(GLO)- Không chỉ hạn hán triền miên, các công trình thủy lợi luôn thiếu nước phục vụ sản xuất rồi mưa bão, lũ lụt bất thường... mà ở Tây Nguyên giờ đây ngay cả một thứ tưởng như không bao giờ cạn cũng đến lúc phải gióng lên hồi chuông khẩn báo mức nguy cấp: cả nước mặt và nước ngầm!
Vài thập niên gần đây, thời tiết Tây Nguyên thay đổi đến lạ thường. Mọi năm, đến tháng 4, tháng 5 là bắt đầu vào mùa mưa, tháng 7, tháng 8 mưa dầm để đến khoảng tháng 10, tháng 11 chuyển sang mùa khô. Vậy mà trong những năm gần đây, hầu như cứ đến giữa mùa khô thì các giếng đều cạn, nhiều công trình thủy lợi trơ đáy. Người dân các huyện: Krông Pa, Ia Pa phải ra bờ sông đào sâu xuống dưới cát để gạn, chắt lọc lấy nước gùi về dùng.
Nhiều diện tích cà phê của các hộ dân ở xã Ia Pnôn (huyện Đức Cơ) bị khô cháy vì nắng hạn trong năm 2020. Ảnh: Phạm Ngọc |
Theo Viện Khoa học Kỹ thuật Nông-Lâm nghiệp Tây Nguyên thì dòng chảy nằm ở các sông thuộc khu vực Tây Nguyên nhỏ hơn trung bình nhiều năm từ 10% trở lên, cá biệt có nơi hụt tới 50-60%, nhất là những năm có hiện tượng El Nino. Tây Nguyên hiện có đến hàng trăm công trình thủy điện lớn nhỏ xây dựng trên hệ thống sông Sê San như: Ia Ly, Sê San 3, Sê San 3A, Sê San 4; trên hệ thống sông Ba: An Khê-Ka Nak, Ayun Hạ, Sông Ba Hạ; trên hệ thống sông Sêrêpôk: Buôn Tuôr, Buôn Kuôp, Sêrêpôk 3, Sêrêpôk 4, Đray Hling...
Các công trình thủy điện không chỉ làm thay đổi cấu tạo địa chất của vùng và dòng chảy mà còn làm ảnh hưởng lớn đến môi trường toàn lưu vực, đặc biệt là vùng hạ lưu. Đó là chưa kể đến thiệt hại về nguồn sinh thủy, đặc biệt là các loài cá nước ngọt do việc xây dựng đập thủy điện đã chắn đường đi của các loài cá vốn sống trên dòng chảy sông suối.
Hệ lụy của việc phát triển thủy điện và tác động của con người đã làm cho rừng Tây Nguyên bị thu hẹp đáng kể. Theo báo cáo mới đây của Bộ Nông nghiệp và PTNT, tổng diện tích có rừng của các tỉnh Tây Nguyên là hơn 2,5 triệu ha, chiếm 17,5% diện tích có rừng cả nước. Độ che phủ của rừng ở Tây Nguyên còn 45,92%, nhưng trong đó rừng nghèo và rừng nghèo kiệt chiếm tới 70%, diện tích rừng giàu và trung bình chỉ còn tập trung ở một số khu vực rừng đặc dụng và rừng phòng hộ đầu nguồn.
Trong 10 năm qua, trung bình mỗi năm, Tây Nguyên bị mất 46.267 ha rừng tự nhiên, toàn vùng có hơn 344.000 ha đất quy hoạch lâm nghiệp đang sản xuất nông nghiệp (số liệu tại hội nghị phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập trên đất lâm nghiệp vùng Tây Nguyên do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp cùng Bộ Nông nghiệp và PTNT và Tỉnh ủy Lâm Đồng tổ chức ngày 4-7-2020 tại TP. Đà Lạt).
Rừng bị mất dần không chỉ do làm thủy điện mà còn do nhu cầu lấy đất sản xuất. Trước lợi ích kinh tế mang lại của các loại cây công nghiệp dài ngày vốn phù hợp với thổ nhưỡng, tiểu vùng khí hậu, trong những năm qua, các tỉnh Tây Nguyên đã nhanh chóng tăng diện tích các loại cây cần nhiều nước tưới như: cà phê, hồ tiêu đến mức vượt quy hoạch đến năm 2020.
