Nới rộng vòng tay tình nguyện

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- 17 câu lạc bộ (CLB), đội, nhóm tình nguyện của 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum vừa có cuộc hội ngộ tại TP. Pleiku nhằm triển khai các hoạt động tình nguyện vì cộng đồng. Tại đây, họ đã có cơ hội chia sẻ, liên kết với nhau để nới rộng vòng tay tình nguyện.

Chia sẻ những cách làm hay

Mở đầu chuỗi hoạt động, các CLB, đội, nhóm tình nguyện tập trung đến nhà số 16/7 đường An Dương Vương (TP. Pleiku) để cùng nhau nấu 800 suất cơm miễn phí dành cho bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi, Bệnh viện Tâm thần kinh. Đây là hoạt động thường xuyên của CLB Cơm từ thiện Pleiku.

Để nấu 800 suất cơm trong 1 buổi sáng cần rất nhiều nhân lực. Vì thế, khi có thêm thành viên của các CLB, đội, nhóm tình nguyện đến hỗ trợ, công việc diễn ra nhanh chóng hơn. Dù thời tiết khá nóng bức, nhưng mọi người đều vui vẻ vì có thể chung tay làm việc thiện. Đến 11 giờ, hơn 800 suất cơm được trao tận tay bệnh nhân.

Hội nghị triển khai các hoạt động tình nguyện vì cộng đồng năm 2021. Ảnh: Phan Lài
Hội nghị triển khai các hoạt động tình nguyện vì cộng đồng năm 2021. Ảnh: Phan Lài


Sau hoạt động nấu cơm, các CLB đội, nhóm gặp gỡ để chia sẻ, định hướng hoạt động tình nguyện trong thời gian tới. Theo chia sẻ của các “thủ lĩnh”, mỗi CLB, đội, nhóm tình nguyện đều có tôn chỉ, mục đích, cách thức hoạt động khác nhau, nhưng điểm chung là tình thương, sự nhân ái.

Với tinh thần cởi mở, các CLB, đội, nhóm tình nguyện đã chia sẻ cách vận động gây quỹ và kinh nghiệm tổ chức để có một chương trình tình nguyện hiệu quả. Anh Dương Văn Vấn-Trưởng nhóm tình nguyện “Kon Rẫy kết nối và sẻ chia” (tỉnh Kon Tum) cho hay: “Đây là dịp để những người làm tình nguyện gặp gỡ, chia sẻ, học hỏi những cách làm hay, hiệu quả để đưa hoạt động tình nguyện ngày càng phát triển”.

Anh Vấn cho biết thêm, trước khi tổ chức hoạt động, nhóm tiến hành khảo sát địa điểm tổ chức, tìm hiểu nhu cầu của người dân địa phương. Sau đó mới lên lịch trình chi tiết, vận động nguồn lực. Đặc biệt, tất cả mọi hoạt động thu chi đều được công khai.

Nhóm “Kon Rẫy kết nối và sẻ chia” đã duy trì hoạt động trong 6 năm qua. Trong năm 2020, nhóm đã tổ chức 25 hoạt động tình nguyện, giúp đỡ hàng ngàn học sinh có hoàn cảnh khó khăn tiếp tục đến trường, xây nhà tình thương cho đối tượng chính sách, huy động nguồn lực để hỗ trợ giáo viên mắc bệnh hiểm nghèo…

Nhóm từ thiện Fly To Sky của Gia Lai hoạt động với nhiều lĩnh vực, dự án; phạm vi hoạt động được mở rộng ra tại một số tỉnh, thành trong cả nước. Các dự án mà nhóm thực hiện có hiệu quả như: Tủ sách Bồ câu trắng, Dự án Smile Class, Đổi sách lấy cây, chiến dịch Anh hùng diệt khuẩn…

Nói về kinh nghiệm tổ chức hoạt động, anh Lê Văn Phúc-Tổng Chủ nhiệm nhóm từ thiện Fly To Sky-chia sẻ: “Trong mỗi hoạt động, nhóm đều lên kế hoạch rất chi tiết, phân công nhiệm vụ rõ ràng cho từng thành viên. Cùng với đó, nhóm luôn chủ động phối hợp với chính quyền địa phương để đảm bảo tính pháp lý và cũng nhận được sự giúp đỡ kịp thời nếu xảy ra sự cố không mong muốn. Đặc biệt, nhóm luôn chú trọng công tác truyền thông để tạo sự lan tỏa rộng rãi, các Mạnh Thường Quân từ đó cũng sẽ tin tưởng vào tính xác thực của hoạt động và tham gia ủng hộ”.

Liên kết để lan tỏa yêu thương

Trên địa bàn 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum có hơn 40 CLB, đội, nhóm tình nguyện nhưng thực tế chỉ có vài nhóm là thành viên của Mạng lưới Tình nguyện Quốc gia khu vực Tây Nguyên; còn lại hoạt động mang tính tự phát, đơn lẻ.

Bà Phan Thị Nhung-Chủ nhiệm CLB Tấm Lòng Vàng An Khê-bày tỏ: “Lâu nay, CLB hoạt động theo tinh thần tự nguyện, kinh phí tổ chức từ sự đóng góp của các thành viên và huy động các Mạnh Thường Quân. Chúng tôi mong muốn kết nối với các CLB, đội, nhóm khác để mở rộng quy mô hoạt động tình nguyện”.

lay2 Các CLB, đội, nhóm tình nguyện 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum hội ngộ vì đam mê tình nguyện- Ảnh Phan Lài
Các CLB, đội, nhóm tình nguyện 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum hội ngộ để chia sẻ kinh nghiệm hoạt động. Ảnh: Phan Lài


Chia sẻ về vấn đề này, chị Lý Thị Hồng Trị-Phó Trưởng ban Thường trực Mạng lưới Tình nguyện Quốc gia khu vực Tây Nguyên, Trưởng nhóm Cơm từ thiện Pleiku-thông tin: “Mạng lưới Tình nguyện Quốc gia khu vực Tây Nguyên trực thuộc Trung tâm Tình nguyện Quốc gia và chịu sự quản lý của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Vì thế, các CLB, đội, nhóm tình nguyện khi tham gia mạng lưới tình nguyện sẽ bảo đảm quyền lợi, được hỗ trợ về pháp lý, kết nối với chính quyền địa phương; được định hướng, hỗ trợ trong tổ chức hoạt động tình nguyện. Bên cạnh đó, các CLB, đội, nhóm được tham gia các khóa đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực”.

Anh Nguyễn Chí Cẩn-Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh-cho biết: “Thời gian qua, các CLB, đội, nhóm tình nguyện tổ chức nhiều hoạt động an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh. Nếu các CLB, đội, nhóm tình nguyện được gắn kết thành công thì các chương trình tình nguyện sẽ đạt được kết quả cao hơn. Đó là nguồn lực hỗ trợ và quy mô tổ chức lớn hơn, tạo được hiệu ứng tốt trong xã hội. Thông tin về đối tượng được hỗ trợ sẽ chính xác hơn và phân bổ về nhiều địa phương, tránh được tình trạng nơi nhiều, nơi ít.

Đặc biệt, khi gắn kết với nhau sẽ tạo được sự minh bạch, rõ ràng, tránh tình trạng trục lợi từ việc từ thiện. Vì thế, để hoạt động của các CLB, đội, nhóm ngày càng phát triển hiệu quả, việc kết nối lại với nhau là điều cần thiết”.
 

 PHAN LÀI

Có thể bạn quan tâm

Hành trình từ kình ngư Ánh Viên trở thành hot TikToker

Hành trình từ kình ngư Ánh Viên trở thành hot TikToker

Tại 'TikTok Awards Việt Nam 2024', kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên có tên trong danh sách đề cử hạng mục Nhà sáng tạo nội dung thể thao của năm. Cựu vận động viên có những chia sẻ thú vị về hành trình trở thành TikToker để lan tỏa niềm đam mê bơi lội đến mọi người.

Tài năng “nhí” làng Bok Ayơl

Tài năng “nhí” làng Bok Ayơl

(GLO)- Hình ảnh cậu bé Husy (11 tuổi, làng Bok Ayơl, xã Hra, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) đứng trên sân khấu say sưa diễn tấu tiết mục “Độc tấu t’rưng-Buôn làng ấm no” tại Liên hoan tuyên truyền lưu động toàn tỉnh lần thứ III diễn ra hồi tháng 10 vừa qua đã để lại ấn tượng thật khó phai.

Những đứa trẻ… không tuổi thơ

Những đứa trẻ… không tuổi thơ

Không được đến trường, những đứa trẻ từ 5-10 tuổi ăn mặc lem luốc lượn lờ khắp nơi xin tiền người đi đường, bất kể trời mưa nắng. Không có tuổi thơ, giờ chúng là “phương tiện” để người lớn kiếm tiền trên lòng thương cảm của người khác.