Bị mẹ mắng vì nghiện game, lấy tiền nộp học nạp card trò chơi, cậu bé 14 tuổi tại Đồng Tháp đã uống 1/4 chai thuốc trừ sâu cực độc, chưa có thuốc giải.
Nam sinh 14 tuổi nghiện game tự tử vì bị mẹ mắng. Ảnh: BVNĐTP |
Ngày 23.10, trao đổi với Lao Động, bác sĩ Nguyễn Cát Phương Vũ, khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TPHCM) cho biết, bệnh viện đang cấp cứu cho 1 trường hợp nam sinh tại Đồng Tháp ngộ độc nặng sau khi uống 1/4 chai thuốc trừ côn trùng hoạt chất Abamectin.
Bệnh nhi là một cậu bé 14 tuổi, nghiện game. Trong thời gian tạm dừng đến trường vì dịch COVID-19, nam sinh phải học online tại nhà. Mỗi lần xin mẹ tiền nạp để có 3G lên mạng học bài, cậu bé cố tình xin nhiều hơn rồi cắt xén tiền để nạp card cho game. Một ngày, người dì phát hiện sự việc và báo cho mẹ bé, khiến hai mẹ con xảy ra tranh cãi nặng nề.
Đến chiều 20.10, cậu bé chạy ra sau nhà, tu một hơi hết 1/4 chai thuốc trừ sâu hoạt chất Abamectin. Chỉ 10 phút sau, bé sùi bọt mép, co giật và nhanh chóng rơi vào hôn mê.
Phát hiện sự việc, gia đình nhanh chóng đưa bé đến bệnh viện địa phương sơ cứu, rửa dạ dày, cho uống than hoạt tính rồi chuyển lên tuyến trên gấp trong tình trạng hôn mê sâu, còn co giật liên tục, ảnh chụp CT đầu đã ghi nhận phù não rất nhiều.
Các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng Thành phố xác định loại thuốc trừ sâu bé uống thuộc nhóm chưa có thuốc giải. Hiện tại ê-kíp điều trị đang nỗ lực hồi sức thần kinh tích cực, giảm phù não, an thần, dùng vận mạch để giải quyết triệu chứng ngộ độc Abamectin nặng của bé như hôn mê, suy hô hấp, tụt huyết áp, co giật..
Theo bác sĩ Vũ, thuốc trừ sâu hoạt chất Abamectin rất độc, có thể gây cho côn trùng, ve mạt ngừng ăn và ngừng sinh trứng ngay lập tức. Cách đây vài năm đã có 20 trường hợp ngộ độc Abamectin được điều trị tại An Giang, với một nửa bệnh nhân còn trẻ. 5 bệnh nhân nặng nhất đều hôn mê sâu, có co giật, tụt huyết áp và một người không may mắn tử vong vì biến chứng suy đa tạng sau đó.
Vụ việc xảy ra vô cùng đáng tiếc, theo bác sĩ Phương Vũ, lứa tuổi thiếu niên vốn đang trong giai đoạn phát triển về tâm, sinh lí, lại chịu gánh nặng của dịch bệnh COVID-19, vì thế, cha mẹ, người thân cần dành nhiều thời gian quan tâm tới con hơn. Hành vi tự sát hoàn toàn có thể ngăn chặn được từ gia đình.
Hiện tại, bé trai vẫn còn mê man li bì. Các nhân viên y tế hi vọng bệnh nhi có thể hồi phục ngoạn mục, và mong phụ huynh sau trường hợp này hãy luôn dành thời gian để bầu bạn, chia sẻ để thấu hiểu con. Hành xử sai lầm có thể đánh mất cả một đời của trẻ.
Dấu hiệu của tự tử Theo các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, cha mẹ cần theo dõi các dấu hiệu, thay đổi của con để phòng ngừa được những sự việc đáng tiếc. Dưới đây là một số dấu hiệu cảnh báo: - Thay đổi đáng chú ý trong hành vi. - Dấu hiệu trầm cảm (khó ngủ, thay đổi cảm giác thèm ăn, cảm giác vô vọng, v.v.) - Lạm dụng rượu hoặc ma túy. - Nỗi ám ảnh về cái chết. - Suy giảm hiệu suất hoặc tham gia các hoạt động. - Hành động liều lĩnh hoặc có hành vi tự sát. - Cho đi tài sản quý giá. - Mua hàng bất thường (vũ khí, dây thừng, thuốc). - Hạnh phúc bất chợt sau một cơn trầm cảm kéo dài. - Nói về việc tự tử hoặc chết. - Rút tiền từ bạn bè hoặc gia đình hoặc nói lời tạm biệt với họ. - Những lần tự tử trước đây. - Những câu nói về sự vô vọng, vô giá trị, bất lực. - Không có khả năng tập trung hoặc khó ghi nhớ. - Đau mãn tính hoặc thường xuyên phàn nàn về các triệu chứng thể chất. |
Theo Huyên Nguyễn (LĐO)