Phát triển viễn thông băng thông rộng để phục vụ nhu cầu người dân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Phát triển hạ tầng viễn thông và các dịch vụ Internet băng thông rộng nhằm phục vụ tối đa nhu cầu của người dùng là mục tiêu của ngành viễn thông trong năm 2022.
Ảnh minh họa. Nguồn: emerging-europe.com
Ảnh minh họa. Nguồn: emerging-europe.com
Trong năm 2021, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, người dân phải chuyển sang học tập, làm việc, giải trí trực tuyến nhiều hơn, nhu cầu sử dụng Internet theo đó cũng tăng cao hơn.
Đây này là cơ hội thúc đẩy ngành viễn thông phát triển nhanh hơn, song cũng đặt ra nhiều thách thức cho các đơn vị cung cấp thuê bao băng rộng cố định và di động trong nước.
Do đó, phát triển hạ tầng viễn thông và các dịch vụ Internet băng thông rộng nhằm phục vụ tối đa nhu cầu của người dùng là mục tiêu của ngành viễn thông trong năm 2022.
Đánh giá bằng trải nghiệm của người dùng
Theo ông Đoàn Quang Hoan, Tổng thư ký Hội Vô tuyến điện tử Việt Nam, người dùng gần như không quan tâm đến việc tốc độ mạng là bao nhiêu mpbs mà điều họ cần chính là sự ổn định khi trải nghiệm các dịch vụ Internet đã đăng ký. Vì thế, các nhà cung cấp dịch vụ Internet băng rộng cố định và di động cần phải phát triển các mạng lưới “có tính chất đàn hồi, chịu va đập tốt.”
Tức là, người dùng quan tâm đến sự ổn định của mạng Internet, khả năng đáp ứng nhu cầu sử dụng dữ liệu mạng (data) khi hoạt động trên môi trường mạng.
Chất lượng sóng Internet, đảm bảo độ kết nối ổn định vào thời gian cao điểm, sự tương xứng giá cả chất lượng và dịch vụ, tốc độ tăng, tải dữ liệu là những vấn đề mà người dân xem xét khi đánh giá chất lượng cung cấp dịch vụ băng thông rộng của các nhà mạng viễn thông.
Ông Hoàng Việt Anh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Viễn thông FPT (FPT Telecom), chia sẻ vấn đề đánh giá chất lượng Internet hiện nay không chỉ là tốc độ băng thông mà phải là trải nghiệm của người dùng. Đặc biệt là dịch COVID-19 đã làm gia tăng đồng loạt các hoạt động trên môi trường mạng đối với tất cả các cá nhân, tổ chức và địa phương trong cả nước.
FPT Telecom hiện đang triển khai 2 hệ thống đánh giá chất lượng Internet. Một là đơn vị lấy ngẫu nhiên từ 5.000-10.000 phản hồi từ khách hàng trên cả nước mỗi tuần để xem họ chưa hài lòng ở điểm nào, từ đó tìm giải pháp khắc phục.
FPT Telecom có hệ thống đo đạc liên tục những thông số về các vấn đề phát sinh trên hạ tầng để chủ động nắm được ưu, nhược, từ đó tìm ra những vấn đề cần nâng cấp, khắc phục từ đó nâng cao chất lượng phục vụ.
Hiện nay, nhu cầu sử dụng Internet băng thông rộng cố định của người dùng cũng không còn bó hẹp trong một lĩnh vực cụ thể mà đã gia tăng rõ rệt trong 3 nhóm chính là học tập, làm việc và giải trí với thời lượng tăng lên một cách đáng kể.
Trong suốt 2 năm dịch COVID-19 phát sinh, đặc biệt là nửa cuối năm 2021, qua theo dõi của FPT Telecom trên phạm vi cả nước, nhu cầu sử dụng băng thông rộng cố định ngày càng gia tăng.
Trong những đợt giãn cách xã hội diện rộng, tại nhiều địa phương, người dân chủ yếu ở trong nhà thì nhu cầu đã chuyển từ dịch vụ di động truyền thống (mobile) sang dịch vụ Internet băng thông rộng.
Người dân chủ yếu sử dụng Internet để gọi thoại, nhắn tin và đây trở thành phương thức chủ đạo để người dân, các thành viên trong nhiều đơn vị kết nối để đảm bảo hoạt động xã hội thường nhật, sản xuất kinh doanh.
Căn cứ vào tình hình thực tế, ông Hoàng Việt Anh, Tổng Giám đốc FPT Telecom, nhận định xu thế sử dụng băng thông rộng cố định vẫn tiếp tục tăng mạnh. Đồng thời, do làm việc từ xa, nên xuất hiện xu hướng nhiều người chuyển từ thành phố lớn về quê làm việc. Như vậy, tiềm năng phát triển băng thông rộng cố định tại các tỉnh, thành phố cũng là rất lớn trong thời gian tới.
