Tôn vinh hạnh phúc gia đình

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Bạn sẽ chọn khoảnh khắc hạnh phúc nào bên gia đình để lưu giữ thật sâu trong ký ức? Để mỗi khi khó khăn trên đường đời cần đến một điểm tựa, khoảnh khắc dấu yêu đó sẽ vực dậy tinh thần, tiếp thêm sức mạnh cho bạn vững vàng bước tiếp. Đó là thông điệp mà cuộc thi ảnh “Khoảnh khắc gia đình hạnh phúc” do Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh Gia Lai tổ chức từ ngày 23 đến 30-5.
Cuộc thi đã thu hút đông đảo hội viên phụ nữ trong tỉnh tham gia với hàng trăm bức ảnh ghi lại những khoảnh khắc đáng nhớ về hạnh phúc gia đình. Đó là những bức ảnh đã được lựa chọn ở cấp huyện để tiếp tục dự thi cấp tỉnh. Hội LHPN tỉnh chính thức mở cổng bình chọn “Bức ảnh được yêu thích nhất” trong số 60 tác phẩm xuất sắc gửi về từ các huyện, thị xã, thành phố và đơn vị lực lượng vũ trang tỉnh đăng trên trang facebook “Hội Lhpn Gia Lai”.
Lan tỏa tình yêu thương
Ghi lại khoảnh khắc 3 thế hệ mẫu hệ Jrai nơi gian bếp nhà sàn trong sinh hoạt đời thường, mẹ nhặt lá mì, bà chơi cùng cháu nhỏ, bức ảnh của gia đình chị Rơ Ô H’Cháo (buôn Du, xã Chư Rcăm, huyện Krông Pa) lay động người xem bởi sự giản dị, gần gũi. Chị Rơ Ô H’Cháo chia sẻ thông điệp bức ảnh: “Hạnh phúc không phải là nhà cao cửa rộng, quần áo xa hoa, lộng lẫy mà quanh góc bếp, nhìn đấng sinh thành khỏe mạnh, các con thơ dần khôn lớn, ríu rít vui tươi bên ông bà, cha mẹ, học hỏi ông bà nghề truyền thống của dân tộc. Gia đình là nguồn sức mạnh, là điểm tựa vững chãi nâng đỡ ta trong những phút yếu lòng. Nhưng để sống hạnh phúc và hòa thuận thì cần biết nhường nhịn, chia ngọt sẻ bùi, thấm nhuần đạo lý của dân tộc”.
Khoảnh khắc “A bố về” của gia đình chị Vũ Thị Thanh Nga (thôn Hưng Hà, xã Phú Cần, huyện Krông Pa) lại tràn ngập niềm vui của sự đoàn tụ. Có chồng là bộ đội nên với chị Nga: “Hạnh phúc đôi khi chỉ đơn giản là trở về nhà, gia đình đoàn tụ sau chuỗi ngày cách xa. Trước bối cảnh dịch Covid-19 hoành hành, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, cán bộ, chiến sĩ quân đội đã xung kích, tích cực tham gia lực lượng tuyến đầu tại các khu cách ly. Sau hơn một năm ròng rã, các chiến sĩ được trở về nhà trong niềm vui vỡ òa, các con được gặp cha, vợ được gặp chồng, trao nhau những tiếng cười giòn tan và ánh mắt trìu mến. Chỉ bấy nhiêu đó đã xua tan bao mệt mỏi, cực nhọc và nỗi nhớ mong, để càng trân quý những khoảnh khắc bên nhau”. Chị Nguyễn Phương Thúy-hội viên Hội Phụ nữ Bộ đội Biên phòng tỉnh có chồng và con gái đều là những người lính mang quân hàm xanh, không phải lúc nào cũng có thể gặp mặt đầy đủ cả gia đình. Vì vậy, bức ảnh cả gia đình chụp trước căn nhà yêu dấu được chị chọn là khoảnh khắc hạnh phúc nhất với ý nghĩa của sự đoàn viên, sum vầy.
Ảnh dự thi “Khoảnh khắc gia đình hạnh phúc” của chị Rơ Ô H’Cháo (buôn Dù, xã Chư Rcăm, huyện Krông Pa).
Ảnh dự thi “Khoảnh khắc gia đình hạnh phúc” của chị Rơ Ô H’Cháo (buôn Dù, xã Chư Rcăm, huyện Krông Pa).
Chọn khoảnh khắc cả gia đình cùng nhau thả diều dưới bầu trời trong xanh, chị Mai Thị Tâm (thôn An Điền Nam, xã Cửu An, thị xã An Khê) chia sẻ ý nghĩa bức ảnh: “Gia đình mãi là điểm tựa vững chắc để đưa con bay cao và vươn xa như những cánh diều no gió”. Trong khi đó, hình ảnh gia đình trong một buổi làm vườn, cuốc đất trồng cây xanh của gia đình chị Tôn Thị Thúy Diễm (đường Hoàng Sa, xã Diên Phú, TP. Pleiku) lại toát lên niềm vui lao động và sự gắn kết yêu thương. Ấn tượng hơn cả là những đứa trẻ tràn ngập niềm hạnh phúc với cây cỏ, thiên nhiên. Chị Diễm chia sẻ: “Sau mỗi chiều tất bật với công việc ngoài xã hội, gia đình tôi lại quây quần trong khu vườn nhỏ, cùng nhau hái rau, nhổ cỏ. Ba cuốc thêm luống đất trồng rau muống, mẹ cấy đám cải xanh, con trai nhỏ hái mồng tơi để chiều tối mẹ nấu nồi canh cua, con gái hái vài quả cà chua để mẹ kho cá, tất cả sự yêu thương gói gọn và thể hiện qua bức ảnh này. Bức ảnh cũng thay cho lời muốn nói rằng gia đình là món quà thiêng liêng và quý giá nhất đối với tôi”.
Khoảnh khắc “Nụ cười hạnh phúc” lại là một khía cạnh khác của hạnh phúc gia đình. Đó là nụ cười của 3 người phụ nữ Jrai bên sân lúa rẫy vừa thu hoạch của mẹ con chị Ksor Ly (làng Ngai Ngó, xã Ia Hrung, huyện Ia Grai). “Từ xa xưa, Tây Nguyên đã có truyền thống trồng lúa rẫy. Không đơn thuần là cây lương thực nuôi sống con người, lúa rẫy còn thể hiện văn hóa của đồng bào Tây Nguyên nói chung và người Jrai nói riêng. Cả gia đình tôi hạnh phúc khi được cùng chăm sóc và thu hoạch những hạt ngọc trời này. Tôi rất yêu nụ cười gia đình mình vào mỗi vụ bội thu”-chị Ly nói về ý nghĩa bức ảnh.
Tôn vinh giá trị gia đình Việt
Mỗi bức ảnh là sự tôn vinh giá trị của hạnh phúc, lan tỏa một câu chuyện ý nghĩa về tình yêu thương trong gia đình. Qua đó, người xem còn cảm nhận sự thiêng liêng của tổ ấm trong việc trao truyền các giá trị tốt đẹp văn hóa người Việt. Khoảnh khắc gia đình chị Đinh Thị Hyam (làng Chiêng, thị trấn Kbang) với việc cha đan lát, mẹ dệt thổ cẩm, con ngồi học bài tưởng rời rẽ nhưng lại hài hòa gắn bó và ấm cúng. Khoảnh khắc hạnh phúc của gia đình Bahnar còn toát lên vẻ đẹp của văn hóa, của giá trị truyền thống được kế thừa qua trang phục dân tộc, nghề thủ công truyền thống, không gian sinh hoạt dưới nếp nhà sàn… khiến người xem khó để từ chối một nút like. “Gia đình luôn là nơi bảo tồn, lưu giữ các giá trị văn hóa tốt đẹp các dân tộc nói chung và của đồng bào Bahnar nói riêng. Hiểu được giá trị đó, chúng tôi luôn xem gia đình là trường học đầu tiên để hình thành nhân cách cho con cái, đề cao vai trò của cha mẹ trong việc giáo dục con cái gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình”-chị Hyam chia sẻ thông điệp của bức ảnh.
Gia đình là nơi trao truyền các giá trị tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Ảnh: NVCC
Gia đình là nơi trao truyền các giá trị tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Ảnh: NVCC
Nhiều bức ảnh dự thi đã chạm đến cảm xúc của người xem bởi khoảnh khắc gia đình hạnh phúc đều quá đỗi giản dị, bình yên, không cần kiếm tìm đâu xa. Bà Vũ Thị Bích Ngọc-Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh-nhận xét: “Điểm chung của các bức ảnh dự thi đó là gia đình đều ý thức mạnh mẽ và đề cao giá trị của hạnh phúc, truyền thống văn hóa của gia đình Việt. Đó cũng chính là nguồn cội để hun đúc và hình thành nên nhân cách, cá tính, tình cảm của mỗi con người. Ngoài bức ảnh được yêu thích nhất do khán giả bình chọn, Ban giám khảo sẽ chấm điểm, chọn ra những bức ảnh đẹp, chuyển tải được nhiều nhất ý nghĩa nhân văn của cuộc thi để trao giải vào ngày 28-6 gắn với “Diễn đàn phụ nữ Gia Lai chung tay vun đắp giá trị gia đình Việt Nam”.
MINH CHÂU

