Người Jrai với ẩm thực từ món lá giang

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Người Jrai ở huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai) gọi cây lá giang là hla dang. Loài thân leo này có đặc tính càng nắng nóng thì càng xanh tốt. Có lẽ vì vậy mà ở vùng đất “chảo lửa”, cây lá giang mọc hoang khắp mọi nơi và được người bản địa đưa vào ẩm thực với các món ngon độc đáo.
Người Jrai ở Krông Pa gọi lá giang là hla dang, mọc hoang dại khắp nơi ở vùng đất “chảo lửa”. Ảnh: M.C

Người Jrai ở Krông Pa gọi lá giang là hla dang, mọc hoang dại khắp nơi ở vùng đất “chảo lửa”. Ảnh: M.C

Ông Ksor Phong (buôn Jú, xã Krông Năng) làm nghề đánh cá trên dòng sông Krông Năng đã nhiều năm. Đưa chúng tôi băng qua những đám rẫy nóng bỏng dưới cái nắng mùa khô để vào phế tích Bang Keng, trên đường đi, ông chỉ cho chúng tôi loài dây leo vị chua tươi tốt. Thỉnh thoảng, ông đưa tay tuốt nắm lá giang bỏ vào miệng nhai, nói “để giải khát”.

Có những ngày thả lưới chỉ được vài con cá trắng không đủ cho vợ mang ra chợ bán, ông thường hái nắm lá giang về nấu nồi canh chua cùng vài trái ớt xanh là cả nhà có bữa ăn đủ ngon. Giữa vùng đất nắng cháy, bát canh lá giang thanh nhiệt vừa đỡ lòng đôi khi là... cứu cánh.

Sống ở vùng đất có khí hậu khắc nghiệt, nắng nóng quanh năm nên người Jrai ở vùng hạ du sông Ba dĩ nhiên có nhiều kinh nghiệm thích nghi từ những món ăn, thức uống hàng ngày.

Già làng Kpă Pryt (buôn Ia Rnho, xã Đất Bằng) kể rằng: Trong kháng chiến chống Mỹ, người dân phải rút sâu vào rừng núi để tránh địch càn quét, có những người lạc rừng được cứu khỏi những cơn khát nhờ cây lá giang.

Cũng theo ông Pryt, người dân thường dùng thân cây chuối rừng để giải khát nhưng có năm hạn nặng, cây chuối rừng trở nên hiếm. Nếu đi lạc nhiều ngày trong rừng mà không dùng lá giang ăn cầm cự với cơn khát thì sẽ nguy. Hay khi làng có lễ hội, sau những cơn say túy lúy, bát canh lá giang giúp người say giải rượu, giải nhiệt, cơ thể nhanh hồi phục.

Ông Kpă Pual (thị trấn Phú Túc) cho hay: Cây lá giang là một phần ký ức tuổi thơ của nhiều thế hệ người Jrai. Ông nói quả của cây này cũng là thức ăn vặt rất thú vị của tuổi thơ. Quả có vị chua ăn chấm với muối ớt.

“Lá giang có tính mát, tác dụng thanh nhiệt nên được người Jrai đưa vào nhiều món ăn thích nghi với khí hậu khắc nghiệt ở vùng này. Ngoài nấu canh chua, lá giang giã với đu đủ và một số gia vị làm món cà xóc là món ăn rất nổi tiếng ở vùng đất Krông Pa. Lá cây này còn có tác dụng giải độc. Nếu ăn phải quả lạ có thể dùng lá giang giã lấy nước uống giải độc”-ông Pual nói.

Ai đó đúc kết rằng thức chua cứu khẩu vị con người sau khi dư thừa mặn và béo. Vị chua kích thích mạnh vị giác và vì vậy mà những món ăn có vị chua không ngừng được khai thác, sáng tạo để làm phong phú thế giới ẩm thực.

Chẳng thế mà ở quán Vườn Mai (đường Nguyễn Viết Xuân, TP. Pleiku), lẩu gà lá giang là một trong những món best seller (bán chạy nhất) từ ngày mở cửa cho đến tận bây giờ.

Chua là 1 trong 6 vị cơ bản (gồm mặn, ngọt, cay, đắng, chát, chua). Mỗi vị có một tác dụng khác nhau đối với cơ thể. Gian bếp gia đình người Việt nói chung, bà con Jrai Krông Pa nói riêng thường có đủ vị không chỉ cho vấn đề ăn uống mà hơn cả là sức khỏe.

Có thể bạn quan tâm

Dân dã nộm rau dớn

Dân dã nộm rau dớn

Ở vùng Tây Bắc, rau dớn là loài rau mọc tự nhiên bên bìa rừng, ven suối, quanh năm xanh tốt; là nguồn thực phẩm xanh tự nhiên, sạch và bổ dưỡng. Mỗi khi đi vào rừng hay ra suối, người Tày đều hái những ngọn rau dớn xanh non mơn mởn về chế biến món ăn.

Cà phê "chill": Xu hướng tìm về sự bình yên của giới trẻ

Cà phê "chill": Xu hướng tìm về sự bình yên của giới trẻ

(GLO)- Trong nhịp sống hiện đại hối hả, cà phê "chill" trở thành không gian lý tưởng được nhiều bạn trẻ Phố núi lựa chọn để tận hưởng sự bình yên. Đây không chỉ là nơi thư giãn sau những phút giây mệt mỏi mà còn là cơ hội để họ kết nối, sẻ chia và cùng tạo dựng những khoảnh khắc đẹp.

Món cá gỏi kiến vàng của người Rơ Măm

Món cá gỏi kiến vàng của người Rơ Măm

Cá gỏi kiến vàng, với hương vị thơm ngon và sức hút đặc trưng không thể tìm thấy ở đâu khác, là món ăn truyền thống đã có từ ngàn đời nay của người dân Rơ Măm tại làng Le, xã Mo Rai, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum.