Nối dài những giấc mơ ngoan

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Ngỡ rằng chuyện học của những đứa trẻ phải dừng lại khi biến cố ập xuống gia đình. Nhưng sự học cuối cùng vẫn hiện hữu, giấc mơ ngoan tiếp tục được nối dài bởi vòng tay ấm áp yêu thương của thầy cô, bạn bè và cả người xa lạ.

1. Bên hiên ngôi nhà sàn nhỏ đầu làng Buk (xã An Thành, huyện Đak Pơ), người chị cả Đinh Thị Hoặch (SN 2007) tranh thủ chỉ cho cô em út Đinh Thị Do học đánh vần. Chị đọc trước, em đọc theo sau. Tiếng ê a học bài cứ thế vọng lên trong buổi chiều cuối thu trong vắt.

Bé Do năm nay 7 tuổi, song dáng người nhỏ bé, trông như đứa trẻ lên 3. Mẹ bỏ nhà đi từ khi Do chào đời được 3 tháng. Thiếu sữa, thiếu tình yêu thương và cả sự chăm sóc, chở che của mẹ nên cô bé lớn lên trong èo uột, đau ốm. Đến nỗi, vào lớp 1 rồi mà tay Do chẳng cầm vững cây bút chì, cân nặng chỉ vỏn vẹn 7 kg.

 Đinh Thị Hoặch hướng dẫn em gái Đinh Thị Do ghép vần tiếng Việt. Ảnh: Hồng Thi
Đinh Thị Hoặch hướng dẫn em gái Đinh Thị Do ghép vần tiếng Việt. Ảnh: Hồng Thi


Trước Do, Hoặch còn 3 người em nữa là Đinh Huêch (SN 2009), Đinh Thị Hoan (SN 2011) và Đinh Dip (SN 2003). Từ khi mẹ bỏ đi, cha các em suốt ngày say xỉn. Hoặch bỗng chốc trở thành trụ cột gia đình, chăm lo đàn em nhỏ dại. Sau giờ đến trường, em đi làm cỏ thuê hoặc đổi công cho hàng xóm theo mùa vụ, kiếm ít lúa, mì về ăn qua bữa. Cuộc sống của 5 chị em cứ lay lắt như thế cho đến tháng 8-2020, biến cố lại ập xuống gia đình. Trong lần đi đám tang về muộn, người cha không may bị tai nạn đuối nước và qua đời. Hoặch bộc bạch: “Cha mất, chúng em về ở với người chị cùng cha khác mẹ Đinh Thị Hưi. Em và Huêch quyết định nghỉ học ở nhà làm rẫy, nhường ước mơ đến trường cho Hoan, Dip và Do. Em cũng buồn lắm nhưng đó là lựa chọn tốt nhất lúc bấy giờ”.

Thấy 2 trò ngoan thường nghỉ học, thậm chí vắng mặt cả tuần mà không có lý do, thầy Trương Công Hương-Tổng phụ trách Đội Trường Tiểu học và THCS Kim Đồng (xã An Thành) đã cùng giáo viên chủ nhiệm tìm đến tận nhà để vận động các em trở lại lớp. “Lúc đầu, tôi cứ nghĩ vào mùa vụ, các em theo cha mẹ lên rẫy nên vắng học. Nào ngờ, hỏi ra mới biết hoàn cảnh của 5 chị em rất đáng thương. Chúng tôi bàn bạc, nghĩ cách để giúp các em được tiếp tục đến trường. Sau một thời gian kêu gọi, cô Trần Thị Hà đã kết nối thành công với một số Mạnh Thường Quân, trong đó, Chi hội Mái Ấm Việt (tỉnh Bình Định) đã nhận hỗ trợ nhu yếu phẩm định kỳ hàng tháng cho 5 chị em, đặc biệt là sữa tươi nhằm cải thiện dinh dưỡng cho cô em út Đinh Thị Do”-thầy Hương chia sẻ.

Buông được nỗi lo cơm áo, Hoặch và Huêch nghe lời thầy cô yên tâm đi học. Cả 5 chị em cùng bảo nhau đến lớp chuyên cần. Hoan, Dip còn được nhà trường khen thưởng vì thành tích học tập tốt. Hoặch, Huêch thì năng nổ, tích cực trong mọi hoạt động phong trào văn nghệ, thể thao của trường. Cô Lê Thị Sâm-Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Kim Đồng-cho biết: Ban Giám hiệu đã giao nhiệm vụ cho giáo viên chủ nhiệm lớp các em đang theo học phối hợp cùng Tổng phụ trách Đội thường xuyên quan tâm, đồng hành giúp 5 chị em tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc gặp phải trong học tập cũng như cuộc sống để cả 5 em yên tâm đến trường. Chúng tôi cũng đã đề xuất với UBND xã làm thủ tục cho các em được hưởng chế độ mồ côi nhưng không được vì hiện chưa rõ người mẹ sống ở đâu. Nhà trường cũng ưu tiên dành những suất học bổng, sách, vở, quần áo... cho 5 chị em.

