắt là thôi 3 Ban chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nam, Tây Nguyên. Đảng uỷ ngoài nước tới đây nhập với Đảng uỷ Bộ Ngoại giao, thống nhất công tác Đảng ngoài nước với hoạt động đối ngoại.
Tất cả cơ quan đơn vị từ QH, Chính phủ đến các ngành, các ban đảng việc đầu tiên phải làm là rà soát lại chức năng nhiệm vụ của mình xem cái gì một việc chỉ một cơ quan chịu trách nhiệm chính. Nếu có việc, nhiều bên cùng làm thì phải tập trung vào một đầu mối để chức năng nhiệm vụ không còn chồng chéo.
Thứ 2 là phải đảm bảo nguyên tắc 1 cơ quan tổ chức có thể làm nhiều việc nhưng 1 việc chỉ 1 cơ quan tổ chức chủ trì và chịu trách nhiệm chính.
Sau đó tiến tới giảm mạnh cấp trung gian, làm mạnh cấp phó, giảm mạnh lãnh đạo, khắc phục chồng chéo về chức năng nhiệm vụ.
Thời gian qua chỉ mới làm bước đầu thực hiện tinh gọn bộ máy mà nhiều cơ quan bộ ngành, địa phương đã giảm được nhiều tổ chức bên trong, một số tỉnh đã sáp nhập Sở GTVT, Sở Xây dựng…
Giảm phòng ốc, giảm lương, giảm xe
Theo ông, việc Bộ Công an bỏ 6 tổng cục, giảm 60 đơn vị cấp cục, giảm gần 300 đơn vị cấp phòng; sắp xếp 20 Sở Cảnh sát PCCC giảm hơn 500 đơn vị cấp phòng và gần 1.000 đơn vị cấp đội sẽ giảm được bao nhiêu biên chế, tiết kiệm ngân sách như thế nào?
Bây giờ chưa ai nói được con số tiết kiệm bao nhiêu triệu, bao nhiêu tỉ cả nhưng rõ ràng tổ chức bộ máy mới của Bộ Công an chắc chắn giảm rồi.
Ví dụ trước nay có 6 Tổng cục thì có 6 ông Tổng cục trưởng mà đã Tổng cục trưởng thì phải cấp trung tướng. Như vậy không còn 6 Trung tướng làm Tổng cục trưởng nữa. Ngoài ra, mỗi tổng cục còn có các tổng cục phó, nếu không còn tổng cục nữa thì các tổng cục phó này cũng không còn nữa.
Kéo theo đó là giảm phòng ốc, giảm lương, giảm xe... 3 cục còn 1 cục thì chỉ cần 1 phòng cục trưởng. Đấy là những cái giảm mà ta có thể thấy rõ.
Phải nói là việc bỏ cấp tổng cục vừa qua cho thấy sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt của Bộ Công an trong thực hiện Nghị quyết TƯ 6. Chỗ được xem là khó và nhạy cảm như thế đã làm được thì những cơ quan khác, bộ ngành, địa phương khác không có cớ gì để nói không làm được.
Thu Hằng (Vietnamnet)