Phố núi trong tim "khách lạ"

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Tôi đến Pleiku hồi đất nước đang bị chia cắt. Pleiku bấy giờ nhỏ bé, xinh xinh với vài con đường ngược dốc ẩn dưới những hàng thông xanh “đi dăm phút đã về chốn cũ”. Buổi sáng mùa khô đầy sương, chiều về không khí như cô đặc lại, bầu trời xuống thấp, cái lành lạnh của mùa đông như vừa đủ để ta khoác lên người chiếc áo ấm.
1. Nhà thơ Vũ Hữu Định (1942-1981) với bài thơ “Còn chút gì để nhớ”, một sáng tác về Phố núi Pleiku đã làm nên danh phận của người thi sĩ lãng du ấy. Bài thơ trở nên nổi tiếng khi được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc năm 1972, trong một lần ông ghé thăm Phố núi.
Có thể nói, nếu chỉ với bài thơ “Còn chút gì để nhớ”, dù rất hay thì cũng khó mà phổ biến rộng rãi, từ người bình dân đến công chức, ai cũng thuộc nằm lòng và đều ngâm nga vài câu mỗi khi có ai đó nhắc đến Pleiku: “Em Pleiku má đỏ môi hồng/Ở đây buổi chiều quanh năm mùa đông…”. Bài thơ của Vũ Hữu Định vốn rất hay, hợp tình hợp cảnh “may mà có em đời còn dễ thương”, ông đã lột tả được cái thần thái của Pleiku bấy giờ với những ngôn từ rất gần gũi, sống động và gửi vào đó một tình yêu thiết tha đầy lãng mạn. Chính cái chất thi ca lãng du ấy đã quyện vào một phố núi cụ thể, xa vắng “Phố núi cây xanh trời thấp thật buồn” đã làm nên một Pleiku rất riêng, không lẫn với bất cứ đô thị cao nguyên nào khác. Có lẽ chính điều đó mà nhạc sĩ tài hoa Phạm Duy đã không chần chừ phổ nhạc và được nhiều ca sĩ lừng danh thời đó hát ở mọi miền.
Khi nhạc phẩm “Còn chút gì để nhớ” được mọi người yêu mến, nhạc sĩ đã thốt lên: “Vũ Hữu Định đã đưa tôi đến với âm nhạc miền sơn cước”. Như vậy, sự hợp duyên giữa cảnh vật-con người Phố núi với thi sĩ Vũ Hữu Định và nhạc sĩ Phạm Duy đã khắc họa nên một địa danh Pleiku đi vào lòng người. Chính từ đó mà từ ghép “Phố núi” trở thành danh từ riêng để chỉ một đô thị xinh đẹp-Pleiku thân yêu mà ai đến đây rồi cũng “Còn một chút gì để nhớ để quên”.
Đô thị Pleiku hôm nay. Ảnh: Phan Nguyên
Đô thị Pleiku hôm nay. Ảnh: Phan Nguyên
2. Tôi gặp nhiều đoàn du khách đến tham quan Pleiku, dường như ai cũng nhắc đến đôi dòng ca từ: “Xin cảm ơn thành phố có em/Xin cảm ơn một mái tóc mềm…”. Điều đó chứng tỏ hình ảnh miền đất Pleiku đã đóng đinh trong trái tim mọi người và họ muốn được khám phá, chiêm nghiệm cái vẻ đẹp nguyên sơ, trong lành ấy. Bên cạnh đó, ở hồi ức, kỷ niệm của những công dân từ xứ sở cao nguyên này ra đi, dù trong nước hay ở nước ngoài, bao giờ họ cũng mang mối hoài cảm về Pleiku xưa, nơi con phố nhỏ tình thân đầy luyến lưu và chân tình.
Nhưng với TP. Pleiku hôm nay đã có quá nhiều đổi thay. Trải qua nhiều lần quy hoạch, mở rộng, đô thị Pleiku đã vươn tầm ra các hướng, phá vỡ cái không gian nhỏ hẹp “đi dăm phút” của nội đô, biến nhiều vùng đất ngoại ô trước đây thành các khu tái định cư hay khu công nghiệp rộng lớn. Các con đường chật chội nay đã được kiến thiết mở rộng với nhiều làn xe, tạo cho nội đô thông thoáng với quảng trường, công viên nhiều hơn. 
Tuy nhiên, với một đô thị cao nguyên đặc thù như Pleiku, nhiều ý kiến cho rằng, Phố núi còn thiếu những mảng xanh của các loài cây đặc thù, thiếu những công viên, hoa viên lớn. Những rặng thông già ngày xưa nay càng thưa thớt, ít thấy xuất hiện cảnh phố sương mờ… đã làm cho bao người luyến tiếc.
Theo nhiều chuyên gia về quy hoạch, một đô thị cao nguyên cần phải có lối kiến trúc phù hợp với điều kiện khí hậu và môi trường tự nhiên. Không nên có quá nhiều kiến trúc nhà hộp, cao tầng nặng nề mà ưu tiên cho loại hình nhà ở biệt thự, có diện tích đất để trồng cây xanh. Không phá vỡ thế địa hình, địa mạo mà các công trình xây dựng, cũng như nhà ở phải nương theo thế đất tự nhiên để tạo ra không gian kiến trúc riêng biệt…
Trong chiến lược phát triển đô thị Pleiku tương lai, ngoài các chỉ tiêu phấn đấu để trở thành trung tâm khu vực “Tam giác phát triển”, lãnh đạo thành phố còn đặt mục tiêu xây dựng Pleiku là điểm đến du lịch trọng tâm của tỉnh, đảm bảo các điều kiện tốt nhất về môi trường xanh-sạch-đẹp, an ninh, an toàn và thân thiện. Đầu tư, bảo tồn và xây dựng một số làng đồng bào dân tộc thiểu số ở ngoại ô theo hướng văn minh, hiện đại nhưng vẫn giữ được bản sắc văn hóa dân tộc.
Muốn đạt được là điểm đến du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước, chúng ta cần tạo ra những nét riêng từ hình thức đến nội dung của các sản phẩm du lịch. Và, điều quan trọng là phải giữ bản sắc trong tầm nhìn mới để Pleiku nay không xa rời với Pleiku xưa.
BÙI QUANG VINH