Ngày 19.6, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, qua theo dõi, phân tích hiện trạng hệ thống thời tiết và các sản phẩm dự báo, khoảng ngày 22 - 23.6, trên khu vực bắc và giữa Biển Đông có khả năng hình thành một vùng áp thấp.
Ảnh vệ tinh khu vực Biển Đông |
Vùng áp thấp này sau đó mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới khoảng 65 - 75% và mạnh lên thành bão khoảng 20 - 30%
Khoảng ngày 23 - 25.6, áp thấp nhiệt đới/bão có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực bắc và giữa của Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) và khu vực vịnh Bắc bộ.
Do ảnh hưởng của vùng áp thấp, sau có thể mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới/bão, khu vực bắc và giữa Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) từ ngày 23 - 25.6 thời tiết chuyển xấu.
Như vậy, đây sẽ là cơn áp thấp nhiệt đới/bão thứ 2 của nước ta trong năm 2024. Trước đó, cơn bão số 1 của năm 2024 hình thành vào ngày 31.5 rồi đổ bộ vào Trung Quốc.
Cơ quan khí tượng dự báo, từ nay đến tháng 9, trên Biển Đông có khả năng xuất hiện khoảng từ 5 - 7 cơn bão, áp thấp nhiệt đới; trong đó có khoảng 2 - 3 cơn đổ bộ vào đất liền. Đề phòng khả năng bão, áp thấp nhiệt đới hình thành ngay trên khu vực Biển Đông.
Ngoài ra, do ảnh hưởng của gió mùa tây nam đang có xu hướng hoạt động mạnh, ở khu vực giữa và nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Bình Định đến Cà Mau, Cà Mau đến Kiên Giang và vịnh Thái Lan có mưa rào và giông mạnh. Trong mưa giông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh cấp 6 - cấp 7, đề phòng độ cao sóng có lúc tăng lên trên 2 m.
Vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau và vùng biển phía tây khu vực nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía tây quần đảo Trường Sa) có gió tây nam mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7 - cấp 8; biển động; sóng biển cao từ 1,5 - 2,5 m.
Ý kiến bạn đọc
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu