Những cung đường nâng tầm đô thị Pleiku

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Qua hơn 90 năm xây dựng và phát triển, hạ tầng giao thông của TP. Pleiku từng bước hoàn thiện. Những cung đường không chỉ tạo nên diện mạo đô thị khang trang, sạch đẹp, mà còn góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển.
Đường trong ký ức 
Khi tìm hiểu về những con đường ở TP. Pleiku, tôi đã rất ấn tượng với bài viết của Tiến sĩ Hoàng Trần-giảng viên Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh, cũng là một người đã từng lớn lên tại Pleiku, đăng trên Gia Lai Cuối tuần ngày 18-4-2015. Tiến sĩ Hoàng Trần viết: “Về Pleiku, tôi vẫn hay lái xe máy chạy lòng vòng. Mỗi con đường biết bao kỷ niệm. Xưa chỉ chạy hết Lê Lợi ra ngã ba Hoa Lư, vòng lên Phan Đình Phùng, gặp Lý Thái Tổ rẽ trái tới Hoàng Diệu nối dài (nay là đường Hùng Vương), rồi lại rẽ trái xuôi Hoàng Diệu về vòng xoay Diệp Kính là xem như đã đủ một vòng nội ô Phố núi! Dọc ngang dài ngắn bên trong thì thường đi lại cũng chỉ mấy đường quen: Lê Văn Duyệt (Trần Phú), Quang Trung, Hai Bà Trưng, Phan Bội Châu, Phó Đức Chính (Nguyễn Văn Trỗi), Nguyễn Thái Học và quanh khu chợ Mới (nay là Trung tâm Thương mại Pleiku)…”.
Cũng theo Tiến sĩ Hoàng Trần, “với cư dân Pleiku cũ, con đường Hoàng Diệu hẳn không ai không nhớ. Con đường này chạy từ cầu Hội Phú lên tới Lý Thái Tổ. Trước năm 1975, đường Hoàng Diệu chỉ có đoạn giữa-khoảng từ ngã ba Diệp Kính đổ lên Bưu điện-là sầm uất, tấp nập; sự náo nhiệt đó kéo lan qua vòng cung lân cận: Phan Bội Châu-Quang Trung-Phan Châu Trinh và Lê Lợi. Thả bộ lang thang thường cũng chỉ trên mấy đường này”. 
Đường Hai Bà Trưng ngày xưa. Ảnh: Internet
Một góc đường Hai Bà Trưng trước đây. Ảnh: Internet
Còn ông Trần Đại (hẻm 309 Lý Thái Tổ, TP. Pleiku) thì chia sẻ: Gia đình ông từ Quảng Nam chuyển lên Pleiku sinh sống vài năm sau giải phóng. Lúc bấy giờ, đường nhựa chỉ có vài tuyến chính, còn lại là đường đất, nhỏ hẹp. Đến khoảng những năm 80 của thế kỷ trước, đường sá bắt đầu được Nhà nước quan tâm đầu tư, nhựa hóa nhiều tuyến. Các con đường được mở rộng hơn, nhưng cũng ở trong phạm vi nội thị, còn vùng ven thì vẫn chưa phát triển, vẫn là đường đất. “Hồi đó, những con đường như: Phạm Văn Đồng, Lý Thái Tổ... dốc hơn bây giờ. Sau này làm đường, người ta đã hạ bớt độ dốc, có thể thuận tiện cho giao thông. Nhiều người thuộc thế hệ chúng tôi chắc chắn không bao giờ quên được những đêm trăng dắt xe đạp cùng với người yêu cuốc bộ qua những con dốc này”-ông Đại nói. 
Nâng tầm đô thị
Xác định công tác đầu tư hạ tầng đô thị là bước đột phá làm thay đổi diện mạo của thành phố, tạo tiền đề cho phát triển kinh tế-xã hội, năm 2011, Thành ủy Pleiku đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU về “Đầu tư, chỉnh trang hệ thống công trình hạ tầng đô thị đến năm 2020” với mục tiêu phát triển đô thị Pleiku hợp lý, hài hòa, đồng bộ, phù hợp với đặc điểm tự nhiên và bản sắc văn hóa dân tộc của vùng Tây Nguyên, có kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị và phúc lợi xã hội theo hướng hiện đại. 
Sau gần 2 năm triển khai Nghị quyết, TP. Pleiku đã đạt tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản gần 4.770 tỷ đồng. Từ năm 2011 đến năm 2015, TP. Pleiku đã nâng cấp và mở rộng 41 tuyến đường giao thông chính với chiều dài 57,29 km; xây dựng hơn 253 tuyến đường hẻm, đường giao thông nông thôn với chiều dài 64 km; 35 bãi đậu xe công cộng nội thành có diện tích 26.493 m2 với công suất 1.982 chỗ đậu, đỗ xe ô tô; xây dựng mới 22,85 km vỉa hè đường chính… Đây là tiền đề để kinh tế phát triển ổn định, tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân 5 năm là 12%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng theo hướng mà các đô thị trong cả nước hướng tới, đó là tăng tỷ trọng ngành thương mại-dịch vụ (chiếm 50,2%) và công nghiệp-xây dựng (chiếm 44,4%).
Đường Nguyễn Tất Thành là một trong những cung đường đẹp nhất TP. Pleiku. Ảnh: Hà Duy
Đường Nguyễn Tất Thành là một trong những cung đường đẹp nhất TP. Pleiku. Ảnh: Hà Duy
Giai đoạn tiếp theo, hàng loạt tuyến đường quan trọng của thành phố đã được mở rộng, nâng cấp. Có thể kể tới như: đường Cách Mạng Tháng Tám nối dài với tổng mức đầu tư gần 30 tỷ đồng; đường Hoàng Quốc Việt với tổng mức đầu tư gần 10,5 tỷ đồng, đường Bà Huyện Thanh Quan có tổng mức đầu tư gần 13 tỷ đồng; đường Hùng Vương, đoạn Lý Thái Tổ-Diệp Kính và cầu Hội Phú với tổng mức đầu tư gần 23 tỷ đồng; đường Nguyễn Đường với tổng mức đầu tư gần 11,5 tỷ đồng; đường Hai Bà Trưng với tổng mức đầu tư 100 tỷ đồng… Giai đoạn này cũng hoàn thành dự án kéo dài, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn sân đậu máy bay và mở rộng Nhà ga hành khách Sân bay Pleiku với tổng mức đầu tư 2 dự án hơn 1.000 tỷ đồng, đảm bảo phục vụ cùng lúc 2 máy bay A321, có khả năng phục vụ 800 ngàn-1 triệu hành khách/năm, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hành khách-hàng hóa nối liền giữa các tỉnh Bắc Tây Nguyên với các thành phố lớn như: Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh.
Hệ thống giao thông nông thôn cũng được quan tâm đầu tư đúng mức thông qua chương trình xây dựng nông thôn mới. Tính đến nay, TP. Pleiku có 100% đường nhựa đến tận từng thôn, làng; 100% đường chính có tên được nhựa hóa, bê tông hóa (274 km); 47% đường hẻm nhựa hóa, bê tông hóa (350 km); 100% đường chính có tên đã hoàn thiện hệ thống điện chiếu sáng công cộng (207 tuyến)... Hệ thống giao thông ngày càng hoàn thiện đã góp phần rất lớn trong phát triển kinh tế-xã hội thành phố.
Theo ông Hoàng Minh Nghĩa-Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng TP. Pleiku: “Riêng năm 2022, ngoài những dự án theo kế hoạch, Ban Quản lý đang tập trung vào một số dự án quan trọng của đô thị, đầu tiên là đường Nguyễn Văn Linh, tiếp theo là triển khai giai đoạn 1 của Dự án kè chống sạt lở suối Hội Phú đoạn từ đường Lê Thánh Tôn-Nguyễn Trung Trực-chùa Minh Thành. Ban Quản lý đang huy động các nguồn lực tập trung đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành tất cả các dự án đúng theo kế hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt”. 
Mục tiêu của TP. Pleiku trong những năm tới là phát huy tối đa lợi thế nhằm xây dựng và phát triển thành vùng động lực quan trọng hàng đầu của tỉnh, trở thành đô thị thông minh. Nói về định hướng phát triển đô thị Pleiku, Chủ tịch UBND thành phố Đỗ Việt Hưng cho hay: “Thành phố huy động tối đa các nguồn lực để đầu tư hệ thống hạ tầng đô thị; đẩy mạnh kêu gọi, thu hút đầu tư bằng các chính sách mở, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư cũng như đa dạng hóa các hình thức đầu tư, thu hút các nguồn vốn vào các công trình trọng điểm, các công trình tạo phúc lợi, an sinh xã hội cao như: kết cấu hạ tầng giao thông, nông nghiệp và nông thôn, điện, nước; triển khai đồng bộ các tuyến giao thông trục chính, giao thông đối ngoại”. 
KIM LINH