(GLO)- Mức vay tối đa 50 triệu đồng, lãi suất bằng 50% lãi suất cho vay hộ nghèo, thời hạn cho vay tối đa 10 năm. Đây là bước điều chỉnh mới nhất của Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam trong thực hiện cho vay phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi (giai đoạn 2017-2020).
Nguồn vốn chính sách gắn với mục tiêu giảm nghèo
Đối với địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ rất lớn- đơn cử như huyện Kbang thì nguồn vốn chính sách xã hội đóng vai trò rất quan trọng, tác động rất lớn đến mục tiêu giảm nghèo cũng như góp phần vào chương trình xây dựng nông thôn mới của địa phương.
VBSP Kbang đang tổ chức phiên giao dịch định kỳ tại xã Kông Lơng Khơng. Ảnh: Sơn Ca |
Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam (VBSP) Chi nhánh Kbang được xem là kênh tín dụng ưu đãi lớn nhất dành cho bà con dân tộc thiểu số (DTTS). Thông qua mạng lưới 208 tổ vay ủy thác hoạt động tích cực từ thị trấn đến các xã đặc biệt khó khăn, dòng chảy tín dụng của VBSP đã trở thành nguồn lực quan trọng hỗ trợ hộ nghèo và các đối tượng chính sách đầu tư sản xuất hoặc cải thiện sinh kế hiệu quả. Từ đó góp phần rút ngắn khoảng cách về thu nhập cũng như chênh lệch giàu nghèo ở khu vực nông thôn. VBSP Kbang đã phối hợp chặt chẽ với Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên nhằm nâng cao chất lượng hoạt động ủy thác. Đây chính là mắc xích cực kỳ quan trọng bởi gần 250 tỷ đồng dư nợ (chiếm 99,96% tổng dư nợ của Chi nhánh) hiện do các Hội, đoàn thể quản lý với mạng lưới 208 tổ vay ủy thác/7.729 hộ vay, 10.489 kế ước.
“Để thay đổi nếp nghĩ cách làm, dần dần xóa bỏ tư tưởng trông chờ ỷ lại vào Nhà nước thì công tác tuyên truyền vận động được đặt lên hàng đầu-nhất là ở địa bàn mà 65% dân số là người bản địa như xã Kông Lơng Khơng. Mỗi quý, mỗi tháng thì cả hệ thống chính trị cơ sở phối hợp với bên ngân hàng xuống từng thôn, làng nắm bắt tình hình, hỗ trợ bà con từ cách sử dụng vốn vay đến phương thức trả lãi, trả nợ như thế nào. Nhờ vậy mà tư tưởng, nhận thức người dân địa phương thay đổi rõ rệt, đời sống ngày một tốt hơn khi chí thú làm ăn, số hộ nghèo trong xã giảm được 232 hộ/1.039 hộ nghèo năm vừa rồi”-ông Đinh Văn Vinh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Kông Lơng Khơng cho biết. Đây cũng là xã có chất lượng tín dụng rất tốt, hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích và đầu tư vốn mang lại hiệu quả; tỷ lệ thu nợ-thu lãi đạt 100%, không có nợ quá hạn, nợ xấu. Riêng Hội Nông dân đang quản lý 7,6 tỷ đồng dư nợ/265 hộ vay. Từ nguồn vốn vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn. Có vốn vay VBSP Kbang, bà con Bahnar bản địa và các dân tộc anh em đã mạnh dạn đầu tư cho cây mía theo hướng chuyên canh diện tích lớn, nuôi bò sinh sản hoặc vay vốn chuyển đổi sang nghề thợ xây như hộ Đinh Bơi (làng Or) để tăng thêm thu nhập cho gia đình. Nhờ có nguồn vốn chính sách, đa phần mặt bằng chung của hộ vay là đã thoát nghèo và mong muốn được nâng mức vay cao hơn để tiếp tục đầu tư sản xuất.
Bước chuyển mới trong chính sách tín dụng ưu đãi
Trong những năm qua, các chương trình tín dụng mà VBSP Gia Lai đã thực hiện như cho vay hộ DTTS đặc biệt khó khăn theo Quyết định 54/2012, cho vay hộ DTTS đặc biệt khó khăn theo Quyết định 32/2017, cho vay hộ DTTS nghèo, đời sống khó khăn theo Quyết định 755/2013 đã mang lại hiệu quả nhất định khi từng bước hỗ trợ bà con nghèo DTTS giải quyết khó khăn, cải thiện thiện đời sống, góp phần giảm dần chênh lệch trong phát triển giữa các vùng miền. Theo thống kê sơ bộ của VBSP Gia Lai, doanh số cho vay của 3 chương trình qua các thời kỳ đạt 79,986 tỷ đồng/8.609 hộ vay; cho đến thời điểm hiện nay, tổng dư nợ còn 63,812 tỷ đồng/5.832 hộ dư nợ.
Căn cứ Quyết định số 2085/QĐ-TTg ngày 31-10-2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2017-2020”; Thông tư số 02/2017/TT-UBDT ngày 22-5-2017 của Ủy ban Dân tộc hướng dẫn thực hiện Quyết định số 2085/QĐ-TTg; Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam đã có văn bản hướng dẫn nghiệp vụ cho vay phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2017-2020. Theo đó, đối tượng khách hàng được thụ hưởng chính sách vay vốn này là hộ DTTS nghèo, hộ nghèo (gồm cả dân tộc Kinh) ở xã khu vực vùng III, thôn đặc biệt khó khăn được vay vốn để tạo đất sản xuất, chuyển đổi nghề hoặc phát triển sản xuất kinh doanh. Mức vay tối đa là 50 triệu đồng, thời hạn cho vay tối đa 10 năm, lãi suất cho vay bằng 50% lãi suất cho vay hộ nghèo trong từng thời kỳ.
Trao đổi thêm về những thay đổi trong chính sách cho vay ưu đãi này, ông Nguyễn Đình Lý-Trưởng phòng Kế hoạch nghiệp vụ (VBSP Gia Lai) cho biết: Trong những giai đoạn trước, mức vay hộ DTTS đặc biệt khó khăn rất thấp, trước năm 2013 là 5 triệu đồng/hộ; từ 2013-2015 nâng lên 8 triệu đồng/hộ; từ 2016 đến nay là 15 triệu đồng/hộ; thời hạn cho vay là 5 năm. Các hộ vay chương trình này chủ yếu là hỗ trợ đất sản xuất, chăn nuôi, chuyển đổi ngành nghề. Như vậy, sự thay đổi mới về mức vay, thời hạn, lãi suất theo Quyết định 2085 có thể xem là đột phá khi mức vay tối đa 50 triệu đồng nhưng lãi suất chỉ bằng 50% lãi suất cho vay hộ nghèo. Điều này sẽ góp phần giải quyết thỏa đáng những tồn tại, vướng mắc trước đây, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho hộ vay trong sử dụng vốn. Hiện nay, Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh đang chờ Ban Dân tộc tỉnh hoàn tất việc rà soát, xác định đối tượng theo Đề án. Căn cứ vào Đề án đã được phê duyệt, ngân hàng sẽ thực hiện cho vay theo danh sách.
Sơn Ca