Có thể bạn quan tâm

Tài năng “nhí” làng Bok Ayơl

Tài năng “nhí” làng Bok Ayơl

(GLO)- Hình ảnh cậu bé Husy (11 tuổi, làng Bok Ayơl, xã Hra, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) đứng trên sân khấu say sưa diễn tấu tiết mục “Độc tấu t’rưng-Buôn làng ấm no” tại Liên hoan tuyên truyền lưu động toàn tỉnh lần thứ III diễn ra hồi tháng 10 vừa qua đã để lại ấn tượng thật khó phai.

Đoàn xã Chư Răng khánh thành và bàn giao công trình thanh niên "Thắp sáng đường quê", chung tay xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Ảnh: Vũ Chi

Tuổi trẻ Ia Pa chung tay xây dựng nông thôn mới

(GLO)- Hưởng ứng phong trào “Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới”, đoàn viên, thanh niên huyện Ia Pa (tỉnh Gia Lai) đã huy động các nguồn lực, triển khai nhiều công trình, phần việc, chung tay xây dựng nông thôn mới và thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội địa phương.

Những đứa trẻ… không tuổi thơ

Những đứa trẻ… không tuổi thơ

Không được đến trường, những đứa trẻ từ 5-10 tuổi ăn mặc lem luốc lượn lờ khắp nơi xin tiền người đi đường, bất kể trời mưa nắng. Không có tuổi thơ, giờ chúng là “phương tiện” để người lớn kiếm tiền trên lòng thương cảm của người khác.

Đường vào Harvard của nữ sinh 18 tuổi

Đường vào Harvard của nữ sinh 18 tuổi

Từng chỉ nói tiếng Anh bập bẹ khi sang Mỹ, nhưng Lê Nguyễn Nhật Hạ đã có sự thay đổi ngoạn mục. Cô bạn tốt nghiệp thủ khoa Trường THPT North Dallas ở bang Texas và hiện tại đang là tân sinh viên ĐH Harvard (Mỹ).

Nữ sinh chinh phục học bổng trị giá 6 tỉ đồng

Nữ sinh chinh phục học bổng trị giá 6 tỉ đồng

Phạm Ngọc Trúc Linh (18 tuổi, quê Hà Tĩnh) đã thành công chinh phục học bổng toàn phần trị giá 360.000 AUD (tương đương 6 tỉ đồng) từ Trường ĐH Monash (Úc). Được biết, Linh là một trong số ít ứng viên nhận được suất học bổng của trường đại học này dành cho thí sinh quốc tế.

Lắng nghe trẻ em nói

Lắng nghe trẻ em nói

Phiên họp giả định Quốc hội trẻ em lần thứ 2 - năm 2024 là một sự kiện quan trọng, có ý nghĩa to lớn đối với thiếu nhi VN; khẳng định sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em.

Chàng trai nói về cách học để đạt thủ khoa kép

Chàng trai nói về cách học để đạt thủ khoa kép

Nguyễn Hữu Hưng, sinh viên Khoa Văn học Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, là thủ khoa tốt nghiệp đại học toàn trường với điểm trung bình tích lũy toàn khóa 9.2/10. Trước đó, nam sinh này cũng là thủ khoa toàn quốc khối C00 trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020.
Chắp cánh “tài năng nhí”

Chắp cánh “tài năng nhí”

(GLO)- Chung kết tìm kiếm tài năng nhí năm 2024 diễn ra tối 31-8 tại TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) đã tìm ra những gương mặt có triển vọng trong lĩnh vực nghệ thuật. Khởi đi từ sân chơi này “đánh thức” tài năng bên trong mỗi đứa trẻ, ươm mầm và chắp cánh cho ước mơ của các con được bay xa hơn.