Ấm lòng thiếu nhi vùng khó

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Hưởng ứng Tháng Hành động vì trẻ em và Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1-6, những ngày qua, Hội Bảo trợ người khuyết tật và Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa, trong đó có chương trình tặng quà cho trẻ em khuyết tật, trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn tại 2 huyện Kông Chro và Đak Pơ.
Không quản ngại đường sá xa xôi, Hội Bảo trợ người khuyết tật và Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh đã mang những phần quà gồm: bánh kẹo, dầu ăn, đường, sữa, hạt nêm, bột ngọt và 200 ngàn đồng tiền mặt đến trao tận tay trẻ em khuyết tật, trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn các xã vùng sâu, vùng xa. Tuy giá trị vật chất không lớn nhưng sự quan tâm chia sẻ này đã mang lại niềm vui, nguồn động viên tinh thần không nhỏ đối với các em, giúp các em cùng gia đình đón một cái Tết Thiếu nhi ấm áp, nghĩa tình.
Đưa con đến nhận quà tại trụ sở UBND xã An Trung (huyện Kông Chro), chị Đinh Thị Khăn (làng Sơ Rơn, xã Chư Krêy) xúc động bày tỏ: “Nhà nghèo, không có đất sản xuất, vợ chồng tôi phải đi làm thuê, tiền kiếm được cũng chỉ đủ lo cơm nước cho gia đình. Khi được xã thông báo đến nhận quà, tôi mừng lắm!”. Cùng chung niềm phấn khởi, em Đinh Thị Nhuir (lớp 7A, Trường Tiểu học và THCS An Trung) bày tỏ: “Nhận được quà của cô chú, cháu rất vui. Cháu hứa sẽ cố gắng học tốt để không phụ lòng ba mẹ, thầy cô, các cô, chú đã yêu thương giúp đỡ”.
Tặng quà cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn huyện Đak Pơ. Ảnh: H.P
Tặng quà cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn huyện Đak Pơ. Ảnh: H.P
Hoạt động thăm, tặng quà cho thiếu nhi vào dịp 1-6 ở huyện Đak Pơ cũng diễn ra trong không khí ấm áp. Thông qua Hội Bảo trợ người khuyết tật và Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm đã dành tặng hàng trăm suất quà cho trẻ em khuyết tật, trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. Với Hội Bảo trợ người khuyết tật và Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh, đây là hoạt động có ý nghĩa thiết thực được tổ chức hàng năm vào dịp 1-6 nhằm động viên, khích lệ các em có thêm động lực phấn đấu vươn lên, đồng thời thể hiện sự quan tâm của các cấp, các ngành, các địa phương đối với trẻ em, nhất là những em đang chịu nhiều thiệt thòi trong cuộc sống.
Ông Trương Đình Ba-Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật và Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh-cho biết: Nguồn kinh phí quyên góp đã được sử dụng đúng mục đích, đúng đối tượng, qua đó phát huy vai trò của cộng đồng trong việc chung tay bảo vệ, chăm sóc, tạo điều kiện để các em vượt qua mặc cảm, cố gắng vượt khó để trở thành người có ích cho gia đình và xã hội.
“Thời gian tới, Hội Bảo trợ người khuyết tật và Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh sẽ tiếp tục chăm lo cho trẻ em, nhất là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở vùng sâu, vùng xa; thường xuyên thăm hỏi, tặng quà nhân các ngày lễ, Tết; tham mưu, lập kế hoạch vận động các cơ quan, đơn vị, nhà hảo tâm tăng cường hỗ trợ để có thêm nguồn quỹ nhằm giúp đỡ được nhiều trẻ em hơn nữa”-ông Ba nhấn mạnh.
HÀ PHƯƠNG

Có thể bạn quan tâm

Hành trình từ kình ngư Ánh Viên trở thành hot TikToker

Hành trình từ kình ngư Ánh Viên trở thành hot TikToker

Tại 'TikTok Awards Việt Nam 2024', kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên có tên trong danh sách đề cử hạng mục Nhà sáng tạo nội dung thể thao của năm. Cựu vận động viên có những chia sẻ thú vị về hành trình trở thành TikToker để lan tỏa niềm đam mê bơi lội đến mọi người.

Tài năng “nhí” làng Bok Ayơl

Tài năng “nhí” làng Bok Ayơl

(GLO)- Hình ảnh cậu bé Husy (11 tuổi, làng Bok Ayơl, xã Hra, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) đứng trên sân khấu say sưa diễn tấu tiết mục “Độc tấu t’rưng-Buôn làng ấm no” tại Liên hoan tuyên truyền lưu động toàn tỉnh lần thứ III diễn ra hồi tháng 10 vừa qua đã để lại ấn tượng thật khó phai.

Những đứa trẻ… không tuổi thơ

Những đứa trẻ… không tuổi thơ

Không được đến trường, những đứa trẻ từ 5-10 tuổi ăn mặc lem luốc lượn lờ khắp nơi xin tiền người đi đường, bất kể trời mưa nắng. Không có tuổi thơ, giờ chúng là “phương tiện” để người lớn kiếm tiền trên lòng thương cảm của người khác.