Tính đến nay, Tây Nguyên có hơn 550.000 ha cà phê (Đak Lak trên 200.000 ha, Lâm Đồng trên 150.000 ha, Đak Nông trên 120.000 ha...); khoảng 40.000 ha hồ tiêu (Gia Lai trên 13.000 ha, Đak Lak 11.080 ha, Đak Nông trên 10.000 ha...); ấy là chưa kể chanh dây, mắc ca, cỏ voi... là các loại cây trồng đang có xu hướng tăng diện tích ở các tỉnh Bắc Tây Nguyên. Trung bình mỗi cây cà phê cần đến 400-500 lít nước trong mỗi đợt tưới, thử hỏi, chừng ấy diện tích sẽ tiêu tốn đến bao nhiêu tỷ khối nước trong 3-4 đợt tưới?
Người dân xã Đak Hlơ (huyện Kbang) đào giếng để tìm nước tưới cho cây trồng. Ảnh: Phạm Ngọc |
Những yếu tố trên đã trực tiếp tác động đến hệ thống nước ngầm trên toàn địa bàn Tây Nguyên. Theo kết quả quan trắc của Đoàn Địa chất Thủy văn 704, tại các huyện: Krông Pak, Lak, Krông Puk (tỉnh Đak Lak) từ năm 2004 các giếng nước ngầm có thể cho khai thác 0,4-0,6 triệu m3/ngày/giếng thì hiện nay khai thác chưa đến 300.000 m3/ngày/giếng.
Tình hình này ở Gia Lai cũng không khá hơn. Theo đề tài khoa học “Đánh giá cân bằng, định hướng sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh Gia Lai” của nhóm tác giả thuộc Liên đoàn Địa chất Thủy văn miền Trung và Sở Khoa học và Công nghệ Gia Lai thì trữ lượng khai thác tiềm năng nước dưới đất theo các vùng cân bằng năm 2010 là: vùng Nam Bắc An Khê 1.451.506 m3/ngày, vùng Nam Bắc Pleiku 1.492.608 m3/ngày, vùng Nam Ayun 1.012.424 m3/ngày, vùng Ayun Pa 528.633 m3/ngày, vùng Krông Pa 532.348 m3/ngày.
Thế nhưng thực tế hiện nay, nhiều địa phương trong tỉnh do cần nước tưới cà phê, hồ tiêu nên người dân đã tự thuê mướn dịch vụ khoan giếng lấy nước ngầm tưới vườn, nhiều giếng khoan sâu đến hàng trăm mét, làm ảnh hưởng lớn đến hệ thống nước ngầm dưới lòng đất, ảnh hưởng đến cấu tạo địa chất của cả vùng. Ngay tại TP. Pleiku, năm 2005, toàn thành phố chỉ có 47 giếng khoan thì năm 2011 lên đến hơn 200 giếng, trong đó chỉ có 70 giếng được cấp phép.
Thiết nghĩ, trước thực trạng trên, chính quyền các địa phương và ngành chức năng cần triển khai ngay những giải pháp nhằm khắc phục, cụ thể là quản lý chặt chẽ việc khoan giếng lấy nước ngầm, xây dựng các nhà máy nước cung cấp cho nhu cầu sinh hoạt của người dân; xây dựng hệ thống nước thải sản xuất, sinh hoạt ở các đô thị, không cho xả thải trực tiếp ra môi trường; không mở rộng diện tích cây công nghiệp dài ngày mà thâm canh diện tích hiện có... để bảo vệ tài nguyên nước và sức khỏe của người dân.
Và vấn đề cốt lõi là phải bảo vệ tốt diện tích rừng tự nhiên hiện có, đồng thời không ngừng trồng mới đúng theo kế hoạch mà ngày 10-11-2020 Thủ tướng Chính phủ đã phát biểu đề xuất trước Quốc hội: Cả nước phải trồng được 1 tỷ cây xanh trong 5 năm tới!
THANH PHONG