Phát triển Internet băng thông rộng
Theo thống kê của Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông), tính đến hết năm 2021, Việt Nam có 70,9 triệu thuê bao băng rộng di động (chiếm 57,23% tổng số thuê bao di động), tăng hơn 4% so với năm 2020; có 18,79 triệu thuê bao Internet băng rộng cố định, tăng 14,59%...
Mặc dù xu thế phát triển dịch vụ băng rộng cố định là tất yếu để phục vụ công cuộc chuyển đổi số tại Việt Nam nói chung cũng như sự gia tăng nhu cầu sử dụng Intenet của người dân nói riêng, áp lực về doanh thu viễn thông đang là vấn đề khó khăn.
Tỷ lệ doanh thu trung bình (ARPU) của thuê bao băng rộng cố định trong 10 tháng năm 2021 chỉ đạt khoảng 137.000 đồng (khoảng 6 USD), giảm 8% so với năm 2020 (là 149.000 đồng).
 
Học sinh Hà Nội học trực tuyến phòng dịch COVID-19. Ảnh: Phạm Mai/Vietnam+
Học sinh Hà Nội học trực tuyến phòng dịch COVID-19. Ảnh: Phạm Mai/Vietnam+
Trong số gần 18 triệu thuê bao cáp quang tại Việt Nam, có tới 83% sử dụng các gói cước với tốc độ dưới 100Mbps dẫn tới tốc độ cáp quang của Việt Nam vẫn thấp hơn nhiều so với một số quốc gia trong khu vực...
Ông Hoàng Đức Dũng (Tổng công ty Mạng lưới Viettel thuộc Tập đoàn Viettel) cho biết Việt Nam là thị trường có giá cước Internet rẻ nhất thế giới, đứng thứ 12/211 quốc gia và vùng lãnh thổ về giá cước Internet băng rộng cố định. Trong năm 2021, dung lượng Internet tăng trưởng nhanh, song doanh thu chỉ tăng 2%/năm. Đây là áp lực lớn với các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông.
Nhìn nhận về sự phát triển của viễn thông trong thời gian tới, trên cơ sở đã trở thành hạ tầng nền tảng của mọi người trong cuộc sống hàng ngày, theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đánh giá với số người sử dụng viễn thông tại Việt Nam là hàng trăm triệu, thì ước tính doanh thu của ngành viễn thông có thể đạt hàng trăm ngàn tỷ đồng, lợi nhuận hàng chục ngàn tỷ đồng.
Do đó, Bộ trưởng nhấn mạnh để thúc đẩy viễn thông, đảm bảo an toàn mạng viễn thông, các thiết bị viễn thông phải có tiêu chuẩn về an toàn an ninh mạng. Các nhà mạng viễn thông phải đầu tư công nghệ, thiết bị để đảm bảo mạng viễn thông an toàn, người dân không bị gây phiền nhiễu, không gian internet lành mạnh cũng như đảm bảo để các cơ quan an ninh có thể truy vết hoạt động vi phạm.
Về giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ Internet, theo ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng phụ trách  Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông), các doanh nghiệp viễn thông cần tập trung nguồn lực để nâng cấp băng thông, nâng cao năng lực thiết bị moderm, mở rộng băng thông trong nước, quốc tế. Đối với băng rộng di động, cần bổ sung thêm băng tần cho mạng 4G. Các doanh nghiệp viễn thông cần áp dụng thêm công nghệ mới, mở rộng quy mô thử nghiệm và đẩy nhanh việc thương mại hóa 5G.
Năm 2022, Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) cũng đặt ra mục tiêu thực hiện việc phủ sóng mạng băng rộng di động tốc độ trên 1Gb đến các khu công nghiệp, khu công nghệ cao; 100% người trưởng thành có điện thoại thông minh; 75% hộ gia đình có FTTH (Internet cáp quang);  85% thuê bao băng rộng di động/100 dân; 100% người sử dụng điện thoại di động có tài khoản Mobile Money.
Đồng thời, Cục Viễn thông sẽ đề xuất tham mưu với lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các doanh nghiệp triển khai đồng bộ nhiều biện pháp để khắc phục các điểm yếu.
Cục Viễn thông sẽ tập trung quản lý các chương trình khuyến mại phát triển thuê bao mới của doanh nghiệp viễn thông không để tình trạng các nhà mạng cạnh tranh quá mức về giá.
Để phát triển đồng bộ hạ tầng viễn thông tại Việt Nam, các nhà mạng cần tăng cường việc chia sẻ dùng chung hạ tầng, ưu tiên bổ sung số lượng trạm 4G tại những địa bàn trọng yếu.
Đồng thời, các nhà mạng cần đẩy mạnh việc đo kiểm, đánh giá định kỳ bằng trải nghiệm người dùng, tạo sự cạnh tranh giữa các nhà mạng viễn thông, qua đó góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ viễn thông trong nước trong thời gian tới.
Ngọc Bích (TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm