Khắp nơi phá cỗ đêm rằm Trung thu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đêm nay, trẻ em khắp nơi cùng nhau phá cỗ đêm rằm Trung thu. Rất nhiều hoạt động hấp dẫn, ý nghĩa sẽ diễn ra...

Vui trung thu cùng trẻ em nghèo vùng ngoại thành. Ảnh: LÊ THANH
Vui trung thu cùng trẻ em nghèo vùng ngoại thành. Ảnh: LÊ THANH
Những món quà chứa nhiều tình cảm
Sinh viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, TP.HCM cũng đã về các miền quê còn khó khăn để đem niềm vui đến cho trẻ em, giúp trẻ em nào cũng có cơ hội được phá cỗ đêm rằm.
Đêm 1.10, nhóm G9 - Vì nụ cười trẻ thơ tổ chức chương trình “Đêm trăng biên giới sáng mãi biên cương” đến với hơn 1.000 thiếu nhi vùng biên giới tỉnh Hà Giang. Dự kiến kinh phí trên 140 triệu đồng, được các thành viên tự gây quỹ và vận động mọi người góp sức.
Còn nhóm thiện nguyện Y Tâm (TP.HCM) sẽ tổ chức chương trình “Thắp sáng lồng đèn” dành cho trẻ em H.Tánh Linh, Bình Thuận. Đại diện nhóm cho biết hy vọng những món quà đơn giản nhưng chứa đựng nhiều tình cảm của các tình nguyện viên, thành viên nhóm, sẽ mang đến niềm vui cho thiếu nhi miền quê nghèo này.
Cũng trong đêm 1.10, có nhiều chương trình vui hội trăng rằm cho trẻ em kém may mắn và các bạn nhỏ hoàn cảnh khó khăn ở vùng biên giới xa xôi ở nhiều tỉnh thành. Thành viên các CLB tình nguyện như: CLB Kết nối yêu thương TP.HCM, CLB Dược - Y bác sĩ tình nguyện Sài Gòn, Hội thiện nguyện Trái tim yêu thương, CLB tình nguyện HOPE TP.HCM… tham gia tổ chức nhiều hoạt động cho trẻ em.
Cùng mục đích giúp trẻ em vui Tết Trung thu và giúp mọi người cùng được sống lại ký ức tuổi thơ về một trung thu rực rỡ sắc màu, nhóm tình nguyện trẻ do Lê Bảo Lan (27 tuổi, TP.HCM) cùng những người bạn quyết định tổ chức chương trình Lung linh trăng rằm cho trẻ em ở H.Phong Điền (Cần Thơ).
Lan cho biết nhóm sẽ thực hiện các gian hàng, trưng bày nhiều món đồ chơi trung thu từ truyền thống tới hiện đại, đầy màu sắc để mọi người được tìm về ký ức tuổi thơ.
Bên cạnh đó, buổi tối, trẻ em sẽ được khám phá Tết Trung thu và văn hóa VN thông qua các hoạt động như: trải nghiệm múa lân sư, giã cốm, làm bánh dẻo, nghe kể chuyện tranh về Tết Trung thu.
Ngoài ra, nhóm còn mời nhiều nghệ nhân dân gian có kinh nghiệm lâu năm hướng dẫn làm đồ chơi truyền thống như: đèn ông sao, ông sư... Qua đó, để trẻ vừa cùng nhau phá cỗ, vừa có cơ hội trân quý và giữ gìn những nét văn hóa cổ truyền.
Tôn vinh nét đẹp trung thu truyền thống
Anh Trần Duy Thành, đại diện CLB tình nguyện Trái tim yêu thương, cho biết vào chiều 1.10, các tình nguyện viên sẽ tổ chức chương trình trung thu vui rằm tháng 8 với nhiều hoạt động đặc sắc hướng đến trẻ em ở H.Mang Thít (Vĩnh Long). Theo đó, gần 400 trẻ em ở địa phương có cơ hội được tham gia các hoạt động ý nghĩa như: trò chơi đố vui về kiến thức trung thu, trò chơi dân gian, vẽ tranh, thi làm mặt nạ, cách làm đồ chơi truyền thống…
“Các hoạt động này, bên cạnh việc tôn vinh nét đẹp trung thu truyền thống của dân tộc VN còn giúp trẻ em có mùa trung thu ý nghĩa, sẽ mang đến những cảm giác thú vị cho trẻ em nói riêng, cũng như giúp người lớn có cơ hội trở về thế giới tuổi thơ của những năm xưa cũ”, anh Thành nói thêm.
Đặc biệt, các tình nguyện viên của CLB sẽ cùng trẻ em rước đèn ông sao, đèn kéo quân, múa lân... xoay quanh làng, xóm.
Cũng trong ngày 1.10, tại Đường sách TP.HCM có các sự kiện đặc trưng của Tết Trung thu như: làm lồng đèn ông sao, phát quà cho mái ấm, trưng bày triển lãm các hình ảnh về Tết Trung thu, tổ chức các trò chơi dân gian, phá cỗ cho trẻ em ở mái ấm, nhà mở...
Chương trình với tên gọi “Nhà mình có Trung thu” hứa hẹn sẽ gắn kết mọi người lại gần nhau hơn, đồng thời giúp thu hẹp khoảng cách giữa người yếu thế và người không yếu thế, giữa trẻ em có hoàn cảnh khác nhau, giữa các thế hệ ba mẹ và con, khoảng cách sau những ngày giãn cách vì dịch Covid-19. Ngoài ra, nhân dịp trung thu, các nhà xuất bản tại Đường sách TP.HCM cũng áp dụng nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá tới 50% khi mua sách thiếu nhi, sách văn học, sách nghiên cứu... cho các em thiếu nhi.
Nhà thiếu nhi TP.HCM tổ chức chương trình lễ hội “Trăng rằm tháng tám”, diễn ra từ 16 - 21 giờ trong hai ngày 30.9 và 1.10 (nhằm ngày 14 và 15.8 âm lịch) tại 36 Lê Quý Đôn (P.7, Q.3).
Đến đây, các em được tham gia phá cỗ, thi hát với nhau, tham gia các trò chơi trên sân khấu, được hướng dẫn múa dân vũ khi tham gia vào sân khấu “Đêm hội trăng rằm”. Ban tổ chức còn tặng 2.000 phần quà gồm lồng đèn và bánh trung thu cho các em thiếu nhi khó khăn đến từ các tỉnh, thành lân cận và các huyện ngoại thành TP.HCM.
Tại công viên Thỏ Trắng Lê Thị Riêng (Q.10) có lễ hội biểu diễn lân sư rồng rước đèn trung thu diễn ra ngày 1.10. Đến đây, các bạn nhỏ sẽ được nhận kẹo và chụp hình với “chú Cuội” và “chị Hằng”.
Tại công viên văn hóa Đầm Sen (Q.11), các em còn được thưởng thức con đường lồng đèn đầy màu sắc tạo nên khung cảnh vô cùng nên thơ cho công viên, trở thành địa điểm “check-in” của các bé.
Trao quà trung thu cho thiếu nhi
Ngày 30.9, T.Ư Đoàn, Hội đồng Đội T.Ư phối hợp với Thành đoàn, Hội đồng Đội TP.Hà Nội tổ chức chương trình vui Tết Trung thu tặng quà cho thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn tại Trường tiểu học Phú Nghĩa (xã Phú Nghĩa, H.Chương Mỹ, TP.Hà Nội) với sự tham dự của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Dân vận T.Ư Trương Thị Mai; Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội T.Ư Nguyễn Ngọc Lương.
Anh Nguyễn Ngọc Lương cho rằng trong thời gian vừa qua các em thiếu nhi đã gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tuy nhiên, thiếu nhi cả nước nói chung đã luôn nỗ lực, vừa cố gắng vươn lên trong học tập, vừa phòng chống dịch hiệu quả. Dịp này, ban tổ chức đã trao tặng 60 suất học bổng, 11 chiếc xe đạp..
Vũ Thơ
Theo Lê Thanh (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm

Hành trình từ kình ngư Ánh Viên trở thành hot TikToker

Hành trình từ kình ngư Ánh Viên trở thành hot TikToker

Tại 'TikTok Awards Việt Nam 2024', kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên có tên trong danh sách đề cử hạng mục Nhà sáng tạo nội dung thể thao của năm. Cựu vận động viên có những chia sẻ thú vị về hành trình trở thành TikToker để lan tỏa niềm đam mê bơi lội đến mọi người.

Tài năng “nhí” làng Bok Ayơl

Tài năng “nhí” làng Bok Ayơl

(GLO)- Hình ảnh cậu bé Husy (11 tuổi, làng Bok Ayơl, xã Hra, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) đứng trên sân khấu say sưa diễn tấu tiết mục “Độc tấu t’rưng-Buôn làng ấm no” tại Liên hoan tuyên truyền lưu động toàn tỉnh lần thứ III diễn ra hồi tháng 10 vừa qua đã để lại ấn tượng thật khó phai.

Những đứa trẻ… không tuổi thơ

Những đứa trẻ… không tuổi thơ

Không được đến trường, những đứa trẻ từ 5-10 tuổi ăn mặc lem luốc lượn lờ khắp nơi xin tiền người đi đường, bất kể trời mưa nắng. Không có tuổi thơ, giờ chúng là “phương tiện” để người lớn kiếm tiền trên lòng thương cảm của người khác.