2. Trở về phòng trọ nhỏ tại đường Nguyễn Thiếp (TP. Pleiku) sau giờ tan ca, chàng trai Nguyễn Gia Bảo ăn vội bữa cơm trưa đạm bạc rồi thu xếp sách vở tới Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh học tập. Bảo kể, 17 tháng tuổi, em đã mồ côi cha. Một mình mẹ xoay vần với công việc kinh doanh để nuôi em khôn lớn. Ý thức được nỗi vất vả của mẹ nên Bảo luôn chăm ngoan, cố gắng học tập. Bảo đặc biệt có năng khiếu với thể thao, nhất là bóng đá và bóng chuyền nên sau mỗi giờ học, em còn tích cực tham gia các buổi tập luyện, thi đấu do trường và phường tổ chức, cùng đồng đội mang về nhiều thành tích cao.

 

Em Nguyễn Gia Bảo (bìa trái)-lớp 11C, Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh trao đổi bài cùng bạn. Ảnh Mộc Trà
Em Nguyễn Gia Bảo (bìa trái)-lớp 11C, Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh trao đổi bài cùng bạn. Ảnh Mộc Trà


“Ước mơ của em là trở thành cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp, song sau vụ tai nạn giao thông khiến chân phải bị gãy. Vì vậy, em không còn cơ hội thi vào Học viện Bóng đá Hoàng Anh Gia Lai. Kể từ đó, em chuyển mục tiêu phấn đấu sang ngành Sư phạm giáo dục thể chất, cố gắng học để có thể làm một thầy giáo thể dục trong tương lai”-Bảo chia sẻ.

Ấy thế mà chỉ mới đầu năm học 2022-2023, Bảo đã tưởng mình phải gấp lại trang sách dở dang ở năm học lớp 11 vì không có tiền đóng học phí. Trong khi đó, đồng lương phục vụ quán cà phê ít ỏi của em chẳng đủ để trả tiền thuê trọ và trang trải chi phí sinh hoạt hàng ngày. Giọng Bảo đượm buồn: “Năm em học lớp 9, dịch Covid-19 bùng phát trở lại khiến công việc kinh doanh của mẹ em bị phá sản. Nản chí, mẹ gửi em ở nhà với bà ngoại rồi vào TP. Hồ Chí Minh tìm kiếm cơ hội mới. Gia cảnh khó khăn, em ít nhiều bị ảnh hưởng tâm lý, học hành sa sút rồi chán không đi học nữa. Thầy cô phải đến nhà khuyên mãi em mới tới lớp. Và rồi năm đó, dẫu vẫn hoàn thành chương trình lớp 9 nhưng em không đủ điểm xét tuyển vào các trường THPT trên địa bàn. Cuối cùng, em nộp hồ sơ xin sang học tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh”.

Học kỳ II năm lớp 10, Bảo lại có ý định nghỉ học vì thấy mình đang trở thành gánh nặng cho bà ngoại già yếu và thường xuyên đau ốm. Hiểu ý Bảo, bà ngoại hết mực ngăn cản, cô Nguyễn Thị Quỳnh Như-giáo viên chủ nhiệm cũng thường xuyên động viên, khuyên nhủ. Bảo lại có động lực kiên trì học tập. 3 tháng trước, Bảo quyết định xin bà ngoại ra ở trọ và tìm việc làm để trang trải cuộc sống. Vì học buổi chiều nên Bảo dành buổi sáng để làm phục vụ kiêm shipper cho 1 quán cà phê trên đường Wừu; tiền lương mỗi ca làm từ 7 giờ đến 12 giờ là 65.000 đồng. Tuy nhiên, số tiền này không đủ để Bảo cáng đáng thêm tiền học phí. Một lần nữa, em đành lựa chọn phương án tạm thời nghỉ học.

“Thấy Bảo vắng học 1 tuần, tôi hỏi bạn bè trong lớp thì hầu như không ai biết rõ nguyên nhân vì em sống nội tâm, kín tiếng. Khi biết Bảo gặp khó khăn trong vấn đề học phí, tôi đã khuyên em cứ tiếp tục đến lớp và chủ động đề xuất Ban Giám đốc Trung tâm xem xét hỗ trợ. Bảo cũng đã làm đơn xin được miễn giảm học phí”-cô Như thông tin.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Võ Văn Tiên-Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh cho biết sẽ xem xét giảm học phí cho em Bảo theo đúng quy định, ít nhất là 50% để em an tâm đến lớp. Các thầy-cô giáo sẽ luôn quan tâm, đồng hành, hỗ trợ và tạo điều kiện giúp em có thể hoàn thành chương trình THPT.

*
*   *

Theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Long, những năm qua, ngành Giáo dục toàn tỉnh đã phát động phong trào thi đua “Huy động và duy trì sĩ số học sinh” với nhiều giải pháp thiết thực. Từ phong trào này đã xuất hiện nhiều mô hình, cách làm hay tiếp bước cho học sinh đến trường. Nhờ vậy, năm học 2021-2022, tỷ lệ huy động học sinh ra lớp đúng độ tuổi bậc tiểu học đạt 99,9%, bậc THCS đạt 92,6% và THPT đạt 52,5%. “Trong công tác huy động và duy trì sĩ số học sinh, ngành đã nhận được sự quan tâm, đồng hành của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Mong rằng sự đồng hành này ngày càng được phát huy trong thời gian tới để không còn học sinh nào bị bỏ lại phía sau trên hành trình chinh phục giấc mơ con chữ”-Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo kỳ vọng.
 

 HỒNG THI

 

Có thể bạn quan tâm

Tài năng “nhí” làng Bok Ayơl

Tài năng “nhí” làng Bok Ayơl

(GLO)- Hình ảnh cậu bé Husy (11 tuổi, làng Bok Ayơl, xã Hra, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) đứng trên sân khấu say sưa diễn tấu tiết mục “Độc tấu t’rưng-Buôn làng ấm no” tại Liên hoan tuyên truyền lưu động toàn tỉnh lần thứ III diễn ra hồi tháng 10 vừa qua đã để lại ấn tượng thật khó phai.

Đoàn xã Chư Răng khánh thành và bàn giao công trình thanh niên "Thắp sáng đường quê", chung tay xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Ảnh: Vũ Chi

Tuổi trẻ Ia Pa chung tay xây dựng nông thôn mới

(GLO)- Hưởng ứng phong trào “Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới”, đoàn viên, thanh niên huyện Ia Pa (tỉnh Gia Lai) đã huy động các nguồn lực, triển khai nhiều công trình, phần việc, chung tay xây dựng nông thôn mới và thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội địa phương.

Đường vào Harvard của nữ sinh 18 tuổi

Đường vào Harvard của nữ sinh 18 tuổi

Từng chỉ nói tiếng Anh bập bẹ khi sang Mỹ, nhưng Lê Nguyễn Nhật Hạ đã có sự thay đổi ngoạn mục. Cô bạn tốt nghiệp thủ khoa Trường THPT North Dallas ở bang Texas và hiện tại đang là tân sinh viên ĐH Harvard (Mỹ).

Nữ sinh chinh phục học bổng trị giá 6 tỉ đồng

Nữ sinh chinh phục học bổng trị giá 6 tỉ đồng

Phạm Ngọc Trúc Linh (18 tuổi, quê Hà Tĩnh) đã thành công chinh phục học bổng toàn phần trị giá 360.000 AUD (tương đương 6 tỉ đồng) từ Trường ĐH Monash (Úc). Được biết, Linh là một trong số ít ứng viên nhận được suất học bổng của trường đại học này dành cho thí sinh quốc tế.

Lắng nghe trẻ em nói

Lắng nghe trẻ em nói

Phiên họp giả định Quốc hội trẻ em lần thứ 2 - năm 2024 là một sự kiện quan trọng, có ý nghĩa to lớn đối với thiếu nhi VN; khẳng định sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em.

Chuyện tình của cặp đôi mê... yoyo

Chuyện tình của cặp đôi mê... yoyo

"Đây là mùa giải yoyo cuối cùng mà Dũng tổ chức với tư cách là người độc thân". Nói đến đây, anh Lê Minh Dũng (34 tuổi), ngụ ở đường Trần Bình Trọng, P.1, Q.10, TP.HCM quỳ xuống cầu hôn bạn gái mình, trong sự vỗ tay reo hò của hàng trăm anh em yêu mến yoyo.
Chắp cánh “tài năng nhí”

Chắp cánh “tài năng nhí”

(GLO)- Chung kết tìm kiếm tài năng nhí năm 2024 diễn ra tối 31-8 tại TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) đã tìm ra những gương mặt có triển vọng trong lĩnh vực nghệ thuật. Khởi đi từ sân chơi này “đánh thức” tài năng bên trong mỗi đứa trẻ, ươm mầm và chắp cánh cho ước mơ của các con được bay xa